Cha mẹ có dám cho con ngừng học thêm?

27/01/2016 08:19
Nguyễn Minh Thanh
(GDVN) - Những việc trong tầm tay của bậc cha mẹ như đồng hành cùng con, giải tỏa áp lực việc học của con, trao đổi cùng con, chuyện ngừng học thêm đã có chưa?

LTS: Câu chuyện học thêm đã nói mãi, nói nhiều, nói đến phát nhàm. Bộ GD&ĐT cũng ra hẳn một cái thông tư là Thông tư 17 quy định về dạy thêm học thêm.

Nhưng kể từ khi thông tư ra đời cho đến nay, câu chuyện học thêm vẫn không hề thay đổi, không hề giảm đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. 

Trong bài viết này, thầy giáo Nguyễn Minh Thanh mạnh dạn chỉ ra nguyên nhân khiến việc học thêm dạy thêm không thể chấm dứt. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Sau bài viết “Tại sao mặc định là giáo viên thì không được giàu?” của tôi được đăng tải trên  Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 15/01 đã nhận được nhiều luồng ý kiến từ bạn bè đồng nghiệp và những người quan tâm tới vấn đề giáo dục, vấn đề lương giáo viên mà tôi đưa ra. 

Trước hết, tôi cảm ơn tới những người đã quan tâm tới vấn đề đó và trân trọng đón nhận toàn bộ ý kiến của mọi người. 

Cha mẹ có dám cho con ngừng học thêm? ảnh 1
Cha mẹ có dám cho con ngừng học thêm? (Ảnh: vietnamnet.vn)

Trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng giáo viên bắt học sinh phải học thêm thì cớ sao lại nghèo được. Trong bài viết này, tôi mạo muội được bình bàn thêm về vấn đề mà tôi đã từng phản ánh trên một số tờ báo khác. Đó là việc dạy thêm, học thêm trong môi trường giáo dục để mọi người có cái nhìn toàn diện hơn. 

Thứ nhất, phải đính chính lại rằng dạy thêm học thêm là tất yếu dựa trên nhu cầu và quan hệ cung-cầu. 

Không nơi nào trên thế giới không có dạy thêm dạy kèm [1] (tùy mục đích và hình thức khác nhau) cho nên không quá khích bài trừ nó.  Nhưng ở ta tréo ngoe ở chỗ nỗi sợ kết quả học tập lại nằm ở cha mẹ chứ không phải con trẻ. 

Có lẽ các bậc phụ huynh nên xem lại có phải mình ép con cái học thêm để có thành tích “đẹp” không. Một lý do chí tử cho việc con cái học thêm là từ áp lực cha mẹ [2]

Cha mẹ có dám cho con ngừng học thêm? ảnh 2

Tại sao mặc định là giáo viên thì không được giàu?

(GDVN) - Lâu nay nhiều người vẫn rêu rao câu “nhà văn, nhà giáo, nhà báo nhà nghèo" và mặc định rằng trong số đó, nhà giáo "phải nghèo".

Nguyên nhân biến tướng việc dạy thêm học thêm như thời gian qua gây nên phản ứng mạnh mẽ trong công chúng ngoài những áp lực từ việc học để có kết quả và kỹ năng… thì phải công nhận cha mẹ Việt Nam đang quá kỳ vọng ở con cái, sợ con cái mình không bằng con của bạn bè, đồng nghiệp nên đã bắt con đi học thêm.

Thứ hai, việc dạy thêm học thêm của giáo viên không phải lỗi hoàn toàn ở họ và không phải giáo viên nào cũng dạy thêm. 

Có thể nói như vậy dễ dẫn đến hiểu lầm rằng cổ vũ cho vấn đề dạy thêm học thêm, xin nói ngay rằng vấn nạn này phần lớn nằm ở cơ chế và quy trình vận hành bộ máy giáo dục.

Đúng hơn là triết lý giáo dục và nền giáo dục nước nhà bị “lỗi” nên sản sinh ra một thế hệ thầy và trò đối đầu nhau ở một vấn đề, nhà trường và xã hội không cùng một nhìn về một hướng nhưng lại cùng nhau làm một việc là “chấp nhận sống chung tạm thời với lũ”. Trong cơn lũ không tìm cách dẫn lối cho nhau lại đi chỉ trích nhau.

Thứ ba, cái gọi là “sống chung với lũ”  ấy đã được Bộ GD&ĐT thừa nhận có tình trạng ép học sinh đi học thêm [3]

Nhưng thử hỏi, về những miền quê nghèo, giáo viên còn chăm lo từng chút cho học sinh, còn lo vận động các em đi học thì nói gì đến học thêm. 

Có chăng, đáng trách là những giáo viên vụ lợi cho bản thân, quên đi lợi ích trồng người chỉ lo cho “cái bụng” mình "no tròn" nên đã gây nhiều phản cảm cho biết bao người dân. 

Cha mẹ có dám cho con ngừng học thêm? ảnh 3

Dạy thêm, học thêm, bài toán ngoài khả năng của riêng ngành giáo dục

(GDVN) - Tình trạng dạy thêm, học thêm năm nào cũng xảy ra và được cả xã hội quan tâm, đặc biệt là các bậc cha mẹ (cả ép buộc ở nhiều hình thức và tự nguyện).

Thực ra có nhiều cách thức khác để làm thêm kiếm tiền bên cạnh dạy thêm hoặc thấy nghề giáo không đủ thì có thể chuyển nghề [4] nhưng một số giáo viên đã lợi dụng sự quan tâm (có phần quá mức) của phụ huynh để tạo ra đặc quyền cho riêng mình.

Thứ tư, quý độc giả (kể cả chưa đọc bài viết này) có thấy sự biến tướng của dạy thêm học thêm thời gian qua quá trầm trọng không?

Quý phụ huynh có biểu lộ, thể hiện rất gay gắt trên mạng, vậy trong đời thực bậc làm cha mẹ đã làm gì để cải thiện nó chưa?  Những việc trong tầm tay của các bậc cha mẹ như đồng hành cùng con, giải tỏa áp lực việc học của con, trao đổi cùng con, cho con ngừng học thêm đã được thực hiện chưa?... 

Hay các bậc làm cha làm mẹ sợ con bị ép, bị chì chiết, bị đối xử không công bằng…nên “im lặng” cho con đi học thêm giáo viên dạy con mình!

Tài liệu tham khảo:

[1] http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/viet-nam-xep-thu-5-ve-hoc-them-tren-the-gioi-20140228091148513.htm

[2] http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20151003/song-voi-an-tam-ngu-thieu-vi-hoc-them/979021.html

[3] http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150909/bo-gddt-thua-nhan-co-viec-giao-vien-ep-hoc-sinh-hoc-them/966039.html

[4] http://thanhnien.vn/giao-duc/5-nghe-thay-the-giao-vien-co-the-lam-658020.html

Nguyễn Minh Thanh