Ngày 20/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (trong đó bao gồm cả việc đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020).
Về giáo dục, báo cáo đánh giá công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh.
Giáo dục đại học, đào tạo nghề có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên, quy mô đào tạo nghề tăng; kỹ năng nghề được cải thiện. Việt Nam đạt kết quả cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế và kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: N.Y |
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày cũng thẳng thắn chỉ rõ, chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp chưa cao; cơ cấu chưa hợp lý.
“Cơ sở vật chất giáo dục đào tạo nhiều nơi chưa bảo đảm. Biên chế giáo viên thừa, thiếu cục bộ.
Xảy ra sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông ở một số địa phương.
Vấn đề sách giáo khoa phổ thông gây bức xúc dư luận”, Thủ tướng nêu.
Về phương hướng kế hoạch trong lĩnh vực giáo dục năm 2019, Chính phủ khẳng định sẽ chấn chỉnh, khắc phục ngay các bất cập trong thi cử, sách giáo khoa phổ thông;
Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp công lập; tăng cường kiểm định chất lượng.
Đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, giáo dục đạt được nhiều thành tích trong dạy và học, nhưng còn tồn tại một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để.
“Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, tình trạng dạy thêm, học thêm và lạm thu.
Tiến độ thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn chậm.
Trong đó chương trình giáo dục phổ thông mới chậm được ban hành; tự chủ đại học còn nhiều hạn chế.
Tính ổn định, thống nhất và đồng bộ trong giáo dục chưa cao.
Công tác tổ chức thi Trung học phổ thông quốc gia để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại một số tỉnh”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu.
Một số đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ làm sai lệch kết quả thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình gây bất bình trong xã hội, làm mất lòng tin của người dân, nhất là giới trẻ về sự công bằng, nghiêm minh, khách quan đối với kỳ thi.
Báo cáo cũng đánh giá, sách giáo khoa xuất bản độc quyền, gây lãng phí cho xã hội.
Ủy ban Kinh tế đề nghị nâng cao chất lượng các kỳ thi.
Bảo đảm tính ổn định, thống nhất và đồng bộ; tránh lãng phí, độc quyền trong in, phát hành sách giáo khoa.