LTS: Sau những phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về chất lượng đầu vào sư phạm, thầy giáo Nhật Duy đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề chuyển đổi giáo viên đã tốt nghiệp sang làm ngành nghề khác.
Cũng theo tác giả, thì những “gợi ý” của Bộ trưởng đưa ra về tình hình sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm, có lẽ chỉ là một giải pháp "chữa cháy" chứ chưa “căn cơ” và mang tính chiến lược.
Tòa soạn trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết.
Ngày 17/8 vừa qua, trong cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã cam kết sẽ siết chặt chất lượng đào tạo ngành sư phạm và giải quyết căn cơ tình trạng dôi dư nguồn nhân lực của ngành.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đã nêu lên những định hướng gợi ý là sẽ chuyển đổi các giáo sinh đã tốt nghiệp sang làm một số ngành nghề khác.
Một sự “gợi ý” rất nhân văn và trách nhiệm nhưng có lẽ câu hỏi đã đặt ra là tại sao tình trạng sinh viên sư phạm thất nghiệp nhiều mà các trường sư phạm vẫn tuyển sinh và đào tạo với số lượng lớn để bây giờ phải “chuyển đổi” nghề.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề chất lượng đầu vào ngành sư phạm năm nay, ảnh chụp màn hình phóng sự của VTV. Nguồn: VTV.vn |
Nhân lực ngành sư phạm không phải đến bây giờ mới thừa mà nó đã manh nha từ hơn 10 năm trước. Từ những năm 2004-2005, nhiều ngành học ra trường không xin được việc làm. Nhiều giáo viên ra trường phải dạy hợp đồng theo tiết hoặc “tự chuyển đổi” nghề sang một hướng khác.
Vì từ lâu, chỉ có một số địa phương ở vùng khó khăn, một số trường phổ thông mới thành lập mới có nhu cầu về nhân sự. Tình trạng “đóng băng” tuyển dụng nhân sự ngành sư phạm đã dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau.
Có điều, dù sinh viên ngành sư phạm ra trường không xin được việc nhưng trong khoảng chục năm qua, vẫn có nhiều trường sư phạm được thành lập, được mở ra đào tạo.
Một số trường cao đẳng thì nâng cấp thành đại học, trung cấp thì nâng lên cao đẳng. Rồi nhiều trường không có chức năng đào tạo sư phạm cũng xin mở mã ngành để xây dựng thành các khoa sư phạm.Và, điều tất nhiên là “cung” tiếp tục vượt rất xa “cầu”.
Quay trở lại với những định hướng, đề xuất của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:
“Dù sao, phòng đào tạo của các trường sư phạm cũng hết sức căn bản. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các trường sư phạm và các trường có ngành liên quan, tìm hiểu nhu cầu của thị trường đang rất cần lao động.
Ví dụ như công nghệ thông tin, du lịch, một số ngành nghề khác, có chương trình như chuyển đổi để khi giáo sinh đã tốt nghiệp bằng đại học sư phạm, giờ chỉ bổ túc những tín chỉ để có thể đáp ứng nhu cầu của các lĩnh vực khác”.
Bảo đảm đầu ra là yếu tố quyết định cho ngành sư phạm |
Những “gợi ý” của Bộ trưởng là những trăn trở của người đứng đầu ngành giáo dục về tình hình sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm.
Song, có lẽ đây chỉ là một giải pháp tạm thời chứ chưa “căn cơ” và mang tính chiến lược.
Bởi những ý tưởng này của Bộ trưởng cho thấy chúng ta không chỉ thất bại 1 lần mà nó sẽ trở thành “thất bại kép” cho hiện tại và cả trong tương lai.
Thứ nhất, các ngành như Công nghệ thông tin, Du lịch và một số ngành nghề khác họ cũng có những trường, những sinh viên được đào tạo chuyên biệt. Chắc chắn họ sẽ có kiến thức chuyên sâu hơn rất nhiều những giáo sinh của ngành sư phạm.
Hơn nữa, các ngành này hiện nay cũng không phải là thiếu nhân lực. Nếu “chuyển đổi” như vậy, vô tình lại làm tăng áp lực thất nghiệp cho các ngành nghề khác.
Thứ hai, trong 4 năm đào tạo sư phạm, nhà nước phải cấp bù học phí cho các em, phải trả lương cho giảng viên các trường sư phạm, phải đầu tư cơ sở hạ tầng, phải mua sắm trang thiết bị dạy học.
Phụ huynh tốn kém bao nhiêu tiền của để đầu tư cho con em họ. Các em sinh viên lãng phí 4 năm học nhưng ra trường lại đi làm nghề khác.
Vậy tại sao ngành giáo dục lại không thể “giảm sâu” chỉ tiêu đào tạo sư phạm trong những năm qua? Đây là vấn đề không mới mà nó đã đang tồn tại hơn chục năm rồi.
Bài toán nào cho nhân lực ngành sư phạm?
Thứ nhất, trong các năm tới đây, ngành giáo dục chỉ duy trì đào tạo những ngành học còn thiếu ở những trường sư phạm có uy tín, chất lượng. Các trường sư phạm địa phương thì có nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho giáo viên hiện có.
Bởi, chương trình thay sách tới đây rất cần sự đầu tư sâu cho giáo viên cơ sở. Vì thế, số lượng giảng viên cũng không phải lo thất nghiệp.
Thứ hai, công tác đánh giá, phân loại giáo viên ở các đơn vị cơ sở cần đi vào thực chất, tránh hình thức, có thể sàng lọc để tinh giản những giáo viên không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, không thiết tha, tâm huyết với nghề ra khỏi ngành.
Từ đó, tạo cơ sở để tuyển dụng mới những em giáo sinh có năng lực, tâm huyết với nghề thay thế cho đội ngũ giáo viên về hưu, tinh giản.
Thứ ba, rà soát kĩ những môn học, cấp học còn thiếu nhân lực ở các trường phổ thông, các trường tiểu học, mầm non để “có thể” bồi dưỡng giáo sinh sư phạm thất nghiệp trên tinh thần tự nguyện của các em.
Dù sao, sự “chuyển đổi” này cũng “gần” hơn, dễ đào tạo hơn khi “chuyển đổi” sang một số ngành nghề khác.
Mọi người hãy tìm cách cứu ngành sư phạm, đừng trách móc, kêu than nữa |
Thứ tư, ngành giáo dục phải được tự chủ trong các kế hoạch tuyển sinh, tuyển dụng, chứ như hiện nay, ngành giáo dục chỉ nắm được chuyên môn.
Trong khi các ngành, địa phương khác ra chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển dụng dẫn đến một số tiêu cực và tác động xấu cho sau này.
Thứ năm, công tác dự báo, quy hoạch số lượng, chỉ tiêu của ngành giáo dục phải tốt hơn, phải tuyên truyền rộng rãi đến người học, đến các tầng lớp nhân dân.
Đồng thời, phải siết chặt được chất lượng đầu vào, đầu ra của các trường sư phạm. Từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo để khẳng định vai trò, vị thế của người thầy trong ngành giáo dục.
Thứ sáu, đào tạo, bồi dưỡng cho sinh viên sư phạm không chỉ tốt về chuyên môn, đạo đức mà phải có nhiều kĩ năng để chủ động thích nghi, dấn thân khi các em ra trường.
Giải bài toán chất lượng đầu vào sư phạm và tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm cũng đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trăn trở:
“Đầu ra đảm bảo là yếu tố quyết định, trong khi chúng ta chưa đánh giá được thật sát nhu cầu nhân lực trong ngành sư phạm nên thừa thiếu cụ bộ.
Vì thế, cần đánh giá sát điều này, bởi vì không thể nói dạy tốt mà lại thiếu giáo viên. Phải đánh giá, khảo sát giáo viên của từng cấp, từng môn xem giáo giáo viên nào chuyển đổi được thì chuyển đổi, hoặc đào tạo lại để sử dụng tốt”.
Điều trăn trở của Phó Thủ tướng cũng là những trăn trở chung cho toàn xã hội về bức tranh nhân lực sư phạm hiện nay để các em sinh viên ra trường có công việc nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà.