LTS: Các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ liệu có giúp ích được nhiều cho giáo viên trong việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, chia sẻ về vấn đề này tác giả Mai Công Tình đã đưa ra bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Ngày 18/8/2017, Bộ Giáo dục ban hành thông tư Số: 20/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập qua đó quy định giáo viên muốn được thăng hạng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo yêu cầu.
Ngày 30/11/2017, Bộ Giáo dục tiếp tục ban hành thông tư Số: 28/2017/TT-BGDĐT ban hành quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, thông tư số 29/2017/TT-BGDĐT Ban hành quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Theo đó, giáo viên không phải dự thi thăng hạng mà chỉ cần nộp hồ sơ xét thăng hạng kèm phỏng vấn hoặc làm một bài kiến thức pháp luật. Đây là một điều làm vui lòng giáo viên trong cả nước sau một thời gian dài chờ đợi.
Đến nay để chuẩn bị cho năm học mới 2018 – 2019, nhiều địa phương đã ra văn bản rà soát, hướng dẫn giáo viên đăng kí dự xét thăng hạng viên chức.
Từ những niềm vui ban đầu, bây giờ nhiều giáo viên lại lo lắng, băn khoăn không biết liệu mình có được thăng hạng hay không.
Để đảm bảo hồ sơ dự thi giáo viên phải đảm bảo các tiêu chuẩn mà một trong số đó là các loại văn bằng, chứng chỉ.
Ở phần văn bằng chuyên môn thì đã rõ, nhưng phần các chứng chỉ có các yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp để nâng hạng đã gây ra nhiều bất cập cho giáo viên.
Ở nhiều địa phương sau khi đã rà soát có nhiều giáo viên chưa có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học do Bộ cấp và chứng chỉ chỉ bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp để nâng hạng thì Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo liên kết với các trường đại học, Trung tâm giáo dục thường xuyên để mở các lớp lấy chứng chỉ (một số huyện miền núi chuyển từ mở lớp ngoại ngữ sang lớp học tiếng dân tộc).
Thế là thay vì được nghỉ hè, các giáo viên lại phải đăng kí để tham gia học các lớp cho kịp thời gian nộp hồ sơ.
Lớp nọ chồng lên lớp kia, buổi học này chồng lên buổi học kia cốt làm sao cho kịp tiến độ và miễn có chứng chỉ để đủ điều kiện được xét.
Giáo viên mong được nghỉ hè để nghỉ ngơi sau một năm học căng thẳng giờ lại vất vả đi học, rồi tiền đóng lệ phí, quỹ lớp…xem như hết lương.
Nhưng kể cả khi đã có các chứng chỉ đó thì chưa hẳn giáo viên đã được nâng hạng vì số lượng người đăng kí ở một huyện là rất lớn nên khó đảm bảo được nguồn kinh phí để nâng hạng cho tất cả giáo viên.
Gian nan thăng hạng viên chức của giáo viên vì các chứng chỉ (Ảnh minh họa: baonghean.vn). |
Vậy tại sao trước khi mở lớp cho giáo viên học lấy chứng chỉ các Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo không hướng dẫn, thông báo cụ thể số lượng, chỉ tiêu xét nâng hạng để giáo viên chủ động.
Hơn nữa nâng hạng giáo viên mục đích cuối cùng là để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng dạy và học trong nhà trường nhưng có phải có đủ các chứng chỉ như trên thì chất lượng đội ngũ sẽ được nâng cao.
Các chứng chỉ này liệu có giúp ích được nhiều cho giáo viên trong giảng dạy hay chỉ có cho đủ hồ sơ rồi cất vào tủ kính.
Vì vậy, để tránh lãng phí công sức và tiền bạc cho giáo viên và không để rơi vào hình thức mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét lại các yêu cầu này.
Việc thăng hạng viên chức cho giáo viên là đúng đắn và đáp ứng được nguyện vọng của toàn thể cán bộ giáo viên, song để việc thăng hạng này đúng người, có chất lượng và không gây khó dễ chỉ vì các chứng chỉ mong cấp trên nghiên cứu để giáo viên có thể tham gia dự xét thăng hạng viên chức một cách dễ dàng.