Có phải giáo viên lười, ngại khó?

29/07/2017 06:49
Phan Tuyết
(GDVN) - Giúp trẻ hòa nhập tốt và không trở thành “con vịt lạc đàn” khi vào lớp 1, bố mẹ không nhất thiết cho con đi học chữ trước.

LTS: Phản ánh thực trạng có nên cho học sinh vào lớp 1 học chữ trước hay không, tác giả Phan Tuyết cho rằng việc giúp trẻ hòa nhập tốt và không trở thành “con vịt lạc đàn” khi vào lớp 1 thì các vị phụ huynh không nhất thiết phải cho con đi học chữ trước.

Đồng thời, tác giả cũng mong muốn các vị phụ huynh và toàn thể xã hội cần có cái nhìn công tâm hơn trong việc đánh giá chất lượng giảng dạy, đừng đổ lỗi cho các giáo viên mà cho rằng họ lười, không quan tâm đến con của bạn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. 

Trước thềm năm học mới, chuyện có nên cho học sinh vào lớp 1 học chữ trước hay không, đang là đề tài nóng trên các diễn đàn tranh luận.

Người nói rằng: “ngày xưa học sinh đâu cần đi học trước sao học xong lớp 1 vẫn biết đọc, biết viết?”. Người nói “do chương trình cải cách quá nặng, sĩ số lớp học đông nên giáo viên không quan tâm hết học sinh”. Người lại đổ trách nhiệm “do thầy cô lười, ngại khó?”.

Hình ảnh minh họa của việc dạy và học cho các em học sinh lớp 1. (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Hình ảnh minh họa của việc dạy và học cho các em học sinh lớp 1. (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Vậy đâu mới là nguyên nhân buộc trẻ phải đi học trước? Và có nên cho trẻ đi học trước lớp 1 hay không?

Chương trình quá nặng

Từ những năm 2002 về trước, học sinh trước khi vào lớp 1 đều phải qua lớp “vỡ lòng”. Lớp học trường làng, một giáo viên dạy khoảng vài chục em. 

Chúng tôi được làm quen với cách cầm bút, làm quen với từng con chữ trong bảng chữ cái. Suốt cả năm học, ngày nào đến lớp, hết học hát lại học chữ và vui chơi. Hết năm đứa nào đứa nấy cũng đọc vanh vách bảng chữ cái, biết làm những phép tính cộng trong phạm vi 10 và biết cầm bút viết hết các âm, vần đơn giản.

Qua lớp 1, một năm học cũng rất nhẹ nhàng. Môn học vần yêu cầu học sinh mỗi buổi học chỉ nắm được 1 âm, 1 vần mới, môn toán cũng chỉ học cộng trừ trong phạm vi 10 và không có toán giải. 

Nhưng, chương trình cải cách từ năm 2002 trở đi mỗi ngày học sinh phải học 2 âm, 2 vần mới, còn toán thì cộng trừ trong phạm vi 100 và còn giải toán có lời văn.

Chưa nói đến việc liên tục thay đổi cách dạy, cách phát âm, lúc thì buộc đánh vần (tiếng Lan: a-nờ-an; L-an-Lan) khi thì chỉ được phép đọc (l-a-n). 

Lúc dạy âm “a”, khi chuyển qua âm “e”…Riêng bộ sách Công nghệ giáo dục do Giáo sư Hồ Ngọc Đại biên soạn yêu cầu cần đạt của học sinh lớp 1 cao hơn nhiều chương trình hiện hành.

Có phải giáo viên lười, ngại khó? ảnh 2

Phân vân chuyện có nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1?

Cụ thể, bài học đầu tiên trong tiếng Việt lớp 1 không phải dạy âm “a” hay âm “e” mà chỉ là lời nói, hội thoại; tiếp sau đó là tách lời thành tiếng; sau tiếng rồi mới đến thanh. Trẻ vào lớp 1 sau một tháng đã phải viết chính tả.

Nếu như trước đây, trẻ lớp 1 học chủ yếu là tiếng Việt và Toán, mỗi tuần học thêm đạo đức và một số môn nghệ thuật. Thì nay, số lượng môn học đã tăng lên đáng kể. 

Giáo viên lớp 1 của một trường tiểu học cho biết: “Chương trình quá học nặng. Học sinh mới học chữ mà học nhiều như thế thì rất dễ lẫn lộn. 

Ngoài ra, áp lực về sĩ số cũng là nguyên nhân để giáo viên không thể chăm lo cho từng học sinh được. Nếu một lớp tất cả học sinh đều chưa biết gì còn dễ dạy hơn lớp có 50 em nhưng biết chữ từ 40 - 45 em. 

Nếu giáo viên vẫn cứ dạy theo quy trình từng âm, từng vần, cách phát âm, cách đọc thì 5 - 10 em kia tiếp thu còn 40 em khác lại ngồi chơi, quậy phá. Dù thầy cô dạy theo số đông và vẫn phụ đạo cho những học sinh còn lại nhưng vẫn không thể dạy kĩ được vì không có nhiều thời gian”.

Phụ huynh quá nóng lòng

Mục tiêu đạt được sau khi trẻ học xong chương trình lớp 1 đều đọc thông viết thạo. Dù trẻ không được đi học trước, nếu là đứa trẻ bình thường, các em vẫn đạt được mục tiêu ấy (trừ một vài em đặc biệt có vấn đề về trí tuệ).

Trở lại lớp học có 50 em nhưng có tới 40 em biết đọc, viết trước khi vào lớp 1 và khoảng 10 em còn lại dĩ nhiên sẽ chậm hơn các bạn. Nếu giáo viên kèm đúng, phụ huynh hỗ trợ thêm thì chỉ sau học kì 1 phần lớn những học sinh này có thể theo được các bạn. 

Trường hợp 5 - 10 em ấy rơi vào gia đình bố mẹ không quan tâm, học sao thì học thì đương nhiên các em sẽ bị kém so với các bạn. 

Không ít phụ huynh khi nghe giáo viên phản ánh “con chậm hơn các bạn, gia đình cần hỗ trợ kèm thêm cho cháu” đã thấy không vui, đôi khi còn phản ứng dữ dội.

Có phải giáo viên lười, ngại khó? ảnh 3

Vì sao phụ huynh cứ “sốt xình xịch” chuyện học trước khi vào lớp 1?

Họ nóng ruột và cho rằng con mình kém cỏi vì không đi học trước. Thế rồi người này truyền kinh nghiệm cho người kia và trở thành cơn sốt cho con học chữ trước khi vào lớp 1.

Trẻ cần được nhận biết trước

Giúp trẻ hòa nhập tốt và không trở thành “con vịt lạc đàn” khi vào lớp 1 thì các vị phụ huynh không nhất thiết phải cho con đi học chữ trước.

Nhưng, việc dạy trẻ biết nhận biết các chữ cái, dạy trẻ cách phát âm, ghép vần, viết các chữ cái và làm toán đơn giản là việc nên làm.

Đừng đổ lỗi cho giáo viên lười, không quan tâm đến con của bạn. Mọi người thử nghĩ xem, một tiết học chỉ có 35 phút, giáo viên dành 5 phút ổn định lớp, 5 phút kiểm tra bài cũ, còn hơn 20 phút cho những hoạt động nhận biết con chữ, phát âm, phân tích tiếng, luyện viết âm vần, từ, câu ứng dụng, viết bảng con, viết vào vở…nếu con bạn chưa biết cầm bút? Giáo viên cho dù cố gắng cũng chẳng có nhiều thời gian dành cho con bạn.

Các chuyên gia giáo dục chỉ cảnh báo, không nên cho trẻ học trước tuổi có nghĩa là bắt trẻ học từ khi mới 4 - 5 tuổi. Còn trước khi vào lớp 1 (khoảng cuối tháng 8) thì ngay đầu hè (đầu tháng 6) gia đình nên cho trẻ làm quen với chương trình lớp 1 theo kiểu “vỡ lòng”. Phụ huynh cũng nên gửi các con cho người có chuyên môn kèm giúp. 

Có như thế, khi vào năm học mới, con của chúng ta sẽ dễ hòa nhập với các bạn và chính các phụ huynh cũng chẳng còn lo lắng con mình đã học trước tuổi.

Phan Tuyết