Có thực mới vực được đạo, đừng chỉ có hô hào, lý thuyết

04/07/2017 06:50
HỮU SƠN
(GDVN) - Quy chế 04/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có những quy định thống nhất về chế độ thù lao cho những người, thành phần làm công tác coi thi.

LTS: Sau khi bài viết “Công việc vất vả, tù túng, chế độ kém, nhiều thầy cô không muốn đi coi thi nữa” của tác giả Hữu Sơn đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều độc giả đã bày tỏ những ý kiến tranh luận trái chiều.

Tổng kết những ý kiến đó, tác giả Hữu Sơn cho rằng Bộ Giáo dục và các địa phương nên quan tâm đến chế độ dành cho các giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, bởi "có thực mới vực được đạo".

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Các thông tin trong bài viết “Công việc vất vả, tù túng, chế độ kém, nhiều thầy cô không muốn đi coi thi nữa” của tôi (Hữu Sơn) đăng ngày 27/6/2017 trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều sự quan tâm, bình luận của bạn đọc, nhất là những thầy, cô giáo ở các địa phương xa, gần.

Qua những thảo luận của bạn đọc ở dưới bài viết, tôi được biết thêm về tình hình chi trả chế độ coi thi trung học phổ thông quốc gia cho các giáo viên được các Sở Giáo dục và Đào tạo điều động làm nhiệm vụ coi thi ở năm nay và những năm trước.

Đúng là mỗi địa phương vận dụng một kiểu văn bản và tự đặt ra một mức chi trả rất khác nhau.

Chế độ dành cho cán bộ coi thi ở mỗi địa phương lại khác nhau. (Ảnh minh hoạ: Trần Tuấn/ Báo Nhân dân)
Chế độ dành cho cán bộ coi thi ở mỗi địa phương lại khác nhau. (Ảnh minh hoạ: Trần Tuấn/ Báo Nhân dân)

Tỉnh Hưng Yên, 120.000 đồng/ngày/người (coi thi). Tỉnh Bình Định cũng 120.000 đồng/ngày/người (trưởng, phó điểm thi thì 140.000 đồng/ngày/ người.

Tỉnh Thừa Thiên Huế chi trả cao hơn một chút, 165.000 đồng/ngày/người.

Còn Quảng Nam, sát cạnh tỉnh Quảng Ngãi, bạn Lê Văn Dũng cung cấp số liệu và so sánh như sau:

Bồi dưỡng cho các thành viên điểm thi ở Quảng Ngãi năm nay cao hơn nhiều so với Quảng Nam chúng tôi, trưởng điểm thi cao hơn 65.000 đồng/ngày, phó tưởng điểm thi không có trong chức danh trong TT66 BGD và QĐ 10 của Tỉnh Quảng Quảng Nam nên hưởng theo mức thư ký, giám sát, cán bộ coi thi 170.000 đồng/ngày như vậy thấp hơn mức chi Quảng Ngãi 40.000 đồng/ngày, nhân viên phục vụ thì thấp hơn 20.000 đồng/ngày.

Như vậy, các thầy cô ở Quảng Ngãi "rên" gì.

Ở Quảng Nam còn chia thành hai mức, đối với cán bộ coi thi ở các trường đại học, cao đẳng khác tỉnh đến coi thi ở Quảng Nam Thị hưởng mức bồi dưỡng theo TT66/2012 của BGD, còn Cán bộ coi thi ở trường Đại học Quảng Nam, các trường trung học phổ thông trên địa bàn Tỉnh thì hưởng theo QĐ10/2013 của Quảng Nam.

Các bạn cứ so sánh tổng thu ngân sách của 2 tỉnh cùng có tên đầu là "Quảng" để bàn thêm, hãy nhớ Quảng Nam là tỉnh trong tốp 10 tổng thu ngân sách cao nhất cả nước đấy nhé.”

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua diễn ra đồng loạt trên 64 tỉnh thành, mỗi cán bộ coi thi, các thành phần, lực lượng khác tham gia kỳ thi có tính chất, mức độ công việc vất vả, áp lực, căng thẳng như nhau.

Chỉ một nơi, một vài người để xảy ra sơ suất, nhầm lẫn là có thể ảnh hưởng “dây chuyền” đến cả nước thế mà mỗi địa phương lại chi trả, bồi dưỡng công sức, trách nhiệm của thầy, cô giáo vô cùng chênh lệch, khác nhau.

Có thực mới vực được đạo, đừng chỉ có hô hào, lý thuyết ảnh 2

Công việc vất vả, tù túng, chế độ kém, nhiều thầy cô không muốn đi coi thi nữa

Theo bạn Lê Văn Dũng, ở Quảng Nam còn có sự phân biệt trong chi trả giữa giáo viên trường trung học phổ thông và giảng viên trường Đại học Quảng Nam theo 2 loại văn bản riêng biệt.

Tỉnh Quảng Ngãi của tôi, áp dụng mức chi trả thù lao cho giáo viên coi thi trung học phổ thông quốc gia ở mức như vậy trong suốt 5 năm nay.

Theo tôi và nhiều cán bộ, thầy cô giáo ở đây là thấp, chưa xứng đáng với công sức, trách nhiệm mà họ đã bỏ ra.

Trong khi đó, các địa phương khác (đã nêu tên ở phần trên) còn chi trả, bồi dưỡng với mức thấp hơn nữa, có địa phương (Hưng Yên, Bình Định) chỉ nhỉnh hơn một nửa so với Quảng Ngãi thì thật là bèo bọt, tội nghiệp cho những người đi làm nhiệm vụ quan trọng, nặng nề này.

Có bạn đọc (có lẽ ngoài ngành), chưa hiểu đặc thù lao động nhà giáo, tính chất, công việc liên quan thi cử nên đã vội vã đánh giá:

Thế thì xin ra khỏi ngành đi làm việc khác cho đỡ khổ” (Đặng Thị Hảo); 

Coi thi chấm thi là nhiệm vụ của giáo viên, chế độ bồi dưỡng chỉ là hỗ trợ thêm thôi. Giáo viên còn được lãnh lương nữa mà” (Ly Thanh);

Thế các thầy cô được nghỉ 1 - 2 tháng hè trong khi các ngành khác chỉ được nghỉ 15 ngày phép thì các thày cô nói sao” (Đặng Thị Hảo)…

Những bình luận này khiến nhiều độc giả, thầy cô giáo là “người trong cuộc” không đồng tình và phản ứng lại:

Trong khi mọi người đã toàn tâm toàn ý cho công việc gia đình thì giáo viên còn phải chấm bài, ghi nhận xét, lập kế hoạch chủ nhiệm, gặp mặt phụ huynh, giáo dục học sinh cá biệt...

Các ngành khác khi muốn nghỉ phép thì có kế hoạch chủ động còn giáo viên thì chỉ có hè. Giáo viên đi làm thi thì "quyền rơm vạ đá" áp lực lắm chứ”.

Có thực mới vực được đạo, đừng chỉ có hô hào, lý thuyết ảnh 3

Thầy Đỗ Tấn Ngọc: Được và mất của kỳ thi quốc gia năm nay

Quy chế 04/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có những mục, khoản, điều đề cập rất cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm, công việc cũng như các mức độ xử lý cán bộ coi thi nếu để xảy ra sai phạm, nghiêm trọng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Song quy chế này lại không có những quy định thống nhất về chế độ thù lao cho những người, thành phần làm công tác coi thi.

Cho nên mới dẫn đến tình trạng “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi địa phương, mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo áp dụng một cách chi trả chẳng giống ai.

Điều này cho thấy sự thờ ơ, thiếu quan tâm của cơ quan chủ quản, Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với giáo viên coi thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương hãy nên bắt đầu từ việc cơ bản nhất mà ông bà ta từng đúc kết từ ngàn xưa đến bây giờ vẫn còn đúng: “Có thực mới vực được đạo”, đừng hô hào, lý thuyết nhiều.

HỮU SƠN