Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới theo định hướng của thông tư 30 (đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học) và mô hình trường học mới (VNEN). Những ý kiến trái chiều xung quanh Dự thảo lần này tập trung băn khoăn về quy định Lớp trưởng tiểu học là Chủ tịch hội đồng.
Tại Điều 17 Dự thảo Điều lệ trường tiểu học quy định về lớp học, tổ học sinh, điểm trường. Theo đó. học sinh được tổ chức theo lớp học. Lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh.
Ảnh minh họa. Xuân Trung |
Đây là một trong những đổi mới có tính bước ngoặt so với bản Điều lệ trường tiểu học đang áp dụng. Phản ứng của xã hội, nhất là một số phụ huynh, giáo viên bày tỏ băn khoăn về quy định “chủ tịch” hoặc “phó chủ tịch” tự quản.
Ở quan điểm và góc nhìn khác của mình, nghiên cứu sinh (NCS) Phạm Hùng Hiệp, Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan đã có trao đổi thẳng thắn về Dự thảo Điều lệ trường tiểu học lần này.
Theo NCS Phạm Hùng Hiệp, hiện dư luận đang có những phản ứng “tiêu cực” về bản Dự thảo lần này. Đối với cá nhân ông Hiệp, là một người được đào tạo tại nước ngoài, một nhà quan sát, bình luận về giáo dục, thì có thể chúng ta hãy gạt qua cái tên gọi “Chủ tịch” nghe có vẻ “ngang ngược” sẽ có một cái nhìn thiện cảm hơn.
Đối với dự thảo quy định mỗi lớp chỉ có 35 học sinh, đây là một quy định quá lí tưởng, không biết sau này có đạt được hay không nhưng ít ra khi chính sách này ra đời thì các trường có cớ để “ép” địa phương đầu tư để đủ 35 học sinh/lớp.
Những điểm mới của Dự thảo so với Điều lệ hiện hành: Khoản 3, Điều 4 Dự thảo quy định: Cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục tiểu học, gồm: lớp dành cho trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em trong diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nước, trẻ em ở nước ngoài về nước (trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn), lớp dành cho trẻ khuyết tật không được đi học ở nhà trường. Khoản 1, Điều 17 Dự thảo quy định: Học sinh được tổ chức theo lớp học. Lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh. Khoản 2, Điều 17 Dự thảo cũng quy định: Mỗi lớp học chia thành các tổ hoặc ban hoặc nhóm học sinh. Mỗi tổ ban, nhóm có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký do học sinh trong tổ, ban, nhóm bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Khoản 2, Điều 17 Dự thảo quy định: Căn cứ vào chương trình giáo dục và kế hoạch thời gian năm học, nhà trường được tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình kế hoạch các hoạt động giáo dục phù hợp với tâm lí, sinh lí lứa tuổi học sinh và điều kiện của địa phương, của nhà trường. Và một số quy định khác lien quan tới giáo viên... |
Hiện nay ngân sách cho giáo dục phổ thông là do địa phương, giáo dục tại địa phương sẽ là nơi được cấp tiền cho giáo dục đầu tiên.
Từ ngữ “Chủ tịch” theo NCS Phạm Hùng Hiệp đúng là buồn cười, có thể vẫn ý tứ đấy nhưng dùng từ khác thay thế thì sẽ hay hơn.
“Đây là một điều kiện thực hành dân chủ cho trẻ con, người lớn còn không làm được như thế, ở một số trường đại học giảng viên còn không được bầu hiệu trưởng.
Dự thảo có tính chất tiên tiến như thế tại sao người dân lại phản ứng? Hay chỉ vì một thuật ngữ rất nhỏ trong đó?” NCS Hiệp cho biết.
Một dự thảo quy định có tính tiến bộ, đổi mới của Bộ GD&ĐT về giáo dục tiểu học, nhưng nhiều người lo ngại rằng với độ tuổi của trẻ con như ở tiểu học thì áp dụng thuật ngữ “chủ tịch” hay “phó chủ tịch” là điều to tát và làm thay đổi tính cách trẻ con?
NCS Phạm Hùng Hiệp cho rằng, đây là một ý cần phải bàn luận nhiều hơn. Lo ngại này là có cơ sở, và chúng ta phải nhìn vào thực tế, hãy hỏi các trường thí điểm. Nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng quy định này, hãy tham khảo các nước trên thế giới…
“Tôi cảm giác mọi người đang bị lái sang phản biện chỉ vì tên gọi, trong khi nhiều cái đáng quan tâm của dự thảo thì lại không nói. Cũng giống như Thông tư 30 vẫn còn nhiều vấn đề bàn cãi, mọi người cần bình tĩnh, kiên nhẫn. Nếu quan tâm thì hãy đọc kĩ và phân tích những cái đáng phân tích” NCS Phạm Hiệp nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn từ một nhà bình luận, NCS Phạm Hùng Hiệp cho rằng điểm mới và đáng quan tâm ở bản Dự thảo lần này là quy định 35 học sinh/lớp, đây là con số quá lí tưởng. Và việc học sinh được bầu ra như trong dự thảo thì cũng mang dáng dấp của xã hội văn minh, đó là việc con người bầu ra lãnh đạo của mình để thực hiện dân chủ.
Tất nhiên ở lứa tuổi trẻ con cũng cần đặt dấu hỏi. Bởi không phải tự nhiên 40 nước trên thế giới đã áp dụng quy định này ở lớp tiểu học.
“Dự thảo quy định tăng quyền cho học sinh là cái hay, có thể còn điểm này, điểm khác nhưng đó là một tín hiệu tốt. Tôi cho rằng Bộ GD&ĐT xin ý kiến xã hội về quy định này một cách rất cầu thị. Cá nhân tôi với tư các một nhà bình luận, tôi khao khát mọi người bình tĩnh hơn” NCS Phạm Hiệp khẳng định.
Trả lời trên báo Tuổi trẻ, ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho rằng, mô hình trường học mới được Bộ GD&ĐT thực hiện thí điểm ba năm qua, hiện tại đã nhân rộng trên khắp cả nước. Ưu điểm lớn nhất của mô hình dạy học này là tập cho học sinh tự quản, tự học, biết làm việc nhóm, vận dụng sức mạnh tập thể trong các hoạt động, học tập, mạnh dạn nói lên ý kiến của mình... Qua đó, hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực cho học sinh. Phản hồi từ các trường thực hiện thí điểm, từ phụ huynh và học sinh cho thấy cách thức giáo dục này có nhiều ưu điểm, và không chỉ triển khai ở những nơi thuận lợi mà có thể thực hiện thành công ở các vùng khó khăn. Từ thực tiễn đó, Bộ GD&ĐT đã đưa vào điều lệ trường tiểu học sắp ban hành những điểm mới ưu việt của mô hình dạy học trên. “Với điều lệ đã ban hành, có nhiều điểm quy định không còn phù hợp hoặc cần điều chỉnh bổ sung liên quan tới đánh giá học sinh, đến việc khen thưởng hoặc phê bình học sinh. Dự thảo mới sẽ khắc phục các bất cập này, theo hướng đánh giá học sinh trong cả quá trình, coi trọng việc khuyến khích, giúp đỡ học sinh tiến bộ, không tạo áp lực căng thẳng” ông Định nói trên Tuổi trẻ. |