Trước dư luận xôn xao về việc thiếu sách giáo khoa cục bộ tại nhiều địa phương tuần qua, thậm chí tại các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên tiếng.
Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng đã khẳng định, tính đến ngày 15/8/2018, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hành trên 100 triệu bản sách giáo khoa, đạt 102% kế hoạch.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đảm bảo không có học sinh nào phải bỏ học vì thiếu sách giáo khoa, thầy Tùng nhấn mạnh. [1]
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ảnh chụp màn hình VTV. |
Trao đổi trên đài truyền hình quốc gia VTV, thầy Nguyễn Văn Tùng cho biết, việc cung ứng sách giáo khoa cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, do năm nay số lượng học sinh đầu cấp tăng đột biến, nhất là ở các thành phố lớn, dẫn đến thiếu cục bộ.
Thứ hai là do một số công ty sách - thiết bị trường học địa phương đã đặt số lượng sách thấp hơn thực tiễn do lo ngại tồn sách giáo khoa vì sắp thay sách giáo khoa mới. 4 giải pháp Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo) đưa ra là:
Một là nhanh chóng cung ứng bổ sung các đầu sách giáo khoa còn thiếu, đặc biệt là sách giáo khoa đầu cấp lớp 1, lớp 6, lớp 10;
Hai là dự trữ số lượng sách đáng kể tại các cửa hàng, siêu thị và các công ty sách - thiết bị trường học các tỉnh để sẵn sàng phục vụ nhu cầu phát sinh.
Ba là tăng cường nhiều đoàn kiểm tra giám sát phát hành sách giáo khoa, kịp thời nắm bắt các điểm còn thiếu sách để bổ sung.
Bốn là xây dựng kế hoạch in gấp nhập nhanh, vận chuyển nhanh những đầu sách còn thiếu đến các địa điểm, cam kết phục vụ đầy đủ, kịp thời, đồng bộ sách giáo khoa cho học sinh. [2]
"Thượng đế" nói gì?
Anh Nguyễn Văn Nam ở phố Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội được chương trình Chào buổi sáng của VTV1 dẫn lời cho biết, anh đã phải chạy qua 2 cửa hàng sách lớn mua sách giáo khoa cho con mà không có.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ muốn xóa độc quyền sách giáo khoa, không khó |
Bình thường nếu đăng ký thông qua nhà trường sẽ có đầy đủ. Thói quen hàng năm tự đi mua sách nên năm nay cũng tự đi mua, con anh bị thiếu 1 quyển.
Chị Trần Thanh Hà cũng ở phố Xã Đàn được VTV1 dẫn lời chia sẻ, chị thấy trường này học sách cũ trường kia lại học sách mới, cha mẹ học sinh rất mệt mỏi. Bản thân chị phải mất 2 ngày chạy khắp các hiệu sách mua sách mới không có, đành tìm đến các hiệu sách cũ. [2]
Chuyển động 24h của VTV1 ngày 22/8 cho biết, chạy khắp thành phố Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang không mua đủ sách giáo khoa cho con, còn thiếu duy nhất cuốn "vở bài tập" Toán lớp 1, tập 1, anh Đỗ Hoàng Quốc phải lặn lội lên tận thành phố Hồ Chí Minh để tìm mua cho đủ bộ.
Anh Lê Công Phương ở quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh nói với nhà đài, mình đã phải chạy qua 5 cửa hàng sách giáo khoa mua sách cho con, mà vẫn bị thiếu vở Tập vẽ, vở bài tập Toán, Đạo đức, đến cửa hàng thứ 5 anh muốn mua 2 bộ nhưng cũng chỉ được mua 1 bộ. [3]
Trong khi đó ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:
"Hiện nay, về số đầu sách khi Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho thấy, tổng số học sinh trên cả nước so với tổng số các bộ sách được phát hành ra thị trường thì số lượng sách đang dư 10% để dự phòng cho thiên tai, bão lũ." [4]
Báo Nhân Dân ngày 21/8 có bài "Bảo đảm đủ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục", bài báo dẫn lời Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Tùng cho biết:
Với mục tiêu bảo đảm tốt nhất về chất lượng nội dung của sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục nên đến cuối tháng 7-2018 Hội đồng thẩm định quốc gia mới thẩm định và phê duyệt xong bộ sách này.
Để kịp thời có sách phục vụ khai giảng năm học mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã khẩn trương tổ chức sửa chữa, hoàn thiện bản thảo sau thẩm định, triển khai in gấp và hiện đã chuyển sách tới các địa phương.
“Về cơ bản, học sinh lớp 1 ở các địa phương đăng ký học theo sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục đã có sách sẵn sàng cho năm học mới” – ông Tùng nói.
Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục vẫn đang trong giai đoạn "thí điểm", dù được "thẩm định", nhưng không thẩm định về tính pháp lý trong việc triển khai tài liệu này như sách giáo khoa theo Điều 29 Luật Giáo dục hiện hành. |
Riêng tại Phú Quốc, do nhu cầu về số lượng sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục vượt hơn số lượng bản sách mà đơn vị phát hành địa phương đã đăng ký khoảng 1.500 bản, tạo nên tình trạng thiếu sách cục bộ.
Để khắc phục vấn đề này, chiều 16-8 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chuyển số sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục còn thiếu đi Kiên Giang để kịp thời phục vụ học sinh.
Theo lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sách đến tay học sinh tại Phú Quốc trước ngày 20/8. [5]
Thừa sách giáo khoa, thiếu các tài liệu ăn theo
Như vậy với khẳng định từ đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lẫn Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì sách giáo khoa phổ thông (theo Điều 29 Luật Giáo dục hiện hành) không thiếu, thậm chí còn in thừa 10% để đề phòng thiên tai bão lũ.
Và từ thông tin cha mẹ học sinh chia sẻ lẫn phản ánh của truyền thông, thì hầu hết các đầu sách thiếu lại không phải sách giáo khoa, mà là sách bổ trợ - sách tham khảo.
Có vị cha mẹ học sinh phải lặn lội từ Mỹ Tho lên thành phố Hồ Chí Minh chỉ để mua cho con cuốn vở bài tập Toán lớp 1 tập 1 còn thiếu. Những loại này không phải sách giáo khoa, kể cả Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục vì vẫn đang "thí điểm".
Riêng cơn sốt thiếu "sách giáo khoa Công nghệ giáo dục" ở một số địa phương, chúng tôi sẽ có bài phân tích riêng.
Có thể xếp các loại sách này vào sách bổ trợ, sách tham khảo.
Trong khi sách giáo khoa do nhà nước trợ giá nên rất rẻ và chỉ có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mới được phát hành, thì các loại sách bổ trợ, sách tham khảo có rất nhiều nhà xuất bản tham gia, giá thường rất đắt vì phải chi hoa hồng, lại quả cho các cơ sở giáo dục giới thiệu và bán được chúng cho học sinh.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục sẽ chịu trách nhiệm như thế nào về sách giáo khoa? |
Để cạnh tranh và bán được nhiều, các đơn vị này thường tìm cách chào hàng thông qua sở giáo dục và đào tạo các địa phương có công văn giới thiệu xuống các trường.
Ngày 30/3/2018, một Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn số 292/SGDĐT-GDTH về việc giới thiệu sách và đồ dùng dạy học dùng trong trường tiểu học năm học 2018-2019 gửi các phòng giáo dục và đào tạo.
Công văn này cho biết, Sở đã nhận được:
Công văn số 68/CV-KH ngày 15/3/2018 của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Giáo dục 123 về việc giới thiệu sách và đồ dùng dạy học trong trường tiểu học;
Công văn số 267/NXBGDVN ngày 9/3/2018 về việc phát hành sách “Hướng dẫn học theo phương pháp dạy học tích cực” (VNEN) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam;
Công văn số 15/NXB-KD-PTTT ngày 1/3/2018 của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm về việc phát hành bộ sách “Dạy học phát triển năng lực dành cho giáo viên tiểu học”;
Công văn số 05/CV-ĐT&XBGD ngày 9/1/2018 của Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất bản giáo dục về việc giới thiệu bộ sách “Hướng dẫn phòng chống xâm hại tình dục trẻ em” dành cho học sinh tiểu học;
Công văn số 332/CV-NXBGDVN ngày 20/3/2018 về việc phát hành sách và thiết bị giáo dục năm học 2018-2019 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam;
Công văn số 197/NXBGDVN về việc giới thiệu bộ sách Hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, giáo viên tiểu học;
Công văn số 131/CV-HEID ngày 12/6/2017 của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội về việc Sách in lậu.
Danh mục "sách giáo khoa" còn thiếu mà vị cha mẹ học sinh này phải lùng mua, thực chất là các loại vở bài tập sử dụng một lần. Ảnh chụp màn hình phóng sự VTV. |
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này chỉ đạo, việc đăng kí mua sách, đồ dùng học tập cho học sinh và các tài liệu tham khảo trên theo các phương án sau:
Phụ huynh học sinh theo nhu cầu riêng, trên tinh thần tự nguyện đăng ký với trường tiểu học, trường tiểu học có thể đăng kí mua tại:
Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Giáo dục 123; Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Vĩnh Phúc; Nhà Xuất bản Đại học Sư Phạm Hà Nội; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục; Công ty CP Đầu tư và Phát hành sách Hà Nội; Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất bản Giáo dục;…
Nhà trường, phụ huynh học sinh tự mua tại các đại lý của Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học ...của tỉnh (tránh tình trạng mua phải sách lậu, sách không đảm bảo chất lượng).
Nhận được văn bản này, đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo triển khai thực hiện đồng thời tổng hợp số liệu (theo mẫu) báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo... trước ngày 3/5/2018.
Về chi phí phát hành sách giáo khoa, theo báo cáo của ông Vũ Bá Khánh với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ngày 7/5/2018, Bộ Tài chính cho phép Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chiết khấu tối đa 24,3% giá bìa.
Tuy nhiên các loại sách bổ trợ, sách tham khảo mà rất nhiều cha mẹ học sinh, thậm chí là cả cơ quan truyền thông vẫn nhầm lẫn thành "sách giáo khoa", lại được chiết khấu cho các đơn vị phân phối rất cao, biến động từ 30% đến 38% giá bìa.
Thay vì sử dụng vở ô ly, vở thếp như trước đây, nhiều cơ sở giáo dục yêu cầu cha mẹ học sinh phải mua những loại vở in sẵn có hình thức bên ngoài khá giống với sách giáo khoa tương ứng. Không ít cha mẹ học sinh đều quan niệm đấy là "sách giáo khoa", nhà trường bảo mua loại nào thì phải mua loại ấy. |
Chính vì thế ông Khánh cho hay, khi người ta cạnh tranh bằng chiết khấu, lợi ích, thì không loại trừ có những cá nhân sẽ dùng quyền lực áp đặt chọn bộ sách nào có chiết khấu cao đưa vào đơn vị mình, có những bộ sách tốt nhưng chiết khấu thấp hơn thì không vào được.
Cuốn vở bài tập mà một vị cha mẹ học sinh phải "lặn lội" từ Mỹ Tho lên thành phố Hồ Chí Minh để mua bằng được, các thế hệ học sinh trước Chương trình 2000 thường sử dụng vở ô ly với cấp tiểu học, vở thếp kẻ ngang với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Những cuốn vở này bày bán đầy ngoài chợ, cửa hàng ở bất kỳ đâu.
Nhưng bây giờ, chúng được các nhà xuất bản, thậm chí một số sở, phòng hay nhà trường "đồng phục hóa" để bán cho học sinh, tất nhiên là với giá cao hơn thị trường khá nhiều, thay vì để cha mẹ học sinh mua ngoài chợ.
Với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tỷ lệ các loại sách vở dùng 1 lần trong trường phổ thông như các loại vở bài tập in sẵn mà các vị cha mẹ học sinh VTV phỏng vấn phải vất vả tìm kiếm, chiếm khoảng 30% sản lượng xuất bản phẩm học đường hiện nay.
Đó hoàn toàn không phải sách giáo khoa, nhưng một khi được nhà trường, giáo viên chủ nhiệm liệt kê danh sách "phải mua", thì không cha mẹ nào từ chối được.
Do đó, rất có thể "cơn sốt sách giáo khoa" đầu năm học này có bàn tay vô hình của các đơn vị xuất bản, cung ứng tài liệu ăn theo sách giáo khoa theo kế "rung cây dọa khỉ";
Một quyết định thay sách, dân có thể mất cả trăm tỉ đồng |
Bởi năm tới khi bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới, sẽ có nhiều đơn vị cung ứng, cạnh tranh khốc liệt hơn, thì tốt nhất là "tạo khủng hoảng thiếu" năm nay để từ sang năm trở đi, cha mẹ học sinh sẽ đăng ký qua trường, để mua đúng, đủ sách và học liệu qua "ngành dọc", thay vì phải chạy đôn chạy đáo vất vả như năm nay.
Thực tế hiện nay đời sống kinh tế đã khá hơn rất nhiều so với thập niên 1980, 1990 của thế kỷ trước, nên các gia đình có điều kiện chăm lo cho con em mình nhiều hơn.
Mặt khác, truyền thống hiếu học của dân tộc cũng khiến các bậc cha mẹ học sinh không tiếc tiền đầu tư cho con ăn học, trong đó có chi phí sách vở đầu năm. Hiện nay không mấy học sinh sử dụng sách giáo khoa cũ của các anh chị lớp trước như trước đây, nhất là các đô thị lớn.
Đây chính là miếng bánh, là kho vàng của các đơn vị xuất bản. Họ muốn bán được nhiều thì không gì bằng chiến thuật "bán lạc kèm bia" và bắt tay chặt chẽ với các cơ sở giáo dục, quản lý giáo dục.
Trong cuộc chơi này, đơn vị nào chịu chi hoa hồng càng cao, thì khả năng chiếm lĩnh thị trường càng lớn. Chỉ có cha mẹ học sinh là mất tiền oan mà không hay biết, con em họ cũng ngày càng lệ thuộc vào các sản phẩm "mỳ ăn liền" được các công ty "trang bị tận răng".
Truyền thống hiếu học của dân tộc, sự quan tâm của cha mẹ học sinh đã và đang bị lợi dụng và kiếm lời từ những cơn sốt “nhân tạo” như thế này.
Báo Tiền Phong ngày 23/8 có bài "Sách giáo khoa: Mua tiền triệu, bán đồng nát" cho thấy những ví dụ điển hình về sự nhầm lẫn khái niệm "sách giáo khoa" của cha mẹ học sinh, đã bị "người ta" lợi dụng, móc túi như thế nào.
Có hai con đang theo học bậc trung học phổ thông, năm nào chị Đàm Thu Hương, ở thành phố Hà Giang cũng chi gần 1 triệu đồng để mua trọn 2 bộ sách giáo khoa và các dạng sách bài tập, sách nâng cao.
Tuy nhiên, theo chị Hương, điều oái oăm là cứ mỗi độ hè về, kết thúc năm học, chị không biết xử lý thế nào với đống sách giáo khoa của hai con để lại.
“Để thì chật giá sách của con, bán đồng nát thì tiếc vì thế chị thường cho một bà đầu ngõ dùng để gói xôi”, chị Hương nói.
Cũng như vậy, năm nay chị Hương cho biết, chỉ mua riêng bộ sách giáo khoa cho con vào học lớp 5 khoảng 26-27 quyển có giá 340.000 đồng. Chưa kể, tiền mua các loại sách nâng cao, sách tham khảo hết hơn 500.000 đồng. [6]
Thực tế sách giáo khoa lớp 5 chỉ có 9 quyển, tổng giá thành bán lẻ là 78.300 đồng, theo niêm yết của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. [7]
Nguồn:
[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nha-xuat-ban-Giao-duc-thanh-minh-ve-tinh-trang-thieu-sach-giao-khoa-post189076.gd
[2]http://nxbgd.vn/bai-viet/tin-tuc-va-su-kien/giai-phap-khac-phuc-tinh-trang-thieu-sgk-cuc-bo-truoc-them-nam-hoc-moi-7558.htm
[3]https://vtv.vn/chuyen-dong-24h/tphcm-phu-huynh-xep-hang-mua-sach-giao-khoa-20180822175919815.htm
[4]http://giaoduc.net.vn/gdvn-post189132.gd
[5]http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/37381902-bao-dam-du-sach-giao-khoa-tieng-viet-1-cong-nghe-giao-duc.html
[6]https://www.tienphong.vn/giao-duc/sach-giao-khoa-mua-tien-trieu-ban-dong-nat-1315977.tpo
[7]http://www.nxbgd.vn/UserFiles/Files/Bang-gia-SGK-2018-2019.pdf