Chiều 28/3, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: “Công đoàn đã nắm được thông tin 256 giáo viên ở huyện Sóc Sơn.
Công đoàn đã báo cáo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Chúng tôi sẽ có văn bản gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo về việc này.
Việc giáo viên phải thi tuyển viên chức là đúng và cần thiết để đảm bảo lựa chọn những giáo viên có năng lực, chất lượng tốt.
Giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn bật khóc trước nguy cơ mất việc |
Tuy nhiên, cũng phải xem xét những điều kiện, trường hợp cụ thể. Chúng tôi cũng đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xét đặc cách, hoặc có chính sách ưu tiên cho những giáo viên đã giảng dạy lâu năm, có trình độ chuyên môn tốt, tâm huyết với nghề.
Chúng tôi cũng đề nghị Thành phố Hà Nội sớm đưa ra giải pháp hợp tình, hợp lý để giữ tối đa những giáo viên có chuyên môn, nhiệt huyết, cán bộ tham gia quản lý chuyên môn, tham gia hoạt động công đoàn”.
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức cũng cho hay: “Trong trường hợp những giáo viên trên chưa trúng tuyển viên chức, Thành phố cần có chính sách tiếp tục ký hợp đồng giảng dạy cho họ ở những nơi còn thiếu giáo viên để đảm bảo các thầy cô vẫn được đi dạy học.
Đối với những trường hợp giáo viên không trúng tuyển, cũng không bố trí được công việc phải đảm bảo chế độ cho họ khi họ thôi việc, tìm công việc mới như các khoản hỗ trợ, trợ cấp”.
Lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng hết sức chia sẻ và ghi nhận 256 thầy cô đã cống hiến nhiều năm với nền giáo dục địa phương.
“Sẽ rất khó có thể tuyển hết 256 giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn. Bởi việc thi tuyển hiện nay yêu cầu chuẩn trình độ, chuẩn nghề nghiệp, giáo viên dù có kinh nghiệm nhiều năm dạy học cùng thi tuyển viên chức với các giáo viên trẻ cũng khó thi được”, ông Vũ Minh Đức nói.
Cũng theo lãnh đạo Công đoàn Việt Nam, hiện Thành phố Hà Nội cũng chưa có thông tin chính thức giải quyết việc này như thế nào. Phòng nội vụ Sóc Sơn đã báo cáo Thành phố, nhưng chưa nhận được trả lời. Trong chiều 28/3, Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ gửi văn bản đến Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc này.
Hạn chót nộp hồ sơ thi tuyển viên chức trước ngày 13/4 khiến 256 giáo viên diện hợp đồng tại huyện Sóc Sơn vô cùng lo lắng, vì khả năng trượt rất cao và điều đó có nghĩa họ sẽ bị dừng hợp đồng. Ảnh: Đ.T |
Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin 256 giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn (Thành phố Hà Nội) lòng như lửa đốt vì đối mặt với nguy cơ bị cắt hợp đồng.
Họ là những giáo viên có thâm niên dạy học ít nhất 5 năm đến 28 năm, trong đó có giáo viên chỉ còn vài năm nữa về hưu sẽ phải tham gia thi tuyển viên chức.
Điều đó có nghĩa, những giáo viên theo diện hợp đồng này nếu không vượt qua kỳ thi tuyển viên chức sắp tới của Thành phố Hà Nội có nguy cơ bị cắt hợp đồng, đồng nghĩa sau nhiều năm cống hiến cho ngành giáo dục nước nhà những giáo viên này sẽ có không ít người phải tìm một công việc mới.
Chia sẻ với phóng viên, cô Nga cho hay, chủ trương của Huyện đối với những ai không đỗ hoặc không dự thi đều bị cắt hợp đồng không phân biệt 20 năm hay 27 năm.
Hà Nội thi tuyển giáo viên, người hợp đồng lâu năm không được cộng điểm |
Nhiều giáo viên tỏ ra bức xúc trước thông tin này và cho biết họ sẽ không thi vì có thi cũng biết chắc mình trượt.
Trước thông tin này, một cô đang điều trị ung thư tại viện E cũng cố gắng bắt xe về Sóc Sơn để trao đổi với nhà báo.
Có những giáo viên hợp đồng hoàn cảnh thực sự đáng thương nếu bây giờ bị mất việc thì coi như mọi thứ sẽ phải khép lại.
Trong bài thi tuyển công chức gồm 3 phần: Phần 1 trắc nghiệm về kiến thức pháp luật, phần 2 bài trắc nghiệm bằng tiếng Anh, phần 3 là một bài tự luận 180 phút thang điểm 100.
Bản thân tôi là thế hệ trẻ hơn các thầy cô, những năm 2005 đến Sóc Sơn thì huyện này vẫn còn hoang sơ thì học làm sao được tiếng Anh.
Chưa nói đến các thầy cô công tác 20, 27 năm nói tiếng Anh thôi đã khó chứ đừng nói đến thi tiếng Anh trên máy tính.
Nhiều thầy cô bức xúc bảo rằng việc thi lần này chẳng qua là lý do hợp pháp để đuổi họ.
Có nhiều giáo viên thâm niên giảng dạy 20 năm cho rằng, chắc chắn thi cũng trượt và không thi cũng trượt bởi vậy nhiều giáo viên chọn sẽ không thi để giữ danh dự.
Một giáo viên ngậm ngùi cho biết: "Thế hệ giáo viên trẻ hơn như chúng tôi còn suy nghĩ cho đến ngày cuối cùng. Thế nhưng các thầy cô lớn tuổi trả lời luôn là họ không thi.
Nếu bây giờ thi không đỗ thì phụ huynh họ sẽ nói rằng thi công chức còn không đỗ lại đi dạy con họ. Trách nhiệm và danh dự của nhà giáo khiến họ không thi để bảo toàn sự tự tôn".