Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại Lễ khai mạc Triển lãm công nghệ giáo dục quốc tế BESS Việt Nam năm 2019, vừa diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5/3/2019.
Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phó Giáo sư Nguyễn Văn Phúc.
Triển lãm này nhằm đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến, công nghệ thông tin áp dụng trong lĩnh vực giáo dục, nhằm khai thác có hiệu quả đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ các hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cắt băng khai mạc Triển lãm Công nghệ giáo dục quốc tế (ảnh: P.L) |
Theo Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho đến nay, ngành đã xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin chi tiết của gần 52.000 trường mầm non và phổ thông, với hơn 1,5 triệu giáo viên, 24 triệu học sinh.
Cho đến nay, 80% trường học đã áp dụng phần mềm quản lý nhà trường trực tuyến. Bộ cũng đã triển khai thành công hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office), kết nối được tới 63 Sở Giáo dục và Đào tạo, 300 cơ sở đào tạo, cổng dịch vụ công trực tuyến được đưa vào sử dụng, với 20 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giáo sư Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Công nghệ giáo dục đang xóa dần khoảng cách vùng miền, quốc gia trong tiếp cận giáo dục, giúp mọi người dễ dàng học tập mọi lúc, mọi nơi, học tập theo điều kiện, sở thích và mong muốn.
Công nghệ cũng giúp việc quản lý giáo dục khoa học và minh bạch hơn, cơ sở dữ liệu ngành, công nghệ dữ liệu lớn (big data) giúp công tác dự báo chính xác hơn, việc ban hành, thực thi chính sách giáo dục hiệu quả hơn.
Trước xu hướng phát triển ngày càng nhanh của công nghệ, trước yêu cầu của cuộc cách ạng 4.0, ngành giáo dục nhận thức rằng, việc đẩy mạnh các hoạt động dạy và học ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh), tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tạo nên những đột phá quan trọng trong triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chính sách rất cụ thể, nhằm tăng cường đưa công nghệ vào nhà trường.
Giáo sư Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tham quan một gian hàng trong triển lãm (ảnh: P.L) |
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ các hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”.
Đây là một trong những giải pháp trong chương trình hành động của Chính phủ, nhằm triển khai đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, làm cơ sở pháp lý quan trọng để các bộ ngành, địa phương ưu tiên đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo có hiệu quả.
Mục tiêu chính là tập trung chuyển đổi số trong ngành giáo dục, cụ thể là số hóa thông tin, quy trình nghiệp vụ quản lý, triển khai chính phủ điện tử trong ngành giáo dục, số hóa các tài nguyên, học liệu, phục vụ đổi mới phương pháp dạy học.
Bên cạnh triển lãm này sẽ có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề. Có tổng cộng 18 hợp tác đã được ký kết giữa các đơn vị, doanh nghiệp giữa các đơn vị trong nước và nước ngoài.