LTS: Quý vị đang theo dõi bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoành. Theo tác giả, Đông Kinh Nghĩa Thục chính là cuộc cải cách giáo dục đầu tiên ở Việt Nam.
Đồng thời, Đông Kinh Nghĩa Thục đã góp phần mở rộng tầm nhìn và nhận thức của dân tộc Việt Nam trước tri thức nhân loại, đặc biệt là trong sự giao lưu văn hóa giữa Đông và Tây để tạo ra một sức sống mới cho nền văn hóa văn minh Việt Nam, kế thừa và phát triển những tinh hoa của dân tộc.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hiện nay, chúng ta đã và đang nói nhiều về cách mạng giáo dục. Cách đây 110 năm, tổ tiên ta đã tiến hành một cuộc cách mạng như vậy với quy mô cực kỳ hoành tráng. Đó là việc sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục - trường tư thục vì nghĩa (vì lợi ích chung) đặt tại Đông Kinh (tên thành Thăng Long thời Hồ Quý Ly).
Theo tài liệu do Đông Kinh Nghĩa Thục biên soạn thì đây là trường học hiện đại đầu tiên được lập ở Việt Nam: “Nước Nhật Bản chỉ có 43 huyện mà có đến 26.824 trường tiểu học. Nước ta hơn 30 tỉnh, hơn 500 huyện mà chưa nghe ai nói tới mở trường. Than ôi! Chẳng phải là đáng giận lắm sao?” [1].
Hình ảnh của một số người tham gia vào Đông Kinh Nghĩa Thục (Ảnh tư liệu) |
Thực ra, nước ta ngày ấy tuy chưa có trường học theo nghĩa trường có cơ sở, có bộ máy tổ chức quản lý và giảng dạy, đào tạo học sinh theo một chương trình nhất định, nhưng cũng có không ít cơ sở giảng dạy văn hóa Nho giáo như các lớp học tại gia của thầy đồ.
Cơ sở lớn nhất là Quốc tử Giám Văn Miếu, được gọi là “trường đại học đầu tiên”. Nhưng mọi hoạt động giáo dục thời xưa chỉ nhằm đào tạo người làm quan, như Khổng Tử dạy: Học nhi ưu tắc sĩ (Học giỏi thì ắt làm quan).
Về sau, từ cuối thế kỷ XIX, Thống sứ Trung Bắc lưỡng kỳ Paul Bert (nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp) bắt đầu mở một số trường tiểu học Pháp - Việt nhằm đào tạo người làm việc cho thực dân Pháp. Nhưng một trường học kiểu Đông Kinh Nghĩa Thục thì đúng là nước ta chưa từng có (kể cả hiện nay)!
Đông Kinh Nghĩa Thục do một nhóm sĩ phu Bắc Hà đồng sáng lập: Lương Văn Can (Thục trưởng, tức Hiệu trưởng), Nguyễn Quyền (Giám học) và Lê Đại, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Kỳ, Dương Bá Trạc, Vũ Hoành v.v…
Họ đều là các nhà Nho, trong đó cử nhân Dương Bá Trạc mới 23 tuổi, cử nhân Nguyễn Hữu Cầu 28 tuổi, nhiều tuổi nhất là Lương Văn Can 53 tuổi.
Do có cùng chí hướng và nhận thức, lại tiếp thu trào lưu duy tân từ Nhật Bản, Trung Quốc và tư tưởng tiên tiến của hai nhà cách mạng Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, nên họ đã tự tìm đến với nhau họp bàn và nhất trí chủ trương noi gương Nhật Bản.
Trước hết, mở trường dạy cho đông đảo đồng bào những kiến thức cần thiết nhất để làm cho dân giàu nước mạnh, cuối cùng tiến tới mưu đồ sự nghiệp giải phóng đất nước. Hai cụ Phan có liên hệ chặt chẽ với nhóm này.
Do từng thăm trường Khánh ứng Nghĩa thục (Keio Gijuku) của Fukuzawa Yukichi ở Tokyo nên hai cụ rất hiểu tác dụng của giáo dục quốc dân đối với việc thực hiện “quốc phú binh cường” (nước giàu, quân mạnh) của nước Nhật.
Gối ôm Lịch sử |
Đông Kinh Nghĩa Thục khai giảng tháng 3/1907, hai tháng trước khi có giấy phép. Trường không thu học phí, các tài liệu giảng dạy và tuyên truyền đều phát không cho học viên, hơn nữa còn phát hành trên cả nước. Ai muốn học đều được nhận, bất kể già trẻ gái trai, kể cả nhà Nho muốn học tiếng Pháp.
Kinh phí hoạt động dựa vào sự đóng góp tùy tâm của dân, giáo viên thời gian đầu không lĩnh lương. Bộ máy nhà trường gồm 4 ban: Giáo dục (mở lớp và giảng dạy), Tu thư (soạn tài liệu giảng dạy và tuyên truyền), Cổ động (tuyên truyền), Tài chính (lo kinh phí).
Trường dạy các môn: Quốc ngữ, chữ Hán (chỉ để đọc tân thư), tiếng Pháp, các thường thức về xã hội, lịch sử, địa dư, chính trị, kinh tế, quyền công dân. Nhà trường có một cơ quan ngôn luận riêng là tờ Đại Việt Tân báo, một thư viện nhiều sách báo với thủ tục cho mượn là chỉ cần đọc xong thì trả lại; một hòm thư trưng cầu ý kiến nhân dân đóng góp xây dựng trường…
Với hình thức tổ chức như vậy, Đông Kinh Nghĩa Thục đúng là một trường học tiên tiến chưa từng có trong lịch sử nước ta, Trung Quốc thời ấy cũng chưa có.
Đông Kinh Nghĩa Thục đặc biệt chú trọng việc biên soạn tài liệu giảng dạy, tuyên truyền. Các lớp bậc cao dùng ngay tân thư Nhật Bản và Trung Quốc (chủ yếu do Trung Quốc dịch từ sách Nhật) để giảng dạy, vì học viên đã biết chữ Hán.
Các lớp dưới dùng sách quốc ngữ hoặc chữ Hán do trường biên soạn. Văn thơ của các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền…cũng được dùng để giảng dạy.
Nội dung các tài liệu nói trên đều nhằm nâng cao lòng yêu nước, đả phá nền cựu học khoa hoạn phong kiến cùng lối sống cũ, đề xướng tân học cùng lối sống mới, học văn minh phương Tây, học chữ Quốc ngữ và khoa học kỹ thuật, chấn hưng kinh tế …
Hội quán Đông Kinh Nghĩa Thục có treo một bản đồ tổ quốc cỡ lớn chưa từng thấy nhằm khích lệ lòng yêu nước một cách trực quan, cảm tính, đồng bào rủ nhau đến xem rất đông, ai cũng xúc động vì hầu như đây là lần đầu tiên họ được biết hình thù tổ quốc mình trên trái đất.
Một số tài liệu nhà trường phát không cho học viên có nội dung vạch tội ác của thực dân Pháp, kêu gọi đồng bào đứng lên cứu nước như: Hải ngoại Huyết thư của Phan Bội Châu được Lê Đại dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt, chuyển thành thể thơ song thất lục bát rất hay, dễ nhớ dễ truyền khẩu, hầu như cả nước ai cũng thuộc lòng.
Những câu như: “Đội trời đạp đất ở đời/ Sinh ra Nam quốc là người trượng phu/ Ai cũng bụng phục thù báo quốc/ Thấy giống người nước khác ai ưa/ Cớ sao ngày tháng lần lừa/ Rụt rè như thế, đợi chờ ngóng trông?” và “Lẽ vinh xỉ có hai đường ấy/ Anh em ta đã nghĩ cho chưa?/ Gió tanh xông mũi khó ưa/ Gươm sao cắp nách mà ngơ cho đành/ Hòn máu uất chất quanh đáy ruột/ Anh em ơi, xin tuốt gươm ra!”… “Cờ độc lập xa trông phấp phới/ Kéo nhau ra đòi lại nước nhà!” [2] sao mà kích động lòng người xông ra đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng tổ quốc!
Với nội dung hoạt động như vậy, Đông Kinh Nghĩa Thục lập tức được nhân dân ta vốn giàu lòng yêu nước và hiếu học hăng hái hưởng ứng, ủng hộ. Số học viên từ khoảng dăm chục lúc đầu sau vài tháng lên tới mấy nghìn, và tiếp tục tăng dần.
Nhiều nhà trí thức Nho học và Tây học tự nguyện tham gia giảng dạy, như hai nhà Tây học nổi tiếng nhất hồi ấy là Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn giúp dạy tiếng Pháp. Cụ Phan Châu Trinh từ Quảng Nam ra Hà Nội diễn thuyết tuyên truyền cho Đông Kinh Nghĩa Thục.
Cải cách giáo dục nhìn từ Đông Kinh Nghĩa Thục |
Đồng bào các giới nô nức góp tiền của cho trường, có lúc nhiều tới mức thu không xuể.
Nhân sĩ khắp ba kỳ kéo nhau đến xem, ai nấy đều hồ hởi hoan nghênh, ủng hộ.
Thời gian đầu, thực dân Pháp cũng không ngăn cấm mà còn phỉnh phờ, phong trào lan ra nhanh chóng. Sĩ phu ở một số tỉnh tự động lập phân hiệu của Đông Kinh Nghĩa Thục.
Bà con truyền nhau mấy câu thơ: “Trường Nghĩa thục đứng đầu dạy dỗ/ Khắp ba mươi sáu phố Hà thành/ Gái trai nô nức học hành/ Giáo sư tám lớp, học sinh non ngàn" và “Buổi diễn thuyết người đông như hội/ Kỳ bình văn khách tới như mưa”.
Trong hoàn cảnh hồi ấy, khi các cuộc nổi dậy chống Pháp đều bị kẻ địch dìm trong biển máu, lối thoát cho công cuộc giải phóng dân tộc ta rõ ràng chưa thể là khởi nghĩa vũ trang, mà là chuẩn bị lực lượng quần chúng: trau dồi cho đông đảo đồng bào lòng yêu nước và các kiến thức cần thiết nhất để đổi mới xã hội về mọi mặt kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật, làm cho dân giàu nước mạnh.
Đông Kinh Nghĩa Thục chọn giáo dục quốc dân làm biện pháp chuẩn bị lực lượng cách mạng là sự lựa chọn sáng suốt hồi ấy. Gây dựng được phong trào đông đảo quần chúng hăng hái học tập như thế thật là việc chưa từng có trong lịch sử nước ta.
Đông Kinh Nghĩa Thục trước hết tập trung vào chủ đề giáo dục. Nền giáo dục nước ta xưa nay dập khuôn Trung Quốc: “đặt đạo đức lên đầu, xem trí năng là thứ yếu, cho nên không nói tới giáo dục quốc dân… Chỉ những ai có chí làm công khanh, đại phu mới đi học, chớ không phải là giáo dục quốc dân nhằm phổ biến rộng rãi trong dân chúng, mà là định phân trên dưới, giữ gìn lễ phép.
Đường lối giáo dục quốc dân không phải như thế, mà là làm rõ cái lý tương quan giữa nước với dân, sao cho họ biết vị trí của họ trong xã hội, chức phận ra sao, và làm thế nào để gây ý thức ái quốc ái quần, bồi dưỡng tài năng tự trị, tự lập… Một nước không có giáo dục quốc dân thì trăm họ u mê, không biết quốc gia, chính trị là gì"[1].
Đông Kinh Nghĩa Thục kêu gọi: “Liệu mà sớm bảo nhau đi/ Giàu thì giúp của, nghèo thì gắng công/ Khăng khăng ghi lấy một lòng/ Sang Âu, sang Mỹ học tòng nghề hay/ Bao nhiêu nghề khéo nước ngoài/ Học sao cho được hơn người mới nghe/ Bấy giờ rồi liệu trở về/ Mở trường trong nước lấy nghề dạy nhau….” [3].
Nghĩa là Đông Kinh Nghĩa Thục muốn làm cuộc cách mạng về đối tượng, mục đích và phương thức giáo dục: từ chỗ chỉ giáo dục một số ít người chuyển sang giáo dục số đông dân chúng; từ chỗ chỉ đào tạo người làm quan chuyển sang đào tạo người làm công dân, từ giáo dục tự nguyện sang giáo dục bắt buộc; từ chỉ học trong nước sang đi học nước ngoài.
Nền giáo dục cũ đều dùng chữ Hán, một thứ chữ rất khó học, chỉ một số cực ít người muốn làm quan và có điều kiện mới chịu học. Kiến thức họ được học toàn là các kinh điển Nho giáo, văn chương cổ lỗ có từ hàng nghìn năm trước, xa rời thực tế xã hội, không ích gì cho phát triển kinh tế, chính trị, khoa học kĩ thuật, nâng cao đời sống của dân. Hậu quả là các nhà Nho vô dụng lại làm quan cai trị dân.
Mặt trời, Thần chết và Trí tuệ |
Chính vì thế mà dân ngu nước yếu, không chống nổi ngoại xâm. Đã vậy các nhà hủ nho lại mù quáng tôn vinh văn minh Nho giáo cổ hủ, tự cao tự đại, khinh thường mọi thứ của người Tây, như văn minh phương Tây, chữ Quốc ngữ (do các giáo sĩ người Âu làm ra), khoa học kĩ thật và văn minh vật chất.
Các yếu nhân Đông Kinh Nghĩa Thục là các nhà Nho, song do tiếp thu được tư tưởng duy tân từ Nhật và Trung Quốc nên họ thấy rõ muốn dân giàu nước mạnh thì trước hết phải nâng cao dân trí, tức tiến hành giáo dục quốc dân nhằm thực thi “Khai dân trí” – nội dung đầu tiên trong phương châm cách mạng Việt Nam thời ấy “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” do Phan Châu Trinh nêu ra.
Muốn mở dân trí, phải kiên quyết đả phá các nhà hủ nho. “Cáo hủ lậu văn” của Đông Kinh Nghĩa Thục viết:
“Ôi! các bố, có óc thông minh, ở làng cao sang, đọc sách hiền triết, làm mẫu da vàng! Đương lúc này nghe thấy mới lạ, cuộc đời mở mang, sao không ra tay cứu vớt người chìm đắm, đánh thức kẻ mơ màng! Tại hại thay hủ thư! Đục nát bét các bố! Đau đớn thay hủ nho! Làm các bố lầm lỡ!”
Muốn phổ cập giáo dục thì phải dùng chữ quốc ngữ, “Văn minh Tân học sách” - cuốn sách có tính cương lĩnh của Đông Kinh Nghĩa Thục viết:
“Người trong nước đi học nên lấy chữ Quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên để trong một thời gian vài tháng, đàn bà trẻ con đều biết chữ và có thể dùng… Đó thực là bước đầu tiên để mở mang trí khôn vậy.”
Làm cho dân ta chấp nhận một loại văn tự mới thay cho chữ Hán quen dùng hàng nghìn năm là một cuộc cách mạng lớn về văn hóa giáo dục. Hầu hết giới trí thức ta ngày ấy chỉ biết chữ Hán, họ tẩy chay và chê bai chữ Quốc ngữ viết bằng bút sắt là thứ chữ “mọi rợ”, “ngoằn ngoèo như con giun”.
Sử gia Chương Thâu đánh giá: với việc thực hiện dạy chữ Quốc ngữ, Đông Kinh Nghĩa Thục đã tiến xa hơn các nhà duy tân Trung Quốc chỉ hô hào bỏ khoa cử và lối văn tám vế (bát cổ) nhưng vẫn giữ cổ văn, cho tới năm 1917 mới đề nghị dùng bạch thoại. Sử gia Chương Thâu nhận xét: lần đầu tiên trong lịch sử, Đông Kinh Nghĩa Thục đã thành công tách rời thi cử ra khỏi giáo dục.
Đông Kinh Nghĩa Thục hô hào: “Thiếu niên chúng ta phải ra sức học cái hữu dụng, chớ để cái học khoa cử phá hỏng chí hướng của mình”. Nếu cứ học theo lối cũ “thì nước ta sẽ không đời nào hưng thịnh được” [1].
Đông Kinh Nghĩa Thục dạy cho dân biết các kiến thức hiện đại, tiên tiến về chính trị, kinh tế, xã hội mà người Việt Nam chưa từng nghe nói. Chỉ cần điểm qua tên một số bài trong số 79 bài của Quốc dân độc bản (Sách dùng để quốc dân đọc) là đủ thấy điều đó:
“Quan hệ giữa nước với dân; Nỗi bi thảm của quốc gia không được độc lập; Lòng yêu nước; Độc lập; Cạnh tranh; Chính thể; Bàn về cái hại của khoa cử; Thuế khóa; Pháp luật; Nước ta nên chấn hưng thực nghiệp; Máy móc; Ích lợi của đại công nghiệp; Tiền công; Tư bản; Nhà đại tư bản cũng có ích cho người nghèo; Thương mại; Tiền tệ; Trái phiếu, hối phiếu; Séc; Công ty; các bài viết về nước Nhật (chính thể, giáo dục…).
Sách Luân lý giáo khoa có các chương nói về nghĩa vụ của dân với tổ quốc, gia đình, bản thân, xã hội, với nhân loại. Từ “quốc dân” ở đây chính là từ “công dân” ta dùng bây giờ, là người dân có các quyền lợi và nghĩa vụ nhất định đối với quốc gia của mình, khác với «thần dân» là người dân chịu sự cai trị của triều đình phong kiến, phải tuyệt đối phục tùng chính quyền, không có quyền lợi gì hết (chữ Hán «thần» là nô lệ).
Khác hẳn nền cựu học chỉ dạy học sinh thuộc lòng thứ văn chương cao sang khó hiểu viết từ mấy nghìn năm trước, các tài liệu giảng dạy của Đông Kinh Nghĩa Thục thường viết dưới dạng thơ ca dễ hiểu dễ học dễ nhớ.
Sách Quốc văn tập đọc có 19 bài ca như: khuyên học chữ quốc ngữ, khuyên yêu nước, khuyên họp đàn, mẹ khuyên con, răn người uống rượu, răn người đánh bạc…“Bài ca khuyên người đi tu” viết: “Phen này cắt tóc đi tu/ Tụng kinh Độc lập, ở chùa Duy tân/ Đêm ngày khấn vái chuyên cần/ Cầu cho ích quốc lợi dân mới là...” “Bài vợ khuyên chồng” viết: “Anh làm sao cho ích nước lợi nhà/ Mọi nghề tân học ắt là phải thông/ Anh làm sao cho nổi tiếng Lạc Hồng/ Có khôn mới đứng được trong cõi đời”.
Ngứa chân thì phải gãi… đầu |
Sơ bộ điểm qua một vài nét kể trên, có thể thấy các yếu nhân Đông Kinh Nghĩa Thục đã thực sự làm một cuộc cách mạng giáo dục đầu tiên, với quy mô lớn chưa từng thấy trong lịch sử nước ta.
Về tổng thể, Đông Kinh Nghĩa Thục không chỉ là một trường học mà thực chất là cả một phong trào cách mạng yêu nước nhằm mục đích giải phóng xã hội và dân tộc khỏi ách phong kiến thực dân.
Thực dân Pháp đã thấy ngay các hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục đe dọa lật đổ ách thống trị của chúng. Vì thế Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ hoạt động được 9 tháng đã bị chính quyền Pháp ra lệnh đóng cửa và tàn bạo đàn áp. Chúng bắt giam nhiều yếu nhân Đông Kinh Nghĩa Thục, kết án họ từ 5 năm tù đến chung thân, tử hình và đày ra Côn Đảo nhằm cách ly với đồng bào.
Các tài liệu của Đông Kinh Nghĩa Thục đều bị tiêu hủy, ai tàng trữ sẽ bị bắt; vì thế cho nên hiện còn rất ít tài liệu để tham khảo. Tuy vậy, ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục vẫn tiếp tục lan ra khắp nơi, khêu gợi lòng yêu nước trong toàn dân, chuẩn bị lực lượng cho các phong trào đấu tranh chống Pháp về sau.
Cao trào yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục chứng tỏ Việt Nam là nước dẫn đầu châu Á đi theo con đường Duy tân của nước Nhật, tiếp thu văn minh phương Tây, dùng biện pháp giáo dục quốc dân để nâng cao dân trí, cải cách xã hội, tiến tới thực hiện dân giàu nước mạnh. Cuộc cách mạng giáo dục do Đông Kinh Nghĩa Thục tiến hành đã viết nên một trang sáng ngời trong lịch sử giáo dục nước ta.
Đông Kinh Nghĩa Thục xứng đáng mãi mãi được tôn vinh, ca ngợi. Đáng tiếc là, không rõ vì sao hiện nay công luận ở ta dường như đang quên dần sự kiện lịch sử vô cùng vẻ vang ấy.
Tài liệu tham khảo:
[1] Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhà XB Văn hóa, Hà Nội 1997.
[2] Lê Đại, con người và thơ văn. Chương Thâu và Tôn Long. NXB Văn hóa thông tin. Hà Nội, 2001.
[3] Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX. Chương Thâu. NXB Hà Nội, 1997.