Chỉ cần nói "cán bộ phòng" thì Ban giám hiệu đã...sợ chết khiếp!

10/04/2017 06:19
Đỗ Quyên
(GDVN) - Cứ mang danh là cán bộ Phòng thì Ban giám hiệu các trường đã “sợ chết khiếp” đó là chưa nói đến những cán bộ cấp to hơn như Phó Trưởng phòng, rồi Trưởng phòng.

LTS: Câu chuyện về dân chủ trong trường học đang trở thành đề tài nóng khi nhiều giáo viên bức xúc với quyền lực gần như tuyệt đối của Hiệu trưởng trong trường học.

Chia sẻ một góc nhìn khác, cô giáo Đỗ Quyên cho rằng, xét cho cùng, Hiệu trưởng cũng phải âm thầm phục tùng những chỉ thị của cấp trên cũng như phải đau đầu lấy lòng lãnh đạo để tránh bị "ghẻ lạnh".

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân chủ trong trường học. Ban giám hiệu được mệnh danh là “vua” một cõi

Nhưng mấy ai biết được chính họ cũng đang âm thầm chịu đựng, đang ngậm đắng nuốt cay để phục tùng mệnh lệnh của những ông “vua” bề trên khác. Xét cho cùng, họ cũng có hơn gì giáo viên?

Phục tùng tuyệt đối dù đúng hay sai

Bất kể mệnh lệnh nào của cấp trên đưa xuống (dù đúng hay sai), Ban giám hiệu các trường mà đặc biệt là Hiệu trưởng đều phục tùng tuyệt đối mà không có bất kì một ý kiến gì có chăng chỉ là những ý kiến bên lề, những than vãn bất chợt mà thôi. 

Không chỉ giáo viên, Hiệu trưởng cũng phải đau đầu đối phó và phục tùng cấp trên. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)
Không chỉ giáo viên, Hiệu trưởng cũng phải đau đầu đối phó và phục tùng cấp trên. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

Những quyết định thể hiện bằng văn bản buộc phải thi hành đã đành, không ít những lời nói ngẫu hứng ban hành miệng trong lúc bốc đồng, trong khi nói chuyện cũng được Ban giám hiệu nhất nhất nghe theo. 

Thế rồi, họ lập tức triển khai về trường, ép, bắt buộc giáo viên phải thi hành.

Thường thì giáo viên hay được nghe Ban giám hiệu mang ông nọ bà kia trên phòng ra hù: “Thầy H nói, cô T bảo phải thế này, thế kia…”. 

Đôi khi bị giáo viên chất vấn: “Sao nhà trường không có ý kiến về chuyện này?”. 

Có Ban giám hiệu bức xúc: “Có nói cũng chẳng được gì, im lặng làm cho xong”.

Chỉ cần nói "cán bộ phòng" thì Ban giám hiệu đã...sợ chết khiếp! ảnh 2

"Vua" ở trường tiểu học, chuyện chưa kể bao giờ!

Nhiều người biết chuyện nói vui: “Trong các cuộc họp cấp Phòng chủ trì, các Ban giám hiệu nhà ta còn chẳng dám ho, dám thở mạnh nữa là, sao ai lại có đủ can đảm ý kiến”.

Cứ mang danh là cán bộ Phòng Giáo dục thì Ban giám hiệu các trường đã “sợ chết khiếp” đó là chưa nói đến những cán bộ cấp to hơn như Phó Trưởng phòng, rồi Trưởng phòng. 

Một số đồng nghiệp của tôi dạy ở ngôi trường VNEN kể rằng, một cán bộ chuyên viên cấp phòng yêu cầu sáng sáng học sinh đến lớp phải bỏ sách giáo khoa dưới góc để đồ dùng học tập. 

Khi vào tiết học, đại diện học sinh xuống lấy phát cho các bạn trong nhóm.

Nhiều Ban giám hiệu các trường đều thừa nhận chuyện này chẳng có tác dụng gì với các em học sinh nếu không muốn nói còn làm mất thời gian (lấy sách từ cặp bỏ ra, rồi lại lấy sách từ góc học tập phát lại) nhưng không có Ban giám hiệu nào dám lên tiếng chỉ ra điều bất hợp lý ấy. 

Khi giáo viên trong trường không đồng tình với việc làm được cho là “rỗi hơi” trên, họ chỉ phán một câu: “Biết thế nhưng là chỉ đạo của cấp trên, các thầy cô chỉ biết thi hành, đừng ý kiến ý cò gì vô ích. Chúng tôi cũng đã quyết”. 

Phục tùng để giữ quyền lợi

Thế là hàng trăm trường học, đều phải răm rắp làm theo một cái mệnh lệnh nhiêu khê ấy. 

Chỉ cần nói "cán bộ phòng" thì Ban giám hiệu đã...sợ chết khiếp! ảnh 3

Đâu chỉ giáo viên ghét Ban giám hiệu, nội bộ cấp cao này cũng mất đoàn kết

Họa hoằn lắm có trường không thực hiện, lập tức bị thanh tra và góp ý tơi bời trong các cuộc họp giao ban hàng tháng. 

Ban giám hiệu cũng tỏ ra ấm ức, bất bình những vẫn cam chịu vì sợ mình sẽ bị làm khó nhiều hơn. 

Có Hiệu trưởng lại tỏ ra từng trải: “Bản thân mình chẳng sợ gì cả, chỉ sợ làm tới, giáo viên của mình thiệt thòi khi đã bị chiếu tướng”. 

Nghĩ thì chẳng phải không có lý, biết bao quyền lợi của nhà trường, của giáo viên đều phải qua bàn tay sắt của Phòng? 

Có thể kể đến như việc công nhận sáng kiến kinh nghiệm, chiến sĩ thi đua, thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi hàng năm… 

Thực tế đã chứng minh, nếu Hiệu trưởng là “con cưng” của Phòng thì trường ấy (dù chưa xứng đáng) vẫn luôn được khen thưởng, được nhận lá cờ đầu, các kì thi của giáo viên tỉ lệ đậu nhiều hơn là rớt, việc thanh tra, kiểm tra cũng nhẹ nhàng hơn nhiều, điều tốt thì tuyên dương, điều xấu thì ém nhẹm…

Ngược lại, nếu đã là “cái gai” trong mắt lập tức lãnh đủ các đòn trừng phạt ngược lại với những ân huệ của “con cưng”. 

Bởi thế, chẳng ai dám phiêu lưu mà chống lệnh. Ai ai cũng gồng mình lên, cũng đua chen để trở thành “con cưng” chứ nhất định không chịu là “con ghẻ”, là “cái gai” trong mắt cấp trên của mình.

Một số Ban giám hiệu có lối sống an phận, không muốn bị ai nói đến mình nên những mệnh lệnh của cấp trên đều cố gắng thực hiện tốt. 

Nhưng phần lớn những Ban giám hiệu khác, họ có tư tưởng chịu ơn lãnh đạo đã cất nhắc mình lên vị trí này nên cố gắng lấy lòng bằng cách trên chưa “hô” dưới đã “ứng”. 

Họ không chỉ muốn làm tốt mà còn gắng làm thật xuất sắc để mưu cầu ước vọng riêng.

Chẳng hạn, Phó Hiệu trưởng còn muốn lên Hiệu trưởng. Hiệu trưởng còn muốn về làm Hiệu trưởng ngôi trường “ngon” hơn để có nhiều bổng lộc…

Giải pháp

Chỉ cần nói "cán bộ phòng" thì Ban giám hiệu đã...sợ chết khiếp! ảnh 4

Hội đồng trường chỉ là danh nghĩa, có cũng như không

Xóa bỏ tình trạng nịnh cấp trên để vinh thân, xóa bỏ việc luôn xem lời cấp trên là “thánh chỉ” thì ngành giáo dục cần phải loại bỏ ngay việc bổ nhiệm cảm tính (thích thì thăng chức, phật lòng thì thôi) như hiện nay. 

Nên tổ chức thi tuyển hai chức vụ Phó Hiệu trưởng và Hiệu trưởng các trường học một cách công khai, minh bạch. 

Khi và chỉ khi người ta lên chức bằng năng lực thật sự của mình, bằng sự tài năng và tính quyết đoán mà không phải hàm ơn một ai đó, lúc ấy họ cũng sẽ biết việc gì nghe, việc gì không thể nghe để làm điều tốt nhất cho giáo viên và học sinh.

Đỗ Quyên