LTS: Chia sẻ nỗi băn khoăn làm sao có thể lên tiếng bảo vệ quyền dân chủ trong trường học, cô giáo Phương Nam cho thấy thực trạng bế tắc của giáo viên khi Hiệu trưởng nắm quyền bổ nhiệm thành viên các ban bệ trong trường.
Chính vì quyền hạn của Hiệu trưởng quá lớn trong việc bổ nhiệm giáo viên nên nhiều thầy cô giáo dám dũng cảm lên tiếng lại bị gạt ra khỏi những tổ chức có tiếng nói phản biện.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Đọc bài viết “Hãy vùng lên chiến thắng luôn thuộc về những người dũng cảm” của tác giả Thuận Phương đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều giáo viên của các trường học nơi tôi giảng dạy cùng gặp gỡ, trao đổi những tâm tư, những khúc mắc vốn bị kìm nén trong lòng.
Hiệu trưởng lạm dụng quyền bổ nhiệm gây ra rmất dân chủ trong trường học. (Ảnh minh họa: NOP/Tuoitre.vn) |
Thông qua bài viết này, một lần nữa tác giả muốn cho bạn đọc có cái nhìn đầy đủ hơn về việc thực hiện dân chủ trong trường học, không phải cứ cố gắng đấu tranh là sẽ có được.
Giáo viên ở một trường trung học cơ sở chia sẻ: “Nhìn chung, trường nào cũng thực hiện tốt vấn đề dân chủ như khẩu hiệu nêu ra. Dù có các cuộc thanh kiểm tra của các cấp thì câu kết luận bao giờ cũng là 'thực hiện tốt' ”.
Bởi họ cũng chẳng thể tìm ra một chút sơ hở nào trong việc thực hiện dân chủ ở các trường học.
Trong trường, mọi quyết định của nhà trường đều do Chi bộ, Liên tịch đưa ra nghị quyết thể hiện rõ trong văn bản trước khi thực hiện.
Lãnh đạo nhà trường sa sút, yếu kém, hư hỏng, trì trệ, tiêu cực vì đâu? |
“Rõ ràng là ý kiến tập thể nhưng lại theo chủ ý của Hiệu trưởng vì các ban bệ bên dưới toàn là tay chân, là ê kíp do Hiệu trưởng bầu ra” - một giáo viên khác tiếp lời.
Mà đúng thật, trường học nào chẳng có một số chức danh như Tổ trưởng chuyên môn, Đoàn thanh niên, Thanh tra nhân dân, Thư kí hội đồng, Trưởng ban văn thể, Tổng phụ trách đội… Những chức danh này đều do Hiệu trưởng bổ nhiệm.
Khi bổ nhiệm cấp dưới, nhiều Hiệu trưởng chẳng cần căn cứ vào năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức hay sở trường của giáo viên để giao việc cho hiệu quả.
Họ chỉ cần người đó “biết nghe lời theo kiểu gọi “dạ”, bảo “vâng” là đủ tiêu chuẩn”.
Những chức danh này là thành viên trong Ban liên tịch nhà trường, thành viên trong trong các hội đồng xét thi đua và khen thưởng, thành viên trong tổ kiểm tra nội bộ, giám sát hoạt động nhà trường…
Bởi thế, bất kì những kế sách, những ý kiến gì của Hiệu trưởng đưa ra đều được hội đồng liên tịch nhất trí 100% một cách răm rắp.
Những giáo viên không cùng “chí hướng” với Hiệu trưởng cụ thể là hay có ý kiến, hay “bàn ra” một số chủ trương, kế hoạch bất hợp lý do Hiệu trưởng đề ra… sẽ lập tức bị thay ngay với vô vàn lý do như “cần trẻ hóa đội ngũ cán bộ tổ, tạo điều kiện cho lớp trẻ khẳng định mình, đã đến lúc cần được nghỉ ngơi…”.
Nói thẳng ra, những giáo viên được bổ nhiệm vào các chức danh trên chỉ là “công cụ” để thi hành những mệnh lệnh của Hiệu trưởng, là tấm bình phong cho việc thực hành dân chủ, là "tay chân", là “tai mắt” của Hiệu trưởng ở khắp nơi.
Bởi thế, bất kì giáo viên nào có chút bất bình, có vài lời nói bức xúc… thì lập tức Hiệu trưởng cũng sẽ "nghe" hết và ra tay xử lý.
Những giáo viên này nghiễm nhiên lọt vào danh sách “đen” cần đề phòng. Tùy từng sự việc để Hiệu trưởng thanh trừng.
Nếu là chuyện đơn giản, chính giáo viên ấy sẽ bị "quạt" tơi tả trước hội đồng nhà trường để làm gương cho nhiều người khác hay bị bắt ne bắt nẹt đủ thứ chuyện.
Sự việc lớn hơn sẽ được chuyển trường trong năm học tới.
Quan điểm của họ là “bóp chết đấu tranh ngay từ lúc mới manh nha, từ khi còn trong trứng nước”.
Với kiểu làm như thế, sẽ không có nhiều người “đồng tâm hiệp lực” và như thế chắc chắn nắm phần thua.
Nói là đoàn kết để đấu tranh nhưng một trường học có khoảng 20 giáo viên như phe cánh của Hiệu trưởng chiếm tới 2/3 thì tiếng nói của những người còn lại liệu có còn ý nghĩa gì không?
Một bộ phận không nhỏ giáo viên hiện nay sống theo kiểu a dua, xu nịnh để được lợi lộc cho chính cá nhân mình.
Số người này càng nhiều thì dân chủ trường học càng không bao giờ có được chỗ đứng. Và cứ thế dù Hiệu trưởng ấy làm chưa tốt hay làm còn vướng nhiều sai phạm thì cứ sau một nhiệm kì 5 năm họ vẫn tiếp tục được tại vị.