Thăm dò ý kiến mới đây trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về việc có nên để loại hình trường chuyên, lớp chọn nữa hay không? Các ý kiến phản hồi cho thấy, phần lớn độc giả đồng ý là không nên duy trì loại hình này (chiếm 65,97%). Tuy nhiên, cũng một bộ phận cho rằng vẫn nên duy trì (chiếm 34,03%).
Với tỷ lệ này đã phản ánh nhiều điều rằng, loại hình trường chuyên, lớp chọn hiện nay cần thay đổi, thậm chí phải bỏ hẳn trong hệ thống trường phổ thông công lập.
Với 34,03% đồng ý giữ lại, cũng cho thấy nhu cầu của xã hội, của cha mẹ học sinh mong muốn còn loại hình này để cho con em mình được đào tạo trong môi trường giáo dục đặc biệt, nói như thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc (Quảng Ngãi) là tốp trường, lớp ở một “đẳng cấp” khác.
Thống kê thăm dò ý kiến của độc giả về việc có nên bỏ loại hình trường chuyên, lớp chọn hay không. Đa số đồng ý nên bỏ. |
Trên thực tế, chúng ta đã không còn tồn tại hệ chuyên THCS từ năm 1996, ngay từ sau Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII yêu cầu “Không tổ chức trường chuyên ở Tiểu học và THCS.
Thế nhưng, qua thời gian, qua thực tế nhu cầu của xã hội vẫn còn tồn tại các lớp chuyên, hệ chuyên, lớp chọn của các trường phổ thông. Không thể phủ nhận những lớp chuyên, lớp chọn, trường chuyên trong nhiều năm qua đã cung cấp cho xã hội nhiều học sinh ưu tú, nhiều người giỏi.
Để dễ hình dung nhất cho vai trò, chức năng quan trọng của loại hình trường chuyên, lớp chọn là số lượng học sinh dành giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi, các kỳ thi Olympic quốc tế phần đa là “xuất thân” từ trường chuyên, lớp chọn.
Các em được tuyển chọn và đào tạo giống như “gà nòi” để đem đi đấu, hoặc các địa phương dựa vào loại hình này để chứng tỏ “thành tích” thứ hạng học sinh giỏi so với các tỉnh khác.
Mới đây, nhân chuyện nói về việc xếp loại các trường cấp 3 trong cả nước, phóng viên đã được một người làm trong Bộ GD&ĐT thông tin rằng, hiện có một số tỉnh có các trường cấp 3 trong vài năm nay đã vươn lên vị trí thống trị, vượt trên cả Thủ đô Hà Nội.
Vị này cũng thông tin vì sao tình nọ lại có cú bứt phá dũng mãnh như vậy? Đó là tỉnh nọ biết cách giấu đi những học sinh yếu kém, số lượng học sinh yếu kém này được “động viên” không thi đại học mà chuyển sang học nghề.
Được “động viên” không thi đại học vì một trong những tiêu chí để xếp hạng trường cấp ba là dựa vào kết quả điểm thi đại học của học sinh phổ thông nói chung. Do đó, chỉ mong muốn học sinh có học lực khá thi đại học với kỳ vọng sẽ đem về cho tỉnh mình nhiều điểm cao.
Đây cũng là biểu hiện của căn bệnh thành tích trong giáo dục mà xã hội đã nói nhiều như một bệnh trầm kha khó chữa khỏi.
Thực tế vẫn nhiều gia đình mong muốn cho con em mình được học trong môi trường lớp chọn. Ảnh minh họa Phương Thảo |
Nói về mặt trái của loại hình trường chuyên, lớp chọn hẳn ai cũng rõ. Không chỉ làm cho học sinh mệt mỏi vì chịu áp lực từ bố mẹ là mong muốn con mình phải vào được lớp chọn này, hệ chọn kia để sau thành người giỏi. Mà hơn nữa, trong xã hội mặc dù nói là không còn lớp chọn ở THCS nhưng nhu cầu vẫn có, thậm chí là nhiều nên cung vẫn âm thầm tồn tại.
Và từ đây, vẫn hàng mùa có một cuộc đua ngầm giữa nhiều phụ huynh để làm sao con mình được ngồi trong lớp chất lượng, lớp thuộc “đẳng cấp” cao hơn so với bình thường. Từ nhu cầu này sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực, nhiều vấn nạn trong giáo dục hơn.
Việc phân biệt đẳng cấp trường chuyên hay lớp chọn làm mất đi tính toàn diện trong công tác đổi mới, giảng dạy ở nhà trường. Nảy sinh tâm lý và cách nhìn nhận học sinh, giữa một bên trọng và một bên “khinh”.
Chia sẻ quan điểm trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, độc giả có tên Nguyễn Đức Thắng nhận định một nguyên nhân khác, đó là thực tế sự bình đẳng đã không còn khi xã hội chấp nhận cơ chế thị trường và cạnh tranh.
Xã hội Việt Nam đã bị phân tầng bộc lộ rõ giàu - nghèo nên việc tạo dựng một nền giáo dục bình đẳng trong giáo dục là không tưởng.
Theo ý kiến này, để nền giáo dục Việt Nam phát triển theo đúng bản chất xã hội đang tồn tại một cơ chế thị trường là hợp quy luật. Các loại trường mang tính " tự nguyện " như các trường dân lập, trường chuyên, lớp chuyên vẫn phải tôn trọng để nó tự phát triển như các bệnh viện tư nhân, Doanh nghiệp tư nhân…
Cấm thi tuyển sinh lớp 6: Đã đến lúc khai tử loại trường phân biệt đẳng cấp
(GDVN) - Đã đến lúc các thầy cô phải đánh giá công bằng, khách quan, chính xác phẩm chất, năng lực từng học sinh. Nói không với thành tích, những "quan hệ" bất minh...
Vấn đề quan trọng bây giờ là quan tâm đến việc bảo vệ sự công bằng cho người nghèo và đạt mục đích phổ cập học vấn, Nhà nước chỉ cần quan tâm để trợ cấp hoặc bao cấp toàn bộ cho các cấp học từ thấp đến cao, ví như các cháu ở độ tuổi Nhà trẻ được nuôi miễn phí…
Thực tế trường chuyên, lớp chọn vẫn âm thầm tồn tại vì đó là một nhu cầu, việc dẹp bỏ chúng bằng những biện pháp hành chính dường như là không có hiệu quả.
Chia sẻ về quan điểm của mình, độc giả Minh Nguyệt cho rằng, Bộ GD&ĐT cần kiên quyết để thanh lọc bầu không khí u ám lâu nay trong học đường vì các vấn nạn trường chuyên, lớp chọn này.
“Thời chúng tôi học làm gì có lớp chọn, lớp nào cũng có đủ thành phần. Sau đó, ai giỏi vào đại học, ai khá đi cao đẳng, có người ở nhà cày ruộng. Mấy chục năm rồi mà tình cảm vẫn nồng thắm, gắn bó, không phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn” độc giả này giãi bày.
Các chuyên gia giáo dục cũng nhận định, học sinh THCS cần được giáo dục toàn diện để đảm bảo kỹ năng, kiến thức cơ bản.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, thực tế đã không còn tồn tại hệ chuyên THCS từ năm 1996.
Nếu có trường THCS chuyên thì đã xóa ngay từ sau Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII yêu cầu “Không tổ chức trường chuyên ở Tiểu học và THCS” ra đời.
“Chỉ có nơi nào làm biến tướng hoạt động giáo dục theo kiểu trường chuyên, lớp chọn ở bậc THCS thì phải khắc phục. Các cơ quan quản lý giáo dục địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, quản lý hoạt động của các trường THCS, không để xảy ra “biến tướng” trường chuyên, lớp chọn” ông Hiển cho biết.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng thông tin, với hệ THCS trong các trường THPT có dáng dấp nhưng chưa phải hệ chuyên. Còn việc phân ra lớp toán, văn…là hình thành lớp chọn ở THCS. Theo Nghị quyết Trung ương 2 thì việc này không được phép tồn tại.
Thực tế cho thấy, vấn đề xóa bỏ hoàn toàn các lớp chọn dường như vẫn còn là khẩu hiệu. Nên chăng thay vì cứ loay hoay tìm cách dẹp bỏ trường chuyên lớp chọn, chúng ta cần tìm những giải pháp về quản lý sao cho vừa đáp ứng một nhu cầu có thật của người dân, vừa hạn chế những tác hại có thể có của các trường lớp này.