Chuyện Giáo sư Thành và nút thắt quản lý trường đại học tư thục

07/05/2018 07:18
Thùy Linh
(GDVN) - Sự việc Giáo sư Trương Nguyện Thành rời Đại học Hoa Sen vì không đủ tiêu chuẩn làm Hiệu trưởng đang được nhiều nhà quản lý giáo dục quan tâm.

Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: 

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dựa vào Luật giáo dục đại học 2012 quy định một trong các tiêu chuẩn hiệu trưởng là "có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm" trong trường hợp Giáo sư Trương Nguyện Thành là cứng nhắc.

“Đây là hậu quả của việc xử lý sự việc một cách máy móc theo tinh thần của Điều lệ trường đại học.

Đã đến lúc chúng ta cần xem xét một số Điều trong Điều lệ trường đại học có còn phù hợp nữa hay không? 

Ví dụ, yêu cầu tiêu chuẩn hiệu trưởng phải đáp ứng “đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm”, vậy đó là cơ sở giáo dục đại học hay cao đẳng?

Và nếu chỉ tham gia quản lý ở phòng hành chính trị sự thì có đạt yêu cầu làm hiệu trưởng?”, ông Khuyến nhấn mạnh. 

Sự việc Giáo sư Trương Nguyện Thành rời Đại học Hoa Sen vì không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng đang được nhiều nhà quản lý giáo dục quan tâm. (Ảnh: Tiền phong)
Sự việc Giáo sư Trương Nguyện Thành rời Đại học Hoa Sen vì không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng đang được nhiều nhà quản lý giáo dục quan tâm. (Ảnh: Tiền phong)

Bởi lẽ giáo sư Trương Nguyện Thành đã có thời gian làm hiệu phó, phụ trách nhiều công việc của Đại học Hoa Sen.

Một năm sau ông được 16/18 thành viên Hội đồng quản trị bầu giữ chức hiệu trưởng chứng tỏ ông đã làm tốt công tác quản lý, được cán bộ, giảng viên của trường thừa nhận, tín nhiệm và tin tưởng.

Đại học Hoa Sen là trường tư thục nên tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. 

Hơn nữa, theo Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã nêu rõ:

“Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá hiệu lực, hiệu quả của cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục đại học nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học…”. 

Chuyện Giáo sư Thành và nút thắt quản lý trường đại học tư thục ảnh 2Giáo sư, cái quần đùi và sự sáng tạo

Như vậy rõ ràng theo tinh thần của Nghị quyết 19 thì Hội đồng trường (đối với trường công lập) và Hội đồng quản trị (đối với trường tư thục) là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học. 

Thế nhưng trong trường hợp của Giáo sư Trương Nguyện Thành thì ý kiến của Hội đồng quản trị trường Đại học Hoa Sen không được Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe. 

Từ đó, ông Khuyến cho rằng: “Một số quy định tại Điều lệ trường đại học đã không còn chính xác, cần thay đổi.

Tuy nhiên, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có băn khoăn về tiêu chuẩn bổ nhiệm hiệu trưởng chưa sát với Điều lệ trường đại học trong lúc chưa sửa Luật giáo dục đại học thì Bộ cần xin ý kiến của cơ quan cấp cao hơn – nơi ban hành Điều lệ trường đại học chứ không thể gạt phắt đi ý kiến của Hội đồng quản trị trường một cách cứng nhắc như vậy”. 

Đồng thời qua việc này, ông Khuyến cũng cho rằng: “Việc quy định phải 5 năm làm quản lý cấp khoa, phòng mới được làm hiệu trưởng là không hợp lý. Đặt vào trường hợp ông Thành mới thấy nó cản trở chính sách thu hút nhân tài của nhà nước”.
 
Trước đó, vào giữa tháng 4/2018, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có gửi văn bản tới Vụ Giáo dục đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công nhận hiệu trưởng Đại học Hoa Sen.

Chuyện Giáo sư Thành và nút thắt quản lý trường đại học tư thục ảnh 3Giáo sư Mỹ và chuẩn Việt Nam

Người được đề cử là Giáo sư Trương Nguyện Thành, phó hiệu trưởng điều hành. 

Văn bản trên cho biết Hội đồng quản trị Đại học Hoa Sen đã thống nhất đề cử chức danh hiệu trưởng đối với ông Trương Nguyện Thành với tỉ lệ tán thành là 88,89% (16/18 phiếu).

Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc xác định quản lý tương đương, hiện nay chưa có quy định và tiêu chí để xác định mức độ tương đương cấp Phòng/Khoa của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài với Việt Nam.

Do vậy không đủ cơ sở pháp lý để xác nhận cụ thể nội dung này.

Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục đã gửi hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định trường hợp này.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho rằng, Đại học Utah (Mỹ), nơi ông Thành từng công tác có quy mô sinh viên và giảng viên lớn.

Tuy nhiên, những vị trí mà ông tham gia là chủ tịch một số hội đồng của các nhóm công việc chuyên môn, hoặc liên quan đến đại học này, không phải là khoa hoặc phòng của trường.

Từ đó, Bộ Giáo dục cho rằng không đủ cơ sở pháp lý để công nhận tiêu chuẩn hiệu trưởng đại học đối với ông Thành (tiêu chí là phải tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm).

Được biết, Giáo sư Trương Nguyện Thành sinh năm 1962, là tiến sĩ khoa học ngành hóa và tính toán do Đại học Minnesota (Mỹ) cấp năm 1990. Cũng năm này, ông giành được Giải thưởng của Hội đồng Khoa học quốc gia Mỹ.

Năm 1992, làm giáo sư chính thức giảng dạy môn hóa lượng tử tại Đại học Utah (Mỹ). 

Năm 1993, đoạt giải “Một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ”. 

Năm 2002, được phong giáo sư cao cấp (cấp cao nhất trong ba cấp giáo sư ở Mỹ) khi mới 41 tuổi.

Năm 2005, ông được Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khi đó là ông  Nguyễn Thiện Nhân (nay là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) mời về nước để diễn thuyết về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ tính toán. 

Sau đó, Giáo sư Trương Nguyện Thành được mời lập đề án thành lập Viện Khoa học và công nghệ tính toán Thành phố Hồ Chí Minh. 

Cuối năm 2016, ông về công tác tại Đại học Hoa Sen với cương vị phó hiệu trưởng điều hành.

Thùy Linh