LTS: Chia sẻ câu chuyện buồn từ chính người thân của mình sau khi tham gia kỳ thi đại học, tác giả Phan Tuyết đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Qua đó, tác giả cho rằng, kiến thức của mỗi em là chủ yếu nhưng tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đây là kinh nghiệm “xương máu” mà tôi đã rút ra bài học với cháu của mình trong kì thi đại học vừa rồi.
Từ câu chuyện của tôi, các bậc phụ huynh và những em học sinh sắp bước vào kì thi quan trọng sẽ rút ra cho mình những bài học cần thiết.
Là một học sinh học khá giỏi 12 năm liền, lực học của Tuấn luôn được xếp vào hàng đầu của lớp chọn ở trường.
Dù rất tự tin nhưng Tuấn và ba mẹ của cháu lại có tính nóng vội, ai cũng nói Tuấn cả nghĩ, có chuyện gì cũng phải suy nghĩ mất mấy ngày.
Đứng đợi con ở cổng trường đại học, sau khi nghe họ rao bán đáp án môn thi đầu tiên trong ngày, em trai tôi đã mua một tờ để dành buổi trưa cho con dò bài.
Nhìn thấy con hồ hởi bước ra khỏi cổng trường và ôm chầm lấy ba, cháu nói: “Con làm bài cũng khá tốt, hy vọng sẽ đạt được 8 điểm toán ba ạ”.
Chưa kịp đưa con đi ăn, nghỉ ngơi, em tôi bảo con dò bài vì đáp án mình mới mua: “Họ đảm bảo đáp án này kết quả tuyệt đối chính xác, con dò lại cho chắc ăn”.
Đang lâng lâng trong cảm giác làm bài tốt, nghe bố nói thế, Tuấn cũng nán lại nhìn đáp án.
Khác với mong đợi của cậu em, cháu tôi run rẩy, mặt trắng bệch rồi ngồi thừ ra không nói gì.
Khi bình tĩnh lại, nó buồn rầu nói: “Con trượt rồi bố ạ, con làm sai nhiều quá”.
Như sực nghĩ ra vì sai lầm của mình, cậu em ra sức vỗ về con: “Có thể đáp án chưa chính xác, con đừng bi quan, vẫn còn hai môn thi nữa, cố lên con ạ”.
Và thế là dù đói, cháu cũng không ăn được nhiều, cả buổi trưa không ngủ cứ trằn trọc nằm thở dài thườn thượt.
Thi chưa xong không nên dò đáp án (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Lúc này, em tôi thật sự lo lắng, gọi điện nói tôi động viên cháu, bởi vì nó biết tính thằng bé rất cả nghĩ, buồn lâu sẽ ảnh hưởng không tốt tới những buổi thi còn lại.
Gọi điện trấn an cháu, tôi đã nói với nó: Có nhiều đáp án bán ngoài cổng trường có kết quả không chính xác, tôi thấy hình như nó khóc và đang cố nén dòng cảm xúc.
Biết tính cháu, tôi sợ bài thi buổi chiều sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Những lo lắng của chúng tôi không thừa, dù môn Lý là thế mạnh nhưng cháu làm bài không được tốt.
Nghe cháu kể lại, gần hết giờ cháu đã sửa lại khoảng 10 câu đúng thành sai.
Rút kinh nghiệm, em tôi không mua đáp án nữa nhưng trông con vẫn hoàn toàn thất vọng và mệt mỏi.
Vài ngày sau, biết được thông tin đáp án cậu em mua được hôm đó ở cổng trường đại học là đáp án ‘rởm” nên sai sót khá nhiều.
Tôi hồ hởi báo tin cho cháu nhưng nó nói: “Muộn rồi bác ạ, vì buồn nên cháu làm hai môn sau không được tốt. Cháu rớt chắc luôn.
Ngày nhận kết quả báo thi, em tôi càng thấy ân hận khi môn toán con đạt tới 8.5 điểm nhưng hai môn sở trường của con chỉ đạt 4.5 điểm và 6 điểm.
Cháu thiếu 0.5 điểm mới đỗ ngành mình đăng kí trong khi nhiều bạn của cháu có lực học yếu hơn lại thi được với số điểm cao hơn.
Không vào được đại học theo nguyện vọng 1, cháu tôi buồn một nhưng cậu em lại buồn và ân hận gấp trăm lần như thế.
Nó cứ tự trách mình giá hôm ấy đừng đưa đáp án cho con dò trước, nó sẽ không bị tâm lý hoang mang đè bẹp thì những môn thi sau chắc chắn cháu sẽ làm bài tự tin hơn nhiều.
Dù chuyện đã qua nhưng cậu em cũng không thể tha thứ cho mình mà luôn day dứt, dằn vặt đến cả bây giờ khi cháu tôi đã là sinh viên năm hai một trường đại học.
Để đạt được kết quả tốt trong kì thi, kiến thức của mỗi em là chủ yếu nhưng tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Hãy để các con thật tự tin, thoải mái bước vào phòng thi. Đừng vì sự nóng vội của chính người lớn chúng ta để phải ân hận suốt đời.