LTS: Trước ý kiến của tác giả Thành Trung trong bài viết “Không phải sách giáo khoa sử khó mà do nhận thức của giáo viên”, thầy giáo Tùng Sơn chia sẻ những phản biện về ý kiến này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Sau khi bài “Sách Sử thế này, học sinh hãi Lịch sử là đúng!” của tác giả Tùng Sơn đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 31/12/2016, bạn đọc Thành Trung đã có bài viết phản hồi với tiêu đề “Không phải sách giáo khoa sử khó mà do nhận thức của giáo viên”.
Trước hết tác giả Tùng Sơn xin cảm ơn sự quan tâm tới vấn đề dạy học lịch sử của bạn đọc Thành Trung.
Qua bài phản hồi của bạn Thành Trung, Tùng Sơn thấy Thành Trung chưa có thực tế tiểu học và bạn chưa quan tâm vấn đề tâm sinh lí lứa tuổi trong nhận thức của con người – một vấn đề hết sức quan trọng trong giáo dục học được các nhà biên soạn sách giáo khoa đặt lên hàng đầu khi viết ra những nội dung trong sách.
Việc dạy Sử bậc Tiểu học cần hiểu tâm lý học sinh. (Ảnh minh họa, nguồn: Tuoitre.vn) |
Trước hết, nói về lịch sử nước nhà
Lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của dựng nước và giữ nước. Không phải ngẫu nhiên mà một đất nước chìm trong hơn một nghìn năm Bắc thuộc mà vẫn quật cường giành độc lập.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà một đất nước hàng trăm năm chịu sự đô hộ của thực dân Pháp mà nay vẫn có tên đàng hoàng trên bản đồ thế giới.
Có đất nước nào, có dân tộc nào mà lại tiến hành cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mĩ những 21 năm để giành chiến thắng?
Vậy thì có phải hiển nhiên, lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của đấu tranh giữ nước.
Và có phải hiển nhiên, lịch sử nước ta, là tiến trình của khởi nghĩa giành độc lập, của chiến đấu chống ngoại xâm. Và đó mới là cái khác biệt của lịch sử nước nhà với lịch sử các dân tộc khác.
Chúng ta không cực đoan nhìn vào lịch sử của nước ta là nhìn vào toàn chiến tranh loạn lạc, mà chúng ta cần giáo dục con cháu phải thấy những gì mà ông cha ta phải đánh đổi bằng xương máu để có hôm nay.
Đó cũng là bổn phận của những người dạy sử.
Dạy sử cần toàn diện, nhưng phải biết trọng tâm và hợp lứa tuổi
Nói như bạn Thành Trung, lịch sử nước nhà gồm nhiều lĩnh vực, kinh tế, văn hoá, quân sự,… Điều đó đúng.
Nhưng bạn Thành Trung phải hiểu rằng ở cấp Tiểu học, chỉ có 70 tiết Lịch sử mà phải dạy từ buổi đầu dựng nước tới công việc thống nhất đất nước năm 1976.
Vậy thì ta phải dạy những gì để bước đầu giúp các em nhận biết một cách sơ lược về lịch sử dân tộc.
Nói cụ thể, trong khuôn khổ 70 tiết học, chúng ta nên dạy về những sự kiện mang tính mấu chốt trong tiến trình phát triển của con người Việt Nam cũng đồng thời là những mốc son chói lọi, đáng tự hào về một dân tộc anh hùng.
Xét về tâm sinh lí lứa tuổi, ở Tiểu học ta chưa cần dạy nhiều về sự phát triển văn hoá xã hội hay những thành tựu về văn học, khoa học,… Những kiến thức đó, lên các cấp học cao hơn, các em sẽ học kĩ hơn.
Nói tóm lại, cấp Tiểu học với 70 tiết Lịch sử, ta chỉ nên dạy những sự kiện chính về lập nước, lập triều đại mới và đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.
Dạy sử về chiến tranh, đương nhiên phải dạy chiến đấu và chiến thắng!
Con người ta sinh ra, không ai thích chiến tranh. Thế nhưng một dân tộc đã phải thực tế trải qua bao cuộc chiến đấu để giữ vững và làm nên tên tuổi của mình thì cần phải truyền lại cho con cháu niềm tự hào về điều đó.
Bạn Thành Trung có ý không thích dạy sử theo cách chiến đấu là chiến thắng. Và hiện nay cũng có ý kiến cho rằng chúng ta đang dạy sử theo cách chiến đấu là chiến thắng.
Vấn đề này, chúng ta phải hiểu rằng lịch sử là một quá trình. Nếu xét theo một quá trình, rõ ràng dân tộc ta đã chiến đấu là chiến thắng. Hay nói cách khác, cuối cùng, chúng ta giành chiến thắng.
Một cuộc kháng chiến, nếu không có sách lược, chiến lược đúng thì sao có chiến thắng. Sự thực lịch sử là như vậy, thế thì chúng ta không dạy về chiến công huy hoàng thì dạy cái gì đây?
Trong chiến tranh, mỗi chiến thắng đều phải trả giá bằng xương máu. Để có chiến thắng lớn, đều phải trải qua những thất bại nhất thời.
Điều đó ai không biết. Nhưng với học sinh, ta cần gì phải phân tích điều đó. Nhất là học sinh Tiểu học.
Cách học môn Lịch sử để thi trắc nghiệm đạt được kết quả cao |
Giáo viên không có gì phải thay đổi cách nhìn về dạy sử!
Bạn Thành Trung viết “Không phải sách giáo khoa khó mà do nhận thức của giáo viên” là một cách nói của người không có thực tế.
Các tác giả của sách giáo khoa hiện hành lâm vào tình trạng thiếu thực tế trên nhiều bài học.
Giáo dục Tiểu học có tính đặc thù của học sinh dưới 11 tuổi. Nhận thức của các em là nhận thức từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Những gì không sinh động các em khó có hứng thú.
Thực tế, những gì là hàn lâm trong sách Lịch sử lớp 4,5 mà tác giả Tùng Sơn chỉ ra là khó với lứa tuổi các em.
Bạn Thành Trung viết “không thể coi những kiến thức về tín ngưỡng, về tổ chức xã hội, về học tập, về văn học, về khoa học, về tư tưởng canh tân,… là hàn lâm được. Bởi “không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi” ” là viết theo cái nhìn dạy cho học sinh lớn học.
Nếu hiểu về đặc điểm nhận thức trẻ Tiểu học, có lẽ bạn đã không viết như thế.
Còn nói về việc dạy học của giáo viên, các thầy cô giáo hiện nay nhìn chung đang rất cố gắng tìm mọi cách đem đến cho các em những giờ học hay về Lịch sử. Bàn về phương pháp, có lẽ còn nhiều vấn đề.
Thế nhưng không phải các thầy cô thấy sách sử khó là e ngại hay né tránh những bài giảng khó. Thực tế, làm nghề gì hiểu nghề đó bạn Thành Trung ạ.
Các thầy cô còn không dám biểu lộ trước học sinh là bài này hàn lâm hay bài kia không hợp lí, mà các thầy cô chỉ biết tìm cách làm cho học sinh hiểu bài, hứng thú trong hợp tác với bạn, với thầy cô để tìm hiểu kiến thức bài học.
Việc nói những hạn chế của sách sử nước nhà là mong muốn chúng ta sẽ có những bộ sách giáo khoa lịch sử hợp lí với từng cấp học để Lịch sử luôn là những bài học hay, bổ ích.
Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn bạn Thành Trung đã trao đổi về bài viết và qua đây, cũng mong tất cả chúng ta đều nhất trí dạy sử cần biết là dạy cho ai và dạy những gì.