Dốt như thế nào ?
Trong nhiều năm qua, môn Lịch Sử trở thành một môn học và môn thi luôn gây sự chú ý nhất trong các môn học phổ thông của dư luận xã hội và báo chí. Thực trạng dạy học môn Sử, thi môn Sử trong trường phổ thông đã gây ra sự bức xúc và nỗi lo âu của xã hội.
Điều đó không chỉ được phản ánh qua điểm số các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, thậm chí thi chọn học sinh giỏi các cấp hàng năm mà còn qua kết quả điều tra xã hội học, qua các sân chơi truyền hình và qua dư luận xã hội. Vậy, học sinh có dốt Sử không ?
Những yếu kém về kiến thức và nhận thức lịch sử của học sinh thật sự chỉ được “phát lộ” từ kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007, năm học bắt đầu triển khai và thực hiện “hai không” của Bộ GD&ĐT.
Ảnh minh họa |
Rất nhiều “bài thi Lịch sử cười ra nước mắt”của học sinh cùng với hàng ngàn điểm 0 tròn trĩnh trong các kỳ thi quốc gia đã gióng lên hồi chuông “báo động đỏ” về thực trạng môn Sử, dạy Sử và học Sử. Tỉ lệ tốt nghiệp gần 100% trong nhiều năm gần đây của nhiều trường, nhiều địa phương nhưng lại có nhiều điểm 0 môn Sử trong kỳ thi vào đại học, cao đẳng làm chúng ta phải hoài nghi về sự trung thực của thi cử và việc dạy – học môn Sử ?
Không những trong thi cử, rất nhiều sân chơi truyền hình và những cuộc thi trắc nghiệm khác, thế hệ trẻ đã thể hiện sự mơ hồ khi bắt gặp các câu hỏi liên quan đến tri thức lịch sử, những địa danh, di tích , danh nhân, anh hùng lịch sử.
Trong phạm vi hẹp hơn, ngay cả những nhân vật lịch sử được đặt tên cho những khu phố mình ở, con đường mà ngày nào cũng đi qua, mái trường mình học được mang tên… Thật bi hài đến khó tin khi học sinh đang sống và học tập tại Hà Nội mà vẫn không biết tên Thủ đô của Việt Nam là gì ?
Nếu các nhà quản lý giáo dục hay các cơ quan báo chí truyền thông tiến hành những cuộc điều tra xã hội học 1 cách trung thực về những kiến thức lịch sử cơ bản cho thế hệ trẻ nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng, điều chắc chắn sẽ có nhiều cảm xúc bất ngờ nhưng không … ngạc nhiên!
Tại sao lại dốt ?
Theo tôi, chúng ta không nên trách học sinh bây giờ dốt Sử bởi suy cho cùng, học sinh cũng chỉ là hệ lụy, là những nạn nhân của nhiều căn nguyên dẫn đến tình trạng đó.
Thứ nhất, chương trình và nội dung sách giáo khoa môn Sử từ THCS đến THPT hiện hành rõ ràng đang tồn tại nhiều sự bất cập. Người ta đang áp đặt và “nhồi nhét” những kiến thức lịch sử mang tính “hàn lâm” của người lớn bắt học sinh phải học, phải thi.
Cấu trúc sách giáo khoa phổ thông hiện hành theo chương trình “đồng tâm kết hợp với đường thẳng” từ tiểu học đến THPT nên kiến thức lịch sử lại lặp đi lặp lại, người dạy lẫn người học dễ nhàm chán. Kiến thức thì dàn trải, nặng nề, với nhiều sự kiện, số liệu, ngày tháng năm khiến học sinh phải nhớ quá nhiều mà ít có tính tổng hợp, khái quát.
Tri thức trong sách giáo khoa Sử hiện hành thường mang tính ý niệm, biểu tượng mà hình như đang thiếu bóng dáng lịch sử con người. Mới học sinh cấp 2 mà các em đã phải đối mặt với nhiều thuật ngữ trừu tượng như hội nghị, chủ trương, nghị quyết, đường lối, chiến lược, sách lược… Thật sự học sinh rất ngại phải thuộc lòng những mớ kiến thức kiểu như thế, rất khó học thuộc, lâu hiểu mà lại nhanh quên.
Mặt khác, vì nhiều lý do tế nhị mà người ta cho là “nhạy cảm” nên nhiều kiến thức, sự kiện trong sách giáo khoa còn trình bày theo kiểu lúc nào cũng “ta thắng, địch thua” nên mất đi tính khoa học và trung thực của khoa học lịch sử. Trong lúc đó, internet đã giúp học sinh cập nhật và làm cho các em hoài nghi hoặc băn khoăn trước nhiều kiến thức trong sách giáo khoa đã trở nên lỗi thời, không phù hợp.
Thứ hai, là về phương pháp dạy học Lịch Sử còn lạc hậu và chưa bắt kịp với sự phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa. Môn học nào cũng có những kiến thức đặc thù khác nhau và song hành với nó là phương pháp giảng dạy cũng không giống nhau.
Sẽ là vô cùng sai lầm khi quan niệm môn Sử là môn học thuộc lòng mà không cần tư duy, sáng tạo. Hầu hết nhiều giáo viên Sử còn “thủy chung” một cách máy móc phương pháp truyền thống “đọc-chép”. Sự đầu tư giảng dạy với các phương tiện hỗ trợ trong công nghệ thông tin, đồ dùng trực quan còn quá hạn chế.
Thứ ba, cách kiểm tra ,đánh giá và thi cử, đặc biệt là khâu ra đề thi – đáp án môn Sử trong nhiều năm qua đã làm cho tâm lý học sinh sợ học Sử , ngại thi Sử…
Thứ tư, xu hướng học và thi thực dụng của học sinh với kiểu “ứng thi” đã quyết định thái độ học tập trong môn Sử. Có thi thì học, không thi thì học đối phó, thậm chí không học.
Xu hướng gần như chủ đạo và chiếm ưu thế của học sinh hiện nay khi đăng ký thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng là chủ yếu thi các khối A, A1, B và khối D, quay lưng dần với các môn khoa học xã hội Văn Sử Địa. Thảm cảnh số lượng 11% học sinh đăng ký thi môn Sử là môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp 2014, các nhà quản lý giáo dục sao nỡ vô tình, vô cảm, vô trách nhiệm?
Cuối cùng, tôi muốn khẳng định lại rằng, thái độ học tập môn Sử và sự yếu kém về kiến thức, nhận thức lịch sử của học sinh thật đáng buồn nhưng hoàn toàn không thuộc trách nhiệm của học sinh mà là trách nhiệm của nền giáo dục và chính là biểu hiện của việc dạy và học môn Sử chưa có hiệu quả.
Những nguyên nhân cơ bản đó đã làm cho môn Sử xa lạ, xơ cứng và nhàm chán.
Cần làm gì để học sinh không dốt Sử và yêu Sử?
Từ thực trạng dạy học môn Sử, muốn học sinh không dốt Sử, chán Sử dần chuyển sang đam mê môn Sử và giỏi Sử, theo tôi cần có một số giải pháp cơ bản sau.
Thứ nhất, đổi mới chương trình và nội dung sách giáo khoa hiện hành đã thể hiện nhiều bất cập, bảo thủ và lỗi thời.
Thứ hai, đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá, đổi mới cách ra đề thi. Đây là khâu đột phá trong quy trình đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học Lich Sử, bởi suy cho cùng, học rồi cũng để phục vụ thi. Trong nhiều năm trở lại đây, môn Sử là môn thi gây nhiều tranh cãi liên quan đến đề thi và đáp án dẫn đến tâm lý hoài nghi và lo sợ của học sinh khi phải thi môn này.
Việc ra đề thi cần phong phú, đa dạng, phù hợp với tâm lý người học, khả năng sáng tạo và vận dụng kiến thức, phát huy tính tự học của học sinh. Tôi thiết nghĩ, nếu như cải tiến cách ra đề thi theo hướng mở như đề thi Tốt nghiệp THPT 2014 vừa qua cho các kỳ thi tốt nghiệp, đại học, cao đẳng những năm tiếp theo thì chắc chắn sẽ giúp cho các em có hứng thú và niềm tin học và thi môn Sử hơn.
Thứ ba, khơi dậy sự hứng thú học tập môn Sử của học sinh. Muốn học sinh khơi dậy khả năng khám phá môn Sử một cách có hiệu quả thì không ai khác chính là hình ảnh và vai trò của người thầy trong quá trình giảng dạy bằng kiến thức, tâm huyết và tài năng sư phạm.
Dĩ nhiên, dạy và học Lịch Sử không chỉ giới hạn trong sách giáo khoa và bốn bức tường của lớp học mà cần được mở rộng với những hình thức học tập chính khóa với ngoại khóa, tham quan bảo tàng, nhà lưu niệm, các di tích lịch sử văn hóa tùy theo khả năng tổ chức và kinh phí, nhất là sự hỗ trợ của giáo cụ trực quan, của công nghệ tin học.
Hơn nữa, giáo dục lịch sử trong trường phổ thông còn cần sự kết hợp với cả môi trường giáo dục của gia đình, xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều cuối cùng nhưng lại vô cùng quan trọng, quyết định đến chất lượng dạy học môn Sử là cần phải có cách nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò và vị trí của môn Sử một cách bình đẳng trong các môn học phổ thông.
Hơn 1 tháng qua, vấn đề chủ quyền biển đảo bị xâm phạm một cách nghiêm trọng làm biển Đông dậy sóng. Thế hệ trẻ đã hướng về biển Đông với tất cả tấm lòng yêu nước thật xúc động và đáng để cho chúng ta suy nghĩ. Với đặc thù và lợi thế môn Sử, thầy cô có thể chuyển tải đến học sinh những thông điệp lịch sử thông qua bài học thời sự để khơi dậy cho học sinh lòng đam mê, ý thức được truyền thống yêu nước và thái độ, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với Tổ quốc.
Nói tóm lại, vấn đề quan trọng đầu tiên để giáo viên dạy Sử thể hiện tốt thiên chức của mình đối với học sinh của mình là cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu môn Sử như thế nào trong trường phổ thông, nói một cách đơn giản là học Sử để làm gì và từ đó cần học những gì, sau đó mới học như thế nào?
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.