Chương trình phổ thông mới mang theo hy vọng thay đổi toàn diện cách dạy và học nặng về kiến thức, lý thuyết như hiện nay. Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế chương trình mới chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức.
Một trong những lo lắng mà các nhà nghiên cứu chỉ ra chính là thách thức từ đội ngũ giáo viên.
Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội (ảnh nguồn giaoduc.net). |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho rằng: “Đội ngũ giáo viên của chúng ta đào tạo từ hơn 20 năm trước đang là nòng cốt trong các nhà trường.
Kể cả các thầy cô giáo được đào tạo trong vòng từ 5 đến 7 năm nay vẫn là sản phẩm của cách dạy học cũ, của quan điểm dạy học cung cấp kiến thức.
Chính vì vậy, các thầy cô giáo phải được đào tạo lại. Tuy nhiên, đến bao giờ nhà nước mới đào tạo lại được đội ngũ hàng triệu người”.
Theo thầy Hòa, giải pháp hiện nay là các thầy cô giáo phải tự làm mới mình, tự học để tự nâng cao năng lực.
Giải thích về ý kiến của mình, thầy Hòa cho rằng: “Bây giờ điều kiện học trên mạng, tự học tốt hơn ngày xưa rất nhiều. Tôi nghĩ các thầy cô giáo có thể tự học được”.
Thầy Hòa cũng chia sẻ thêm, việc đến các lớp tập huấn trăm người, nghìn người là cần thiết nhưng quan trọng nhất tự các thầy cô giáo phải ý thức được làm mới mình.
Nếu các cô thầy trì trệ, không chịu thay đổi thì không thích ứng được và bản thân sẽ bị loại ra ngoài cuộc chơi.
“Chương trình giáo dục mới quan điểm mới, cách dạy học mới nhưng con người cũ vẫn bảo thủ theo cách dạy học cũ, phương pháp cũ dẫn tới lệch pha và đổ vỡ” – thầy Hòa nhấn mạnh.
Thầy Hòa còn cho biết thêm: “Hiện nay các nhà quản lý lo lắng phải tập huấn làm sao nhưng tập huấn hàng triệu người thì rất khó thành công.
Phải phát động làm sao để cho giáo viên tự học, tự nâng cao, tự làm mới bản thân mình”.
Cũng theo thầy Hòa, thay vì trông đợi vào Sở, Bộ thì các trường phổ thông và cơ sở giáo dục nên chủ động đào tạo, tập huấn lại giáo viên. Trong việc này, vai trò của hiệu trưởng là cực kỳ quan trọng.
“Tôi nghĩ, đào tạo lại hàng triệu giáo viên là một thách thức lớn đối với Bộ Giáo dục nhưng đào tạo hiệu trưởng đủ sức cáng đáng công việc thì Bộ, Sở có thể làm tốt” – thầy Hòa cho biết và tỏ ra lo lắng: “Cảm giác thầy cô và các nhà trường đang chờ đợi khi nào chương trình công bố thì mới khởi động.
Giáo viên mà đợi đến lúc đó cũng đợi đến lúc đó thì muộn mất rồi”.
Thầy Nguyễn Văn Hòa chia sẻ rằng, ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khởi động thay đổi phù hợp với chương trình mới từ 4 đến 5 năm, đi trước đón đầu được gì thì triển khai luôn.
Vị này lấy ví dụ, chương trình trải nghiệm đang làm mấy năm nay rồi và bây giờ nhà trường đã xây dựng được một cơ sở tổ chức trải nghiệm sáng tạo.
Lúc đầu, giá trị của trung tâm rất nhỏ, đơn thuần chỉ làm vườn trường nhưng giờ đã trở thành trung tâm trải nghiệm sáng tạo trị giá hàng chục, hàng trăm tỉ đồng.
Do đó, thầy Hòa cho rằng, để triển khai được chương trình mới cần phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ. Nếu đợi đến khi Bộ triển khai mới bắt đầu thì không bao giờ đạt được kết quả tốt.
Cuối cùng vị này nhấn mạnh: “Muốn chương trình mới phát huy được ưu điểm thì điều quan trọng thầy cô giáo của chúng ta phải thay đổi.
Các thầy giáo phải tự làm mới mình còn không thì khó đáp ứng được yêu cầu chương trình đặt ra và sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Đến lúc đó thì không trách Bộ cũng như Sở được”.