Chương trình mới sẽ giải quyết sĩ số "đông như quân Nguyên" bằng cách nào?

17/01/2019 06:05
Thùy Linh
(GDVN) - Nhiều địa phương chia sẻ rất khó khăn để giải quyết vấn đề thiếu phòng học khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo lộ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, năm học 2020- 2021 triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đại trà ở khối lớp 1, các khối lớp còn lại sẽ triển khai lần lượt trong các năm tiếp theo.

Tuy vậy, với chương trình hiện hành, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tối thiểu ở nhiều nơi đã không đáp ứng được yêu cầu. 

Nhiều trường ở Hà Nội sĩ số lớp học lên đến 50, 60 em

Bởi lẽ, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo dựa vào báo cáo của các địa phương về thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị dạy học năm 2018, cả nước có 567.012 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 424.757 phòng, tỉ lệ kiên cố 74,9%. 

Trong đó: mầm non 64,9%; tiểu học 72,2%; Trung học cơ sở 83,4%; Trung học phổ thông 93,9%. 

Tỉ lệ trung bình phòng học/lớp ở bậc mầm non là 0,96, tiểu học 0,89, Trung học cơ sở 0,84, Trung học phổ thông 0,85. 

Tỉ lệ trung bình phòng học kiên cố/lớp bậc mầm non 0,63; tiểu học 0,63; Trung học cơ sở 0,71; trung học phổ thông 0,81.

Đối với phòng học bộ môn, cấp Trung học cơ sở có 47.383 phòng/10.582 trường, tỉ lệ 4,5 phòng/trường (trong đó số phòng đáp ứng quy định là 33,135 phòng, đạt tỉ lệ 69,9%); cấp trung học phổ thông có 13.019 phòng/2.463 trường, tỉ lệ 5,3 phòng/trường, trong đó số phòng đáp ứng quy định là 9.968 phòng, đạt tỉ lệ 76,6%.

Nhiều địa phương chia sẻ rất khó khăn để giải quyết vấn đề thiếu phòng học khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh minh họa: Vũ Phương)
Nhiều địa phương chia sẻ rất khó khăn để giải quyết vấn đề thiếu phòng học khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh minh họa: Vũ Phương)

Trong khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các cấp học cần có thêm phòng học bộ môn, phòng học chức năng và thiết bị dạy học phù hợp, chưa kể số học sinh trong một lớp phải hạn chế. 

Do đó, nhiều địa phương cho biết rất khó khăn để giải quyết vấn đề thiếu phòng học khi triển khai chương trình mới bởi lẽ địa phương sẽ cần nguồn vốn khá lớn để đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo yêu cầu.

Cụ thể, ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ cho biết: “Tỉnh Phú Thọ thì tổng nhu cầu kinh phí cần để đầu tư cho cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để triển khai trong giai đoạn 2018-2024 là hơn 8 nghìn tỷ đồng. 

Trong đó chúng tôi ưu tiên đầu tư cho cấp tiểu học trước và lớp 1 năm học 2020-2021 thì chúng tôi cần phải bổ sung xây dựng 436 phòng học, 228 phòng máy tính và hơn 5.500 máy vi tính. Đối với Phú Thọ thì số kinh phí như thế rất là lớn so với thu ngân sách của tỉnh, điều này rất là khó khăn”.

Chương trình mới sẽ giải quyết sĩ số "đông như quân Nguyên" bằng cách nào? ảnh 2Sẽ có chuẩn diện tích, không gian học tập cho mỗi học sinh

Trong khi, với các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn hiện nay là thiếu phòng học nên sỹ số học sinh trong một lớp luôn vượt quá tiêu chuẩn quy định. Hệ thống các trường công lập hiện đang quá tải bởi quỹ đất có hạn trong khi số học sinh tăng theo từng năm. 

Cụ thể, ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị:

“Chúng tôi mong muốn có các quy định về tiêu chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất các phòng học bộ môn để làm sao Hà Nội có chuẩn bị tốt hơn. Đầu tư của thành phố, của quận huyện đầu tư công thì có thời gian nhất định để triển khai.

Nếu chúng ta sớm ban hành quy định tối thiểu để chủ động rà soát, chuẩn bị các điều kiện tốt hơn cho nội dung đó. Một số địa phương vẫn còn đông học sinh trên một lớp thì rất mong muốn nhận được sự chia sẻ của Bộ về những biện pháp, giải pháp để định hướng làm sao công tác chuẩn bị được tốt hơn”.

Từ thực tế của các địa phương, ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ sẽ sớm ban hành danh mục tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để các địa phương rà soát, bổ sung phù hợp.

Ông Phạm Hùng Anh cho biết thêm, quan điểm trong thực hiện chương trình mới của Bộ là tận dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có chứ không phải thay mới toàn bộ.

Với những vấn đề vượt khỏi phạm vi quản lý của ngành, Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ để có hướng giải quyết để các địa phương có đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thùy Linh