LTS: Trước những nguyên nhân và hệ lụy của việc xem nhẹ hoạt động giáo dục thể chất ở nhà trường, tác giả Sông Trà đã có bài viết chia sẻ quan điểm về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nói về môn thể dục trong trường học, nhiều cô cậu học sinh, sinh viên sinh từng chia sẻ:
“Từ lúc học phổ thông nhiều bạn chỉ tập qua loa môn Thể dục rồi ngồi nói chuyện cho hết tiết.
Giờ Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ nhiều bạn thường lấy bài tập môn khác ra làm.
Khi vào đại học, nhiều sinh viên “choáng" trước áp lực của môn Giáo dục thể chất.
Không ít bạn ra trường không đúng hạn vì không qua môn này, chưa kể số tiền đóng học lại không nhỏ”.
Hệ lụy từ việc xem nhẹ giáo dục thể chất ở nhà trường (Ảnh minh họa: báo giáo dục thời đại). |
Trả lời báo chí, tiến sĩ Nguyễn Thị Hảo, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh phân tích:
“Giáo dục trong nhà trường giúp các em phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ.
Trong đó, vai trò của trí dục và thể dục như nhau, không nên xem nhẹ môn nào.
Thầy cô vì muốn học sinh được xếp loại cao mà "vớt" cho các em là biểu hiện của căn bệnh thành tích.
Thể dục thể thao đúng cách giúp ích rất nhiều cho việc học văn hóa trên lớp.
Nhưng lâu nay, cả thầy và trò đều làm ngược lại, ưu tiên các môn văn hóa.
Mặt khác, điều kiện cơ sở vật chất để thầy và trò học tập còn rất khiêm tốn, nếu không muốn nói lạc hậu.
Không ít trường đã quên sự tồn tại của Hoạt động ngoài giờ lên lớp |
Không được coi trọng dẫn đến không được đầu tư, không đáp ứng được nhu cầu của học sinh.
Các em muốn học nhiều môn thể thao tự chọn, phù hợp thể trạng của mình nhưng điều kiện sân bãi nghèo nàn, phương tiện thiếu thốn.
Đáng buồn hơn nữa, ở ta, môn Thể dục đã hiện diện từ lâu trong chương trình các bậc học phổ thông song không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa cho bộ sách, tài liệu về môn học dành cho học sinh.
Thầy Nguyễn Văn Luận, Tổ trưởng môn Thể dục - Quốc phòng, Trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Thành phố Quảng Ngãi) băn khoăn:
“Thể dục là môn học có tính đặc thù, trong dạy học, lâu nay học sinh tiếp thu được bài học, làm được các thao tác, kỹ thuật môn Thể dục nào đó đều nhờ cậy, phụ thuộc tất cả vào những yếu tố trực quan, hình ảnh, động tác, kỹ thuật, cách chỉ dẫn, truyền đạt của người thầy.
Trong khi đó, chương trình hiện tại có nhiều nội dung học mới, khó hơn, thời lượng dành tập luyện nhiều hơn.
Khả năng nhận thức, trí nhớ, quan sát của mỗi em khác nhau nên chỉ được nghe và xem qua các động tác, kỹ thuật, cách chỉ dẫn... của thầy, từ một đến vài lần thì nhiều em không thể nhớ và thực hành tốt các nội dung bài học.
Do đó, việc có sách giáo khoa, tài liệu học tập môn Thể dục dành cho học sinh các lớp, cấp phổ thông là hết sức cần thiết, giảm bớt khó khăn cho người học lẫn người dạy, góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn thể dục.
Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải tính đến việc phải biên soạn sách giáo khoa cho học sinh phổ thông”.
Được biết, nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và thế giới, họ rất chú trọng đầu tư cho môn thể dục-thể chất ở mọi cấp học từ tiểu học đến đại học.
Thời lượng tiết học của môn thể dục lên đến 4-5 tiết/ tuần, với các hình thức, phương tiện, sách vở, tài liệu... rất đầy đủ cho người học và người dạy, những học sinh giỏi thể thao được tuyển thẳng vào đại học, miễn giảm học phí…
Điều này lý giải tại sao thể dục, thể thao và thể chất con người ở họ lại phát triển, lại tốt đến vậy.
Còn ở ta thì sao? Thể chất của người Việt vốn “thấp bé, nhẹ cân”, nhiều thanh thiếu niên lại coi việc rèn luyện thể dục, thể thao như “cưỡi ngựa xem hoa”, thậm chí bị cho là “cực hình”.
Viện dinh dưỡng quốc gia từng có đánh giá, người Việt Nam thấp nhất khu vực châu Á.
Theo các chuyên gia, ngoài yếu tố khẩu phần ăn thiếu hụt dinh dưỡng, một nguyên nhân cơ bản là do lười vận động.
Việt Nam được xếp vào nhóm lười vận động nhất thế giới với chỉ hơn 15% người tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày.