Không ít trường đã quên sự tồn tại của Hoạt động ngoài giờ lên lớp

21/05/2017 07:45
Phan Tuyết
(GDVN) - Dù thầy cô luôn nhìn thấy rõ sự mệt mỏi, chán chường nơi các em nhưng “không dạy như thế biết dạy cái gì cho hết giờ?”

LTS: Băn khoăn nhiều đến việc triển khai Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong chương trình mới, cô giáo Phan Tuyết chỉ ra những khó khăn của các thầy cô giáo khi dạy hoạt động này.

Thực tế, việc triển khai các hoạt động ngoài giờ lên lớp ở nhiều trường học cũng chỉ mang tính hình thức.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong chương trình mới sắp tới chính là môn học với tên gọi là hoạt động ngoài giờ lên lớp hoặc hoạt động ngoài giờ chính khóa mà các trường học đã đang và áp dụng giảng dạy vài năm trở lại đây.

Từ thông tin trên, chúng tôi lại thấy rất lo bởi môn học với tên gọi là hoạt động ngoài giờ lên lớp được triển khai giảng dạy ở các trường trong vài năm gần đây chỉ mang tính hình thức là chính. 

Giáo viên thiếu kiến thức nên dạy sơ sài. Không ít trường còn “quên” luôn sự tồn tại của môn học Hoạt động ngoài giờ lên lớp. Hoặc sử dụng nó như một tiết học bổ sung để rèn thêm Toán, Tiếng Việt cho học sinh cả lớp.

Sinh hoạt tập thể và ôn tập

Mỗi tuần có 1 tiết sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, một tháng có 4 tiết được phân chia cụ thể như sau. Hai tiết đầu tháng dùng để cho học sinh vui chơi một số trò chơi trên sân trường. Giáo viên chủ nhiệm là người điều khiển. 

Do thiếu kinh nghiệm tổ chức các hoạt động vui chơi nên phần đông các thầy cô không mặn mà với hoạt động này lắm. 

Nhiều khó khăn trong việc dạy Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường. (Ảnh minh họa: hanoistar.edu.vn)
Nhiều khó khăn trong việc dạy Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường. (Ảnh minh họa: hanoistar.edu.vn)

Một số trò chơi quen thuộc như “chim bay cò bay”, “đi chợ”, “bịt mắt bắt dê”… cứ được đem ra tổ chức cho các em chơi hết lần này đến lần khác. Học sinh cũng thấy ngán, uể oải vì chẳng có thêm trò chơi gì mới mẻ hơn. 

Ngoài hai tiết dành sinh hoạt tập thể, hai tiết còn lại để giáo viên chủ nhiệm dạy kèm Toán, Tiếng Việt cho học sinh. 

Thế là một tuần học sinh đã phải vùi đầu vào hàng chục tiết Toán, Tiếng Việt đến quay cuồng nay lại phải tăng cường thêm hai tiết ôn tập Toán, Tiếng Việt mới. 

Dù thầy cô luôn nhìn thấy rõ sự mệt mỏi, chán chường nơi các em nhưng “không dạy như thế biết dạy cái gì cho hết giờ?

Tổ chức câu lạc bộ

Ở một số trường, Ban giám hiệu có cách làm sáng tạo hơn đó là mở các câu lạc bộ năng khiếu. Giáo viên dạy Thể dục, Mĩ thuật, Âm nhạc phụ trách các lớp năng khiếu như cầu lông, cờ tướng, bóng rổ, vẽ, hát…

Giáo viên chủ nhiệm cho học sinh các khối lớp đăng kí học theo sở trường và ý thích của từng em. Cứ đến tiết học, học sinh các lớp tìm về lớp năng khiếu mình đã đăng kí để học. 

Không ít trường đã quên sự tồn tại của Hoạt động ngoài giờ lên lớp ảnh 2

Chương trình tổng thể không cần giáo viên chuyên dạy trải nghiệm sáng tạo

Hình thức học này đã mang lại cho các em nhiều hứng thú.

Tuy nhiên số lượng học sinh được theo học quá hạn chế bởi thiếu phòng, thiếu giáo viên giảng dạy… dù cố gắng một lớp cũng chỉ được dăm em.

Số còn lại vẫn phải ngồi tại lớp lại ôn Toán và Tiếng Việt.

Một tháng dành hai tiết cho các em tham gia câu lạc bộ.

Hai tiết còn lại nhà trường tổ chức các cuộc giao lưu theo chủ điểm như chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam, chào mừng ngày Quân đội nhân dân, Ngày sinh Bác Hồ, Mừng Đảng Mừng xuân…

Ưu điểm của hình thức sinh hoạt này là 100% học sinh được tham gia.

Ai sẽ dạy Hoạt động trải nghiệm sáng tạo?

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa, “giáo sinh được đào tạo tại các trường sư phạm bao giờ cũng được dạy để đảm nhiệm 2 chức năng: dạy học và giáo dục. 

Cho nên các giáo viên ngoài việc dạy học các môn học cũng phải làm được công việc hướng dẫn các hoạt động giáo dục cho học sinh nữa. 

Vì vậy, hiện tại ở các trường, các giáo viên cũng đã đảm nhiệm các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh theo phân công”.

Về lý thuyết là thế nhưng giữa lý thuyết và thực tế lại hoàn toàn khác nhau.

Nếu có điều kiện chúng ta cứ quan sát một giáo viên tổng phụ trách đội và một giáo viên chủ nhiệm lớp tổ chức cho học sinh hoạt động vui chơi tập thể trên sân trường nó có sự khác nhau một trời một vực. 

Dạy hoạt động ngoài giờ lên lớp theo chương trình hiện hành nhiều giáo viên đang gặp khó khăn như tổ chức các hoạt động tập thể, tổ chức các câu lạc bộ năng khiếu… nói gì đến môn học Hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo chương trình mới.

Bởi, như thế chắc chắn sẽ có thêm nhiều hoạt động giảng dạy đặc thù "như hoạt động câu lạc bộ theo sở thích, sở trường của học sinh.

Bên cạnh những câu lạc bộ có tính đặc thù của hoạt động trải nghiệm sáng tạo như câu lạc bộ kỹ năng sống, câu lạc bộ phục vụ cộng đồng… học sinh có thể tham gia vào các câu lạc bộ có tính chuyên môn khác như câu lạc bộ khoa học, văn học hay nghệ thuật, thể thao… trong nhà trường hoặc ngoài nhà trường". 

Với những yêu cầu nội dung như thế chỉ dựa vào đội ngũ giáo viên cũ đi tập huấn dăm bảy ngày mà không có giáo viên được đào tạo chuyên biệt e rằng chúng ta sẽ thất bại.

Bởi để dạy “được” thì quá dễ nhưng dạy ‘tốt” lại chẳng đơn giản chút nào.

Phan Tuyết