LTS: Trong bài viết này, nhà giáo Mai Hoa phân tích những khó khăn trong việc giải quyết áp lực về hồ sơ sổ sách cho giáo viên.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nói về áp lực giáo viên đang phải gánh chịu hiện nay thì khá nhiều như từ phụ huynh, từ người quản lý, từ học sinh, từ chế độ chính sách, từ truyền thông…
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã khẳng định: “Có nhiều việc phải cần thời gian mới giải quyết được nhưng trước mắt, có những việc ngành giáo dục có thể làm ngay.
Áp lực đến từ thủ tục hành chính, sổ sách quá nhiều. Bộ đã rà soát và cắt giảm rồi nhưng tới đây sẽ tiếp tục cắt giảm nữa, cắt giảm tối đa để giáo viên chuyên tâm cho hoạt động chuyên môn".
Có thể nói, “bội thực” về hồ sơ sổ sách giáo viên là một trong những áp lực lớn và dai dẳng nhất nhưng vẫn chưa có cách nào giảm tải được, nguyên nhân không đến từ Bộ Giáo dục mà chính từ các ngành giáo dục địa phương.
Làm thế nào để giảm áp lực cho giáo viên? Ảnh minh hoạ: TTXVN |
Bộ cắt giảm nhưng địa phương vẫn thực hiện
Phải ghi nhận một điều, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất chú ý đến việc giảm áp lực về hồ sơ sổ sách cho giáo viên.
Dù đã có quy định từ Bộ về một số loại sổ sách giáo viên cần phải có.
Thế nhưng có những áp lực do chính ngành giáo dục ở một số địa phương cứ tự ý “đẻ” thêm mà có người gọi đó là “lệ” buộc giáo viên phải thực hiện theo kiểu “phép vua thua lệ làng”.
Đơn cử, trong chương trình VNEN đã có quy định rõ ràng, giáo viên không phải soạn giáo án.
Do sách VNEN đã được trình bày như một thiết kế với đầy đủ các hoạt động giáo dục, các hình thức tổ chức lên lớp.
Thế nhưng về các trường, chuyên môn lại có quy định riêng, giáo viên không phải soạn giáo án nhưng phải soạn thêm các câu hỏi nâng cao, các bài tập nâng mức ở các môn học có giáo trình VNEN.
Thậm chí có trường còn bắt thầy cô có riêng một cuốn vở chỉ ghi tên bài dạy hôm ấy, sử dụng đồ dùng dạy học gì, hình thức ra sao… dù tất cả điều này đã có trong sách VNEN, có trong sổ báo giảng.
Nhiều giáo viên bức xúc lên tiếng “thế thì khác chi soạn giáo án. Người ta đã miễn soạn còn đẻ ra những việc nhiêu khê hơn”.
Những môn học khác đang học theo sách giáo khoa hiện hành, giáo viên vẫn phải soạn giáo án như bình thường.
Có nghĩa là giáo viên dạy chương trình VNEN lại có thêm một bộ giáo án nữa (giáo án hiện hành và VNEN).
Hay như việc soạn giáo án, có địa phương áp dụng nếu giáo viên dạy một khối lớp nhiều năm sẽ không phải soạn lại (được phép dùng giáo án cũ) trừ những tiết dạy có thay đổi thì ghi nội dung thay đổi vào phần bổ sung.
Có địa phương thì buộc giáo viên năm nào cũng phải soạn giáo án năm ấy dù chỉ là sao chép lại y chang.
Việc làm này hoàn toàn hình thức và không giúp gì cho đảm bảo chất lượng giáo dục.
Trong công văn số 68/BGDĐT-GDTrH chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, theo đó quy định giáo viên chỉ phải làm 4 loại sổ sách như sau:
- Giáo án (có thể kết hợp soạn nhiều môn trong một cuốn);
- Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp;
- Sổ điểm cá nhân (không yêu cầu đối với giáo viên Tiểu học);
- Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).
Thế nhưng nhiều trường học lại “đẻ” thêm một số loại sổ sách như sổ hội họp, sổ kế hoạch phụ đạo học sinh yếu kém và bồi dưỡng học sinh khá giỏi, sổ tích lũy chuyên môn, sổ theo dõi mượn, trả đồ dùng dạy học...
Các trường hiện nay đang thực hiện việc nhập thông tin học sinh, điểm số, nhận xét trên phần mềm Vnedu.
Một số địa phương cho giáo viên làm học bạ ngay trên phần mềm sẽ đỡ được việc ghi lại các thông tin cá nhân, việc nhận xét học sinh… một số nơi khác lại buộc giáo viên phải vừa làm trên phần mềm, vừa làm bảng điểm riêng, làm sổ học bạ bên ngoài.
Thế nên cũng chỉ thông tin ấy nhưng giáo viên phải viết đi viết lại đến hai lần. Có phần mềm đỡ khổ ai dè lại thêm việc nhiều hơn.
Bộ quyết tâm cắt giảm áp lực cho giáo viên
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chọn từ khóa cho năm 2019 là cụm từ: "Giảm áp lực cho giáo viên". Đây chính là thông điệp thể hiện sự quyết tâm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện trong năm này.
Thế nhưng nếu chỉ riêng Bộ Giáo dục nỗ lực, liệu những áp lực đang đè nặng lên vai nhà giáo có giảm bớt?
Chắc chắn là không! Bởi ngoài “luật” còn khá nhiều “lệ”. Muốn xóa bỏ “lệ làng” cần phải có sự chung tay của các nhà quản lý giáo dục mà đặc biệt là từ cấp cơ sở.