Giáo viên lại "tẩu hỏa nhập ma" với sổ sách, hồ sơ

13/04/2018 06:16
Mai Hoa
(GDVN) - Thời gian làm hồ sơ sổ sách chưa xong, các thầy cô giáo lấy thời gian nào dành cho bài giảng?

LTS: Trước những vất vả, mệt mỏi cũng như áp lực của các thầy cô khi phải chuẩn bị hàng chục mẫu báo cáo, hồ sơ sổ sách, giáo án... để hoàn thành vào cuối năm học, tác giả Mai Hoa đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Cuối năm, giáo viên các trường lại chạy marathon với đủ các loại hồ sơ sổ sách giấy tờ, biểu mẫu.

Một công việc ngồn ngộn buộc phải hoàn thành chỉ để kiểm tra báo cáo đã ngốn hết lượng thời gian vốn có của các nhà giáo.

Đầu tư cho việc làm đẹp hồ sơ thì đương nhiên sẽ phải lơ là việc dạy. Câu hỏi của không ít người đặt ra “giáo viên sẽ nghiên cứu bài vở lúc nào để cho những giờ dạy thật sự có chất lượng?”.

Giáo viên vất vả với đủ loại hồ sơ, sổ sách (Ảnh minh họa: mnvanyen.thainguyen.edu.vn).
Giáo viên vất vả với đủ loại hồ sơ, sổ sách (Ảnh minh họa: mnvanyen.thainguyen.edu.vn).

“Tẩu hỏa nhập ma” với hàng chục loại hồ sơ

Ngoài bộ giáo án buộc phải có theo quy định thì hàng chục mẫu báo cáo, hồ sơ phải hoàn thành vào cuối năm đã làm cho giáo viên quay cuồng như chong chóng.

Đó là phiếu đánh giá theo Chuẩn nghề nghiệp, đánh giá theo Nghị định 56/2015/NĐ-CP về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá theo Quyết định 06/2006/QĐ-BNV về việc ban hành Quy chế đánh giá xếp loại giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông công lập.

Rồi các bản thu hoạch học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, bản tự kiểm điểm cá nhân, báo cáo thành tích cá nhân…

Giáo viên phải tất bật ghi tới ghi lui những ưu, khuyết điểm của mình vào tất cả các biểu mẫu ấy…chưa nói đến bảng điểm, bảng nhận xét năng lực phẩm chất học sinh, học bạ ghi theo Thông tư 30 của giáo viên tiểu học.

Mệt mỏi hơn nữa là hồ sơ thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp hữu ích, sách tự học bồi dưỡng thường xuyên.

Có trường còn tìm cách “hành” giáo viên khi chương trình VNEN không yêu cầu giáo viên phải có giáo án thì nhà trường lại đẻ ra “nhật kí dạy học” yêu cầu thầy cô ghi tựa bài, ghi những điều chỉnh dạy học, ghi những bài tập, những câu hỏi nâng cao bên ngoài.

Giáo viên lại "tẩu hỏa nhập ma" với sổ sách, hồ sơ ảnh 2Thầy cô gồng mình với gánh nặng hồ sơ sổ sác

Có trường lại bắt giáo viên phải chép tay cả cuốn sách tự học về bồi dưỡng thường xuyên dày cộm hàng trăm trang giấy.

Với hàng đống các loại hồ sơ, sổ sách, biểu mẫu, bản tổng kết, bản thu hoạch…giáo viên đã vắt kiệt sức mình để hoàn thành nên không tránh khỏi tâm lý đối phó làm cho có, cho xong chuyện.

Thế là, ngoài giờ dạy, giáo viên miệt mài thâu đêm vừa copy cắt dán các biểu mẫu, vừa chép đến mỏi tay nhưng công việc cũng khó hoàn thành.

Có thầy cô đi đến đâu cũng kè kè các loại biểu mẫu bên mình để tranh thủ. Nào là ngồi học chính trị, học Nghị quyết, đi dã ngoại vào ngày lễ…làm ở nhà không xong, thầy cô lại mang lên trường ngồi miệt mài ghi chép.

Có giáo viên tranh thủ giờ nghỉ tiết, ra chơi, có thầy cô còn mang lên cả lớp khi học sinh làm bài ngồi chép vội.

Nghiên cứu bài dạy lúc nào?

Thời gian làm hồ sơ sổ sách chưa xong lấy thời gian nào dành cho bài giảng?

Với tâm lý, dạy qua loa, đại khái không sao (vì chỉ người dạy mới biết được) nhưng hồ sơ không chỉnh chu dễ bị góp ý, bị đưa vào thành phần “bê bối” và sẽ “mất điểm” trong mắt Ban giám hiệu, trong mắt đồng nghiệp. Điều mà chẳng giáo viên nào muốn.

Trong khi thầy cô còn biết bao nhiêu việc cần làm như đọc tài liệu về đổi mới phương pháp dạy học, tìm hiểu về chương trình mới để cập nhật kiến thức…hay gần hơn là việc soạn và xem bài ngày mai lên lớp cho phù hợp với từng đối tượng học sinh thì giáo viên chủ yếu dạy bằng kiến thức sẵn có của mình, vừa dạy vừa điều chỉnh theo tình hình học thực tế của lớp.

Có thể nói việc quy định nhiều hồ sơ sổ sách, việc “đẻ” thêm nhiều loại biểu mẫu, giấy tờ, việc quy định viết các bài thu hoạch, các bản đăng kí…chỉ để báo cáo như hiện nay đã giết chết sự tìm tòi học hỏi, niềm say mê sáng tạo trong dạy học của giáo viên.

Mai Hoa