Thầy thế nào cũng dạy được thì quá nguy hiểm
Đánh giá về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2000, NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định, dù còn nhiều điều chưa bằng lòng, nhưng thực chất đây không phải là một chương trình yếu kém, vì vậy cần phải chú ý đến 4 vấn đề khi thực hiện các yêu cầu của chương trình nhằm đạt đến kết quả mong muốn.
Thứ nhất, làm giáo dục với các điều kiện quá dễ dãi, nói đúng hơn là đã tách việc xây dựng chương trình với việc thực hiện chương trình, đặc biệt khi thực hiện chương trình, ngoài cơ sở vật chất của các trường học không đầy đủ mà quan trọng là đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý không được đào tạo một cách bài bản theo đúng các chuẩn mực phải có và không được chọc lọc đội ngũ để thực hiện chương trình mới.
"Các trường sư phạm đào tạo giáo viên không theo những chuẩn mực chặt chẽ để sinh viên ra trường có thể thực hiện yêu cầu đổi mới của giáo dục phổ thông. Trong khi đó giáo viên tại các trường đang có một bộ phận không nhỏ bảo thủ, không nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới.
Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước về tiền lương, phụ cấp thâm niên tuy có thay đổi nhưng không bù đắp đủ để giáo viên hết mình vì sự nghiệp giáo dục, không thu hút được nhiều người có năng lực vào giáo dục. Nếu đội ngũ nhà giáo không thay đổi theo yêu cầu đổi mới thì chúng ta không thể có đổi mới giáo dục", TS Lâm chia sẻ.
Vấn đề thứ hai cần rút kinh nghiệm là công tác chỉ đạo thực hiện chương trình mới chỉ làm tốt phần chỉ đạo hành chính, chú ý Chỉ thị, Nghị quyết theo ý chỉ nguyện vọng cấp trên dội xuống, còn cơ sở thực hiện được hay không, thực hiện được bao nhiêu phần của các yêu cầu đổi mới thì vẫn chưa làm rõ được.
TS Lâm nói thẳng: "Ngành giáo dục chưa chú ý nắm thông tin từ cơ sở, chưa đánh giá đúng kết quả đạt được ở học sinh qua từng thời kỳ, qua từng năm. Chúng ta không băn khoăn gì thông tin từ cơ sở hay sao? Và sau 5 năm mới đánh giá một cách xuê xoa, chỉ biết kê ca mà không rút ra nút thắt nào cần tháo gỡ, thế rồi hòa cả làng".
Vấn đề thứ ba, công tác kiểm tra đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh bị buông lỏng, không chỉ đạo khoa học ngay từ đầu nên để xảy ra nhiều biểu hiện tiêu cực trong giáo dục tự do phát triển, bệnh thành tích đã lôi kéo ngành giáo dục ra xa khỏi mục tiêu chất lượng.
"Hiện nay, người ta không tin giáo dục là do chúng ta làm chưa đúng khoa học giáo dục. Một bộ phận rất đông học trò của chúng ta không chịu học hành gì cả vì biết rằng cứ đến giờ là sẽ lên lớp, lên cấp.
Chính công tác kiểm tra, đánh giá lỏng lẻo đã làm hỏng giáo dục.
Ra Nghị quyết bỏ thi tốt nghiệp trung học cơ sở, thế là bỏ thôi, chứ chẳng có đánh giá tác động gì cả. Tôi rất muốn nhấn mạnh rằng, phải coi đây là bài học hết sức đau sót để tìm ra các biện pháp kiểm tra đánh giá thật nghiêm túc trong toàn bộ quá trình học, như vậy thì tới lớp 12 sẽ rất nhẹ nhàng, thậm chí có thể bỏ thi, chứ không phải băn khoăn nặng nề như bây giờ. Cả 12 năm chúng ta làm không nghiêm túc thì tới giờ G bấm nút làm sao mà đòi hỏi chất lượng tốt được. Đó đâu phải là tinh thần của giáo dục?", TS Lâm bày tỏ.
Vấn đề thứ tư, chưa coi trọng vị trí chủ thể đổi mới chương trình giáo dục, đó là người học – người dạy và người quản lý ở mỗi trường học. Thực tế hiện nay là ngành giáo dục mới chỉ chú ý đến số học sinh giỏi thi quốc gia, quốc tế, còn học sinh yếu kém chiếm số đông thì lại thả nổi. Những tiêu cực ở người học không được tập trung giải quyết, dẫn tới “bệnh dịch” học sinh thờ ơ với việc học, không có thói quen học, không sáng tạo…
TS Lâm nêu quan điểm: “Hiện nay thầy thế nào cũng dạy được, cái đó rất nguy hiểm. Trong câu chuyện này thì vai trò của hiệu trưởng các trường là vô cùng quan trọng, cho nên tôi đề nghị không đề bạt hiệu trưởng theo kiểu quan chức của bộ máy hành chính. Hiệu trưởng phải là một nhà sư phạm, vì sản phẩm của anh ta chính là nhân cách của học trò và nhân cách của ông thầy. Nhiều năm nay chúng ta đã không làm đúng để chọn lựa được các nhà sư phạm giỏi, bây giờ dứt khoát phải thay đổi”.
Quốc hội thông qua Nghị quyết phải đặt rõ mục tiêu
TS Nguyễn Tùng Lâm đề nghị, lần đổi mới này, Quốc hội cần phải khẳng định được vấn đề đổi mới giáo dục phổ thông sẽ tạo cho giáo dục Việt Nam phát triển toàn diện, vững chắc, tiến kịp trình độ phát triển giáo dục của các nước tiên tiến trong khu vực. Phải đưa mục tiêu này để làm rõ mức độ chuyển biến của giáo dục phổ thông cần đạt đối với mặt bằng khu vực và đây chính là thước đo cụ thể kết quả chuyển biến khu thực hiện chương trình đổi mới.
Theo TS Lâm, điều kiện tiên quyết để thay đổi được chất lượng của nền giáo dục là phải thật sự chú trọng tới công tác đào tạo sư phạm. Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục phải nhận thức rõ sứ mệnh vẻ vang của mình trong sự nghiệp giáo dục, chủ động sáng tạo nâng cao trình độ, năng lực, thực hiện tốt yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, Nhà nước cũng phải trả lời được câu hỏi: Đời sống của giáo viên đảm bảo chưa?
"Tôi cho rằng, công tác chỉ đạo như thời gian qua là quá dễ dãi. Làm giáo dục theo kiểu chống Mỹ, tức là bằng cách nào cũng phải làm, chứ không làm đúng theo điều kiện của nó. Cho đến bây giờ chúng ta vẫn thấy còn rất nhiều ngôi trường tuềnh toàng, và thiếu một đội ngũ giáo viên giỏi. Nếu chúng ta không có được một đội ngũ giáo viên thật sự giỏi nghề thì đừng bao giờ nghĩ tới chuyện thay đổi được nền giáo dục, sách giáo khoa dù có hay đến mấy cũng vứt đi hết. Tôi cho rằng chỉ khi nào ngành sư phạm thu hút được người tài thì lúc ấy chính sách mới đúng, giáo dục mới thực sự là quốc sách. Thế này lần ra Nghị quyết Quốc hội tới đây, tôi cũng mong sẽ nhấn mạnh vai trò của Thủ tướng Chính phủ và các Chủ tịch tỉnh", TS Lâm bày tỏ.
Có một thực tế là từ khi chúng ta thay đổi chương trình từ năm 2000 trở lại đây thì trường nào cũng kêu về số giáo viên ra trường mà đáp ứng được yêu cầu đổi mới là rất thấp, điều đó cho thấy ở các trường sư phạm vẫn nặng về kiến thức cơ bản, nặng về lý thuyết.
TS Lâm chia sẻ: "Tôi thấy ngay như môn Tâm lý học trong khoa sư phạm cũng bị rút thời gian học đi, vậy thì làm sao có phương pháp giảng dạy tốt được? Điều đáng tiếc là Bộ Giáo dục đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, tôi cũng đi dự, nghe thì rất hay, nhưng không hiểu sao không biến nó thành những điều thật cụ thể, đó là đào tạo ra các lớp sinh viên sư phạm giỏi nghề. Chúng ta cần phải có đầu tư thêm cho các trường sư phạm và buộc các trường sư phạm phải thay đổi, chứ không thể sản phẩm nào cũng đưa ra xã hội như vậy".
Đề cập tới công tác xây dựng chương trình - sách giáo khoa, TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm: "Bộ Giáo dục vẫn chịu trách nhiệm biên soạn, nhưng người tham gia viết phải được tuyển chọn, có thể qua các hiệp hội để giới thiệu với Bộ. Tôi cho rằng, phải có một đội ngũ giáo viên giỏi từ phổ thông tham gia, chứ không chỉ có các giáo sư đầu ngành".