Giáo sư Trần Hồng Quân đề xuất lương giáo viên bằng lương lực lượng vũ trang

11/01/2019 06:07
Thùy Linh
(GDVN) - “Chúng ta đừng viển vông rằng cứ tuyên dương nghề giáo là nghề cao quý là đủ mà cần phải có thái độ của xã hội. Cụ thể là đãi ngộ đúng mức”.

Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 26, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lấy ý kiến nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 1/2019.

Ngày 10/1, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức góp ý với Bộ Giáo dục và Đào tạo một số vấn đề mà Bộ dự kiến tiếp thu và xin ý kiến để chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Tại buổi góp ý, ông Nguyễn Đức Cường - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện Thường trực Ban soạn thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tiếp tục lắng nghe ý kiến của các cơ quan, tổ chức trong đó có Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để chỉnh lý dự thảo Luật với 11 nhóm vấn đề, bao gồm 19 nội dung:

Triết lý giáo dục; Hướng nghiệp và phân luồng; Chính sách cử tuyển; Đầu tư của nhà nước; Học phí; xã hội hóa; Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; Chính sách học bổng; Phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp;

Vấn đề bình đẳng giới; Vấn đề trường chuyên, trường chất lượng cao và trường nội trú; Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa;

Vấn đề liên thông; Thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học; Vấn đề tự chủ của cơ sở giáo dục; Quản lý nhà nước;

Quy hoạch mạng lưới; Kiểm định chất lượng giáo dục và về kỹ thuật lập pháp.

Giáo sư Trần Hồng Quân đề xuất lương giáo viên bằng lương lực lượng vũ trang (Ảnh: Ngọc Quang)
Giáo sư Trần Hồng Quân đề xuất lương giáo viên bằng lương lực lượng vũ trang (Ảnh: Ngọc Quang)

Lãnh đạo Hiệp hội khẳng định, 11 nhóm vấn đề với 19 nội dung mà Bộ tiếp thu và xin ý kiến để chỉnh lý dự thảo luật giáo dục (sửa đổi) đều là những vấn đề đang được xã hội và Hiệp hội quan tâm; đặc biệt là vấn đề lương giáo viên. 

Góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng:

“Tôi đề xuất lương giáo viên được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang chứ không chỉ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. 

Giáo sư Trần Hồng Quân đề xuất lương giáo viên bằng lương lực lượng vũ trang ảnh 2Ưu đãi về lương rất quan trọng để thu hút người giỏi vào sư phạm

Nói rõ hơn về đề xuất của mình, Giáo sư Trần Hồng Quân phân tích, giáo dục có một sứ mệnh đặc biệt quan trọng, giáo dục là quốc sách hàng đầu nên không có lý do gì chúng ta không đặt ra điều này. 

Giáo sư Quân nêu ví dụ, hiện nay Việt Nam có rất nhiều người giỏi ra nước ngoài rồi không về. Một trong những lý do họ đưa ra là khi làm việc trong nước lương thấp và điều kiện làm việc không làm họ phát triển được. 

Do đó, khi có đãi ngộ đúng mức sẽ tạo được động lực, sức hấp dẫn của nghề giáo và lúc đó đương nhiên sẽ sàng lọc, lựa chọn được người thực sự giỏi vào ngành. 

Tuy nhiên, khi có chế độ đãi ngộ như vậy thì tiêu chí đặt ra đối với nhà giáo sẽ cao hơn, buộc giáo viên luôn luôn phải nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất. 

Hơn nữa, theo Giáo sư Trần Hồng Quân, nếu chúng ta có triết lý giáo dục  tốt, định hướng tốt, mục tiêu đào tạo tốt…mà chế độ đãi ngộ không tốt thì làm sao tạo được động lực cho các thầy cô. 

“Chúng ta đừng viển vông rằng cứ tuyên dương nghề giáo là nghề cao quý là đủ mà cần phải có thái độ của xã hội. Cụ thể là đãi ngộ đúng mức”, Giáo sư Quân chỉ rõ. 

Tuy nhiên, thầy Quân cũng nêu ra rằng, khi đặt ra yêu cầu mức lương giáo viên ngang với lực lượng vũ trang thì xã hội sẽ đặt ra vấn đề ngân sách.

“Tại sao chúng ta không tính đến việc tiếp tục xã hội hóa, mở rộng thêm các trường ngoài công lập để gánh nặng bao cấp của nhà nước giảm đi”, Giáo sư Quân đề xuất. 

Thùy Linh