Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có trao đổi về dự án Luật này.
Bà cho rằng, rất nhiều quy định trong luật giáo dục hiện hành đã trở nên lạc hậu. Đây là thời điểm Luật Giáo dục cần phải có điều chỉnh.
Theo đại biểu, việc sửa Luật là rất cần thiết khi một số quy định, chủ trương trong Nghị quyết của Đảng như Nghị quyết 29, Nghị quyết 19 liên quan đến đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, đổi mới hệ thống quản lý, tổ chức trong giáo dục.
Việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này cũng thể hiện sự đồng bộ trong hệ thống luật pháp vì rất nhiều luật mới gần đây liên quan đến Luật Giáo dục.
Đại biểu Hoa cho biết, 36 điều của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đã rà soát đến nhiều vấn đề lớn.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho hay, nhiều giáo viên kỳ vọng vấn đề lương giáo viên sẽ được đề cập trong sửa luật lần này. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Cụ thể như tính mở, sự liên thông của hệ thống giáo dục; vấn đề định hướng nghề, sự phân luồng trong hệ thống giáo dục; đặc biệt yêu cầu của thực tiễn về chính sách người học, chính sách nhà giáo, những đổi mới trong quản lý giáo dục, quản trị trường học, tài chính trong giáo dục…
“Việc phân luồng học sinh của chúng ta thực sự có nhiều điều phải nói. Nhiều người bức xúc vì có 200 nghìn sinh viên ra trường nhưng thất nghiệp.
Vấn đề này trong luật sẽ được tính toán thế nào?
Sự phân luồng đã có quy định trong Luật hiện hành tuy nhiên, chưa được cụ thể.”, đại biểu Hoa nêu.
Đại biểu phân tích, ví dụ sự phân luồng phải được thể hiện ngay từ trung học cơ sở nhưng vì công tác tuyên truyền, quy định trong luật chưa rõ.
Sự liên thông giữa các cấp học, giữa các trình độ chưa được rõ nên học sinh học xong trung học cơ sở đa phần muốn học lên trung học phổ thông.
Số lượng học sinh trung học cơ sở phân luồng ra các trường nghề ít, chưa nói đến quan niệm trọng về bằng cấp cũng đang là một trong lý do khiến người học không lựa chọn việc học nghề.
Về việc thay vì miễn học phí cho sinh viên sư phạm, dự thảo đề xuất cho vay tín dụng và sẽ không phải trả khoản đó nếu tiếp tục theo nghề, bà Mai nhấn mạnh: “Tôi cho rằng việc đề xuất chuyển từ việc miễn học phí sang hình thức tín dụng là sự cân nhắc, đề xuất mạnh dạn của ban soạn thảo.
Qua nghiên cứu, cả 2 hai chính sách miễn học phí hoặc vấn đề tín dụng cho sinh viên sư phạm vay tiền, sau khi học xong vào làm nghề có thể miễn trả khoản tiền này, cả 2 hình thức hỗ trợ này đều có tính nhân văn, phù hợp.
Nếu như chỉ miễn giảm học phí thì chưa phải thực sự hấp dẫn. Trong thực tế, nhiều em đào tạo sư phạm được hưởng chính sách này nhưng ra trường không xin được việc làm trong ngành.
Do đó, nguồn ngân sách nhà nước bỏ ra nhiều nhưng bị lãng phí vì không thực hiện đúng mục tiêu là thu hút người giỏi”, đại biểu nêu thực tế.
Theo đó, rất nhiều năm nay ngành sư phạm không bố trí được việc làm, phải tự xin việc.
“Đây là lý do căn bản khiến nhiều em giỏi muốn vào ngành sư phạm nhưng không dám. Vì không giải quyết được vấn đề việc làm.
Hơn nữa, việc chuyển sang hình thức tín dụng giải quyết được phần ngọn là không lãng phí ngân sách nhà nước”, đại biểu phân tích.
Theo đại biểu, để giải quyết căn cơ, học sinh giỏi lựa chọn nghề giáo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong tương lai thì việc thực hiện chính sách tín dụng là phần nhỏ.
Căn bản làm sao có môi trường sư phạm tốt nhất để những người giỏi phát huy năng lực của mình.
Bên cạnh đó, quyền được phân công công việc, quyền được có việc làm sau khi tốt nghiệp. Đây là điều kiện có tính hấp dẫn để các em học sinh giỏi lựa chọn sư phạm
Trước các ý kiến cho rằng, lương cho giáo viên thấp vì thế nảy sinh dạy thêm, học thêm, các em học sinh giỏi không chọn sư phạm, đại biểu Hoa thẳng thắn cho hay, giáo viên kỳ vọng lần sửa đổi này giải quyết vấn đề về lương cho giáo viên.
Ngay Bộ Giáo dục và Đào tạo trong dự thảo ban đầu có đề xuất lương của giáo viên phải ở bậc cao nhất đúng như tinh thần của Nghị quyết 29.
Tuy nhiên, từ ý kiến của một số bộ, ngành liên quan có cân nhắc và đề nghị không đề xuất đến vấn đề lương giáo viên.
“Thực ra hiện nay Chính phủ đang xây dựng đề án tiền lương. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng có thể cũng cần có những quy định trong luật liên quan về vấn đề chính sách lương và thu nhập cho nhà giáo.
Nếu không có những quy định có tính chất ưu đãi về lương, rõ ràng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm.
Lương giáo viên thấp, điều kiện không đảm bảo là một trong những lý do để người giỏi không thi sư phạm. Tôi nghĩ đây là vấn đề cần tính trong sửa đổi luật”, đại biểu nói.