Giáo viên cho điểm “thoáng” với học sinh lớp 12, lợi ít hại nhiều

25/05/2016 07:28
Bùi Minh Tuấn
(GDVN) - Dù với mục đích nào, việc cho điểm cao, không phản ánh đúng năng lực học tập thực sự của học sinh sẽ gây nhiều bất cập, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục.

LTS: Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 chuẩn bị diễn ra, trong khuôn khổ bài viết này, thầy giáo Bùi Minh Tuấn (giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An) nêu ra bất cập khi điểm tổng kết chung của lớp 12 ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả xét tốt nghiệp của mỗi học sinh. 

Vì liên quan tới kết quả xét tốt nghiệp nên ở trường THPT các thầy cô đã cho điểm học sinh như thế nào? Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Theo quy chế thi THPT Quốc gia quy định, điểm xét tốt nghiệp của học sinh lớp 12 gồm: Trung bình điểm bốn bài thi, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm tổng kết chung của lớp 12. 

Như vậy, điểm tổng kết trung bình chung lớp 12 có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả xét tốt nghiệp của mỗi học sinh. 

Học sinh lớp 12 làm bài thi học kì (Ảnh: Bùi Minh Tuấn)
Học sinh lớp 12 làm bài thi học kì (Ảnh: Bùi Minh Tuấn)

Mục đích của Bộ GD&ĐT khi đưa ra quy định sử dụng điểm tổng kết trung bình chung lớp 12 kết hợp với điểm các môn thi của kỳ thi THPT Quốc gia để xét tốt nghiệp THPT là nhằm đánh giá cả quá trình học tập của học sinh ở bậc học phổ thông. 

Quy định này giúp học sinh chăm lo học tập, chú ý học tốt tất cả các môn, tránh tâm lý “thi gì học nấy” vốn đã tồn tại bấy lâu trong học sinh. Vì vậy, những học sinh lớp 12 có kết quả điểm trung bình chung các môn cao sẽ có rất nhiều lợi thế trong việc xét tốt nghiệp phổ thông về sau. 

Chẳng hạn, một học sinh có điểm trung bình chung các môn học lớp 12 là 7 phẩy thì chỉ cần đạt 3 điểm trung bình các môn thi trong kỳ thi THPT Quốc gia là đã có thể đỗ tốt nghiệp.

Giáo viên cho điểm “thoáng” với học sinh lớp 12, lợi ít hại nhiều ảnh 2

Kỳ vọng của thầy cô trước kỳ thi THPT Quốc gia 2016

(GDVN) - Dù nhiều thầy cô đã có nhiều kinh nghiệm trong chọn môn thi, làm hồ sơ, ôn tập, thi cử…nhưng năm nay nhiều thầy cô vẫn lo lắng.

 
Với mong muốn “tạo điều kiện” cho học sinh đỗ tốt nghiệp, rộng cửa xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng, không ít giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 12 ở các trường phổ thông có tâm lí cho điểm “thoáng” để giúp học sinh có điểm trung bình chung cao, tạo lợi thế cho việc xét tốt nghiệp về sau. 

Qua tìm hiểu được biết, tình trạng cho điểm “thoáng” với học sinh lớp 12 diễn ra ở nhiều đơn vị trường học, cả trường công lập và ngoài công lập. 

Với các trường công lập, áp lực phải có tỷ lệ tốt nghiệp “đẹp” để báo cáo thành tích lên cấp trên khiến ban giám hiệu một số trường làm ngơ, thậm chí “bật đèn xanh” để giáo viên cho điểm “lỏng tay” cho học sinh lớp 12. 

Ở các trường ngoài công lập, do mặt bằng về năng lực học tập của học sinh còn hạn chế nên việc cho điểm cao đối với học sinh lớp 12 càng được xem như là một “cứu cánh” để giúp các em gia tăng cơ hội đỗ tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, dù với mục đích nào, việc cho điểm cao, không phản ánh đúng năng lực học tập thực sự của học sinh cũng sẽ là “lợi bất cập hại”.

Giáo viên cho điểm “thoáng” với học sinh lớp 12, lợi ít hại nhiều ảnh 3

Cô giáo hiến kế cách tính điểm Tốt nghiệp THPT Quốc gia 2016

(GDVN) - Để đảm bảo tính nghiêm túc, công bằng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2016 và những năm tiếp theo, theo tôi Bộ GD&ĐT cần có sự thay đổi cách tính điểm.

Trước hết, việc giáo viên cho điểm “thoáng” có thể sẽ khiến học sinh lớp 12 ngộ nhận về khả năng học tập của bản thân, từ đó phát sinh tâm lí lơ là, chủ quan trong việc ôn tập, củng cố kiến thức. 

Đây là điều rất đáng quan ngại bởi thời gian từ nay đến khi kì thi chính thức diễn ra không còn xa. 

Từ kết quả sau năm 2015 lần đầu tiên thực hiện kỳ thi THPT Quốc gia “hai trong một” vừa dùng kết quả để xét tốt nghiệp vừa là căn cứ để xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng, năm 2016, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chặt chẽ, tăng cường các khâu coi thi, thanh tra

Chính vì vậy, nếu học sinh không chuẩn bị kĩ về nền tảng kiến thức sẽ khó có thể hoàn thành tốt bài thi và tình trạng giáo viên cho điểm cao, không phản ánh đúng năng lực học tập của từng đối tượng học sinh sẽ gây nên tình trạng “cào bằng”, không đảm bảo tính chính xác, khách quan. 

Không những thế, việc nâng điểm cho học sinh lớp 12 sẽ tác động tiêu cực tới động lực và thái độ học tập của học sinh các khối lớp 10, 11 và lâu dài sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục chung của nhà trường. 

Hơn nữa, việc nâng điểm cho học sinh là biểu hiện của “bệnh thành tích” vốn đang được ngành giáo dục nỗ lực đẩy lùi. 

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, kết quả học tập của học sinh lớp 12 là một trong những thành tố để xét công nhận tốt nghiệp không nằm ngoài mục đích đánh giá quá trình học tập của học sinh trong năm cuối bậc học phổ thông. 

Để thực hiện tốt điều này, rất cần ý thức trách nhiệm của mỗi giáo viên và đặc biệt là sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ từ phía Ban giám hiệu các nhà trường, kiên quyết không vì chạy theo thành tích mà “bật đèn xanh” hay làm ngơ để giáo viên tự ý nâng điểm “ảo” cho học sinh.

Bùi Minh Tuấn