Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, một trong những việc ngành giáo dục kiên quyết thực hiện từ năm 2019 để giảm áp lực, tạo động lực cho giáo viên là giảm triệt để những loại sổ sách không cần thiết, gây áp lực, quá tải cho giáo viên.
Ông Nhạ lấy ví dụ, hiện nay công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, mà nhiều nơi còn yêu cầu giáo viên phải viết giáo án lên lớp bằng tay là quá tốn kém và mất thời gian.
“Chúng ta có gần 1,2 triệu giáo viên đứng lớp. Đây là một lực lượng vô cùng lớn, ngày đêm tâm huyết với ngành.
Tuy nhiên gần đây có một số thầy cô (tuy không phổ biến) nhưng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, nguyện vọng của các giáo viên khác và ảnh hưởng đến uy tín của toàn ngành”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Trước áp lực lớn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ giảm các cuộc thi, sổ sách hành chính cho giáo viên (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Tại hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với sự tham gia của Sở Giáo dục 63 địa phương, đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch Đầu tư... Bộ trưởng Nhạ bày tỏ mong muốn các lãnh đạo địa phương, giám đốc sở, các trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo và đặc biệt là các hiệu trưởng – đội ngũ rất quan trọng trong việc tạo dựng môi trường để các giáo viên đổi mới.
Đồng thời, người đứng đầu ngành giáo dục mong rằng các địa phương chỉ đạo các sở, phòng và đặc biệt hiệu trưởng các trường phổ thông phải chú ý đến việc giảm những gánh nặng về vấn đề hành chính, sổ sách cho giáo viên.
"Chúng ta cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin để các thầy cô “nhẹ gánh” đi và không phải mất nhiều thời gian, áp lực hay ức chế chỉ vì những việc liên quan đến sổ sách”, tư lệnh ngành giáo dục nhấn mạnh.
Cho điểm sáng kiến kinh nghiệm, người chấm biết cả, nhưng... |
Do đó, theo Bộ trưởng Nhạ, tới đây, Bộ sẽ kiên quyết chỉ đạo đến các địa phương và cũng có những chế tài kiểm tra, thanh tra, để làm sao hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tăng cường kỹ năng quản trị nhà trường, công nghệ thông tin.
Đội ngũ này phải cùng các thầy cô tạo ra môi trường thân thiện đổi mới, tránh trường hợp gây ra bức xúc, dồn nén cho các thầy cô dẫn đến những hậu quả rất đáng tiếc như thời gian qua.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị địa phương và các bộ ban ngành liên quan chung tay giải quyết áp lực thi đua cho các trường; có chính sách lương bổng để nhà giáo yên tâm làm tốt công việc.
Riêng về các cuộc thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi, Bộ trưởng Nhạ cho biết đã chỉ đạo các vụ, cục nghiên cứu từng bước cắt giảm những thủ tục không cần thiết.
Ví dụ như sáng kiến kinh nghiệm, giáo viên giỏi phải giỏi thật chứ không phải giỏi thông qua đăng ký thi đua có như vậy mới tạo động lực đổi mới cho các thầy cô.
Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, thời gian tới toàn ngành phải tạo điều kiện tốt để khuyến khích các thầy cô phát triển, bên cạnh đó cũng phải có những chế tài để những ai không đáp ứng được cũng phải có cách xử lý.
Tránh tình trạng cào bằng để một số người, một số nhóm nhỏ làm ảnh hưởng đến uy tín khiến nhiều giáo viên rơi vào tình trạng áp lực, băn khoăn với nghề.