Giáo viên góp ý Dự thảo sửa đổi Thông tư 30 của Bộ

01/09/2016 08:20
Trần Trí Dũng
(GDVN) - "Muốn đổi mới, ngành giáo dục phải biết lắng nghe", hy vọng rằng lần sửa đổi này về Thông tư 30 sẽ mang lại những hiệu quả tích cực.

LTS: Góp ý về Dự thảo sửa đổi Thông tư 30, thầy giáo Trần Trí Dũng đã có những góp ý mong muốn những điều chỉnh sẽ khiến Thông tư mang tính thiết thực, gần gũi và hiệu quả hơn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Ngày 28/8/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 30 quy định cách đánh giá học sinh Tiểu học.

Theo đó, việc đánh giá học sinh Tiểu học được thực hiện theo phương thức quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh Tiểu học.

Có thể nói một cách ngắn gọn về tinh thần của Thông tư 30 là đánh giá học sinh Tiểu học bằng những lời nhận xét trên ba nội dung: kiến thức, năng lực và phẩm chất của học sinh Tiểu học và không chấm điểm.

Thông tư 30 khiến giáo viên bị "đè nặng" bởi các loại sổ sách, lời phê! (Ảnh nguồn: Infonet.vn).
Thông tư 30 khiến giáo viên bị "đè nặng" bởi các loại sổ sách, lời phê! (Ảnh nguồn: Infonet.vn).

Do sau 3 năm đi vào thực tiễn, Thông tư đã bộc lộ những bất cập, hạn chế và gặp phải những phản ứng từ phía các giáo viên, phụ huynh, học sinh, nên hiện nay Bộ đang có chủ trương lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi. Điều này đã thể hiện sự tích cực và cầu thị trong việc ban hành chủ trương mới về giáo dục của Bộ.

Về Thông tư 30, tôi đã có bài viết "Giáo viên mong muốn Bộ Giáo dục sửa những quy định nào ở Thông tư 30?"  trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, vì thế bài viết này chỉ xin góp ý về Dự thảo sửa đổi Thông tư 30 trên cơ sơ một số thông tin có được về dự thảo.  

Thứ nhất, về cách thức lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Thông tư 30, tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đăng tải toàn văn dự thảo sửa đổi trên báo chí hoặc mạng để dễ lấy ý kiến rộng rãi, tránh việc chúng tôi chỉ biết về dự thảo qua một số thông tin dẫn đến góp ý không được toàn diện.

Thứ hai, về những góp ý cụ thể.

Theo chúng tôi được biết, Dự thảo sửa đổi Thông tư 30 thay cho việc nhận xét, giáo viên sẽ đánh giá học sinh bằng các mức A, B, C. Sự đánh giá này thực chất là lượng hóa cách đánh giá thay cho việc định lượng bằng điểm số, thực chất đây là một giải pháp trung gian giữa hình thức đánh giá bằng điểm số và hình thức đánh giá bằng nhận xét.

Quy định này sẽ thu gọn hơn và có phần thuận tiện so với với cách đánh giá bằng nhận xét. 

Theo sự giải thích của ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì các mức đánh giá được hiểu như sau:

Mức A: nắm vững kiến thức, thành thạo kỹ năng, vận dụng linh hoạt kiến thức kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, hứng thú với môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Mức B: nắm được kiến thức, có kỹ năng, biết vận dụng kiến thức kỹ năng, hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Mức C: chưa nắm được kiến thức, thiếu hụt kỹ năng, chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Đối với năng lực và phẩm chất, giữa và cuối mỗi học kỳ, giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên, đánh giá mức độ hình thành và phát triển từng năng lực, phẩm chất của mỗi học sinh theo:

Giáo viên góp ý Dự thảo sửa đổi Thông tư 30 của Bộ       ảnh 2

Giáo viên ngóng chờ Bộ điều chỉnh những gì ở Thông tư 30?

   - Mức A: nhận thức đầy đủ, làm tốt, hứng thú, tự tin.

   - Mức B: nhận thức được, làm được, chưa thật hứng thú, chưa thật tự tin.

   - Mức C: nhận thức chưa đầy đủ, chưa làm được, chưa hứng thú, thiếu tự tin.

 Tuy nhiên, việc lượng hóa cách đánh giá theo cách thức văn bản này, theo tôi là chỉ có giáo viên mới nắm được các mức A, B, C là gì, còn đối với học sinh và phụ huynh lại phải có sự giải thích rõ, như thế lại tạo ra sự bất cập trong áp dụng.

Mặt khác, việc đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10 truyền thống lại thuận tiện, đơn giản và dễ hiểu hơn rất nhiều, đặc biệt đối với quá trình giám sát của phụ huynh và đi kèm cũng có những nhận xét, cho điểm.

Trên thực tế, tinh thần của Thông tư 30 vẫn là đánh giá học sinh trên ba phương diện kiến thức, năng lực và phẩm chất. Rõ ràng là việc đánh giá quá trình hình thành năng lực và phẩm chất thì không thể dùng điểm số hay lượng hóa được.

Vì thế, theo tôi, việc đánh giá học sinh về mặt kiến thức thì vẫn dùng điểm số, đặc biệt là đối với môn Toán và Tiếng Việt, còn việc đánh giá năng lực, phẩm chất thì nên dùng lời.

Có nghĩa là Thông tư nên có sự phân định rạch ròi những nội dung đánh giá để dễ thực hiện và tiện cho quá trình theo dõi của phụ huynh, nghĩa là cần tăng tính khoa học trong quy định cách đánh giá học sinh.           

Thứ ba, theo cách lượng hóa A, B, C ở trên thì chỉ mới dừng lại ở cách đánh giá về mặt kiến thức và nhận thức, chứ chưa đánh giá được về năng lực và phẩm chất của học sinh như tham vọng của Thông tư đã đề ra. Trên thực tế là không thể lượng hóa hết được, sẽ thật là nực cười nếu đánh giá lòng nhân ái và tình yêu quê hương đất nước của học sinh theo các mức A, B, C…

Giáo viên góp ý Dự thảo sửa đổi Thông tư 30 của Bộ       ảnh 3

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi viết thư này gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Ở đây chúng ta cần thấy rằng, học sinh Tiểu học đang ở độ tuổi tiếp nhận những kiến thức và sự giáo dục ban đầu về hình thành nhân cách và con người.

Ở độ tuổi này, ý thức của các em đang dần được hình thành, tâm lý và nhận thức chưa ổn định và, vì thế, chúng ta chưa thể đòi hỏi quá cao đối với các em.

Thực chất, việc giáo dục trong nhà trường đối với các em ở độ tuổi này là giáo dục Phổ cập. Chúng ta không thể đánh giá các em về những gì mà các em chưa được học và chưa có những cơ sở, điều kiện để thể hiện.

Việc đánh giá trên nhiều mặt thể hiện tư tưởng giáo dục toàn diện đối với học sinh là rất tốt, song, thay vì việc tập trung vào nhận xét đánh giá, Bộ Giáo dục và và các giáo viên nên tập trung vào chất lượng giảng dạy.

Mặc dù đang trong quá trình hình thành nhận thức và ý thức, mỗi lớp đều có sự khác nhau.

Rõ ràng là từ chỗ các em còn chưa biết đọc, biết viết đến chỗ đã đọc thông, viết thạo và đã có những kỹ năng tính toán ban đầu là khác nhau.

Giáo viên góp ý Dự thảo sửa đổi Thông tư 30 của Bộ       ảnh 4

Những điểm cần sửa đổi nếu tiếp tục không chấm điểm học sinh tiểu học

Vì thế, theo tôi chỉ nên chấm điểm hoặc nhận xét các em khi bắt đầu bước sang học kỳ II của lớp 3, đặc biệt là đối với lớp 4 và lớp 5, như thế mới đúng đắn và thực chất.

Việc Bộ  Giáo dục và Đào tạo tham khảo hình thức giáo dục của nước ngoài, áp dụng một cách vội vàng, đánh giá không đúng đối tượng, chưa xét đến thực trạng và tổng thể giáo dục, dẫn đến sự phản ứng không đáng có như trong thời gian qua, và bây đến giờ phải chỉnh sửa lại là điều dễ hiểu.    

Thay cho lời kết, tôi xin nhắc lại lời của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng: "Muốn đổi mới, ngành giáo dục phải biết lắng nghe", hy vọng rằng lần sửa đổi này về Thông tư 30 sẽ mang lại những hiệu quả tích cực.

Trần Trí Dũng