Giáo viên "khổ càng thêm khổ" với Thông tư 20/2017/BGDĐT

05/09/2017 06:29
Bùi Nam
(GDVN) - Thông tư này dập tắt mọi hy vọng của giáo viên đã hoàn thành việc học tập nâng trên chuẩn, của giáo viên đang có ý định học tập nâng cao trình độ.

LTS: Tháng 8/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 20/2017/BGDĐT về thi thăng hạng giáo viên.

Bày tỏ những bất cập của thông tư trên, thầy giáo Bùi Nam, một giáo viên ở Tiền Giang cho rằng thông tư này đã làm giáo viên thêm khó khăn và khổ sở vì họ gần như không có cơ hội được chuyển hạng, nâng lương.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Trong khi đời sống giáo viên còn rất nhiều khó khăn, mức lương hạn chế, rất nhiều giáo viên cố gắng sắp xếp thời gian, công sức, tiền bạc để học nâng cao trình độ trên chuẩn với mong muốn có thể được nâng lương (chuyển ngạch lương) để cải thiện đời sống và chăm lo gia đình.

Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay không một giáo viên nào được chuyển ngạch lương (chuyển từ ngạch trung cấp sang cao đẳng, đại học hay từ cao đẳng lên đại học).

Đến năm 2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành Thông tư 20/2017 về thi thăng hạng giáo viên.

Thông tư này dập tắt mọi hy vọng của giáo viên đã hoàn thành việc học tập nâng trên chuẩn, của giáo viên đang có ý định học tập nâng cao trình độ và cả những học sinh có định thi vào ngành sư phạm.

Ảnh minh hoạ trên Báo Chính phủ.
Ảnh minh hoạ trên Báo Chính phủ.

Cụ thể như sau:

Từ năm 2011 trở về trước tất cả giáo viên trong quá trình giảng dạy, nếu học tập nâng chuẩn tốt nghiệp đại học sư phạm kể cả hệ tại chức, từ xa đều được chuyển ngạch lương tương ứng với bằng cấp.

Ví dụ giáo viên tiểu học tốt nghiệp trung cấp sư phạm đang hưởng lương bậc 1 hệ số lương 1,86 khi đó tiếp tục học và tốt nghiệp đại học sư phạm tiểu học chuyển sang hưởng lương đại học hệ số lương là 2,34, nếu dạy trường trung học cơ sở bậc 1 là 2,1 nếu tốt nghiệp đại học chuyển sang bậc 1 là 2,34.

Kể từ năm 2012 đến nay dù có rất nhiều giáo viên tốt nghiệp đại học, thậm chí thạc sĩ nhưng không có một giáo viên nào được chuyển ngạch làm quyền lợi giáo viên ảnh hưởng rất nhiều.

Nhiều giáo viên ý kiến, thắc mắc thì được trả lời ở “chế độ chờ” văn bản.

Mãi đến năm 2015 Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ ban hành thông tư 20, 21, 22, 23/2015TTLT – BGDĐT – BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên từ mầm non đến giáo viên trung học phổ thông giáo dục công lập.

Các thông tư trên quy định giáo viên mầm non, tiểu học xếp từ hạng IV đến hạng II (hạng IV hệ số lương từ 1,86 đến 4,06; hạng III từ 2,1 đến 4,89; hạng II từ 2,34 đến 4,98), giáo viên trung học cơ sở từ hạng III đến hạng I (hệ số lương hạng III từ 2,1 đến 4,89; hạng II từ 2,34 đến 4,98, hạng I từ  4,00 đến 6,38).

Giáo viên "khổ càng thêm khổ" với Thông tư 20/2017/BGDĐT ảnh 2

Sắp tới, giáo viên muốn thi thăng hạng phải tham dự 4 môn thi


Từ khi thông tư ra đời thì không có bất kỳ giáo viên nào được chuyển ngạch vì hai lý do.

Đó là để được chuyển ngạch thì phải đạt các tiêu chuẩn, nhưng tiêu chuẩn thì “quá khó” nên không ai đạt được và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không có bất kỳ một hướng dẫn nào về chuyển ngạch giáo viên.

Tôi xin nói rõ về các tiêu chuẩn để chuyển ngạch lương (tôi chỉ xin trình bày cấp trung học cơ sở được quy định trong Thông tư 22/2015/BGD - BNV.

Giáo viên trung học cơ sở muốn chuyển ngạch lên hạng II (hệ số lương từ 2,34 đến 4,98) thì phải đạt đầy đủ các tiêu chuẩn sau:

Giáo viên trung học cơ sở hạng II – mã số V.07.04.11

(Tôi xin trình bày các nhiệm vụ và tiêu chuẩn mà giáo viên khó đạt)

1. Nhiệm vụ:

a. Làm báo cáo viên minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở hoăc dạy thử nghiêm mô hình, phương pháp mới

c. Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn

d. Viết sáng kiến kinh nghiệm, tham gia đánh giá sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng từ cấp trường trở lên

đ. Tham gia công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên trung học cơ sở cấp trường trở lên

e. Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách đội giỏi cấp trường trở lên

g. Tham gia tổ chức, đánh giá các hội thi của học sinh trung học cơ sở cấp trường trở lên

2. Tiêu chuẩn:

b. Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 – trong khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc theo khung tham chiếu quy chuẩn Châu Âu (kèm thông tư 01/2014 TT – BGDĐT ban hành năng lực ngoại ngữ 6 bậc cho Việt Nam), giáo viên ngoại ngữ thì ngoại ngữ 2 phải đạt bậc 2 trở lên

d. Có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở hạng II

Với những nhiệm vụ và tiêu chuẩn trên thì không có bất kỳ giáo viên nào đủ điều kiện để thăng hạng vì không thể đạt các tiêu chuẩn trên như:

+ Tiêu chuẩn ngoại ngữ bậc 2 (A2), thử hỏi giáo viên các môn khác như Hóa, Lý, Sinh, Thể dục, công nghệ,… mặc dù đã có học ngoại ngữ trong quá trình từ phổ thông đến đại học (có thể dùng kiến thức ngoại ngữ cơ bản) nhưng trong quá trình giảng dạy rất ít sử dụng ngoại ngữ thì không thể đạt trình độ bậc 2 theo tiêu chuẩn Châu Âu được (đọc, nói, viết, trao đổi,… bằng ngoại ngữ).

Giáo viên "khổ càng thêm khổ" với Thông tư 20/2017/BGDĐT ảnh 3

Điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức


Giáo viên đang công tác cũng khó sắp xếp để đi học vả lại học tốn thời gian, tiền bạc (số tiền khá lớn) nhưng mục đích lấy xong chứng chỉ về chỉ để chuyển ngạch còn trong quá trình dạy rất ít áp dụng nên rất phí, và kiến thức ngoại ngữ cũng mai một dần,…

Vì không thể đạt nên nhiều giáo viên tìm mọi cách để “mua” chứng chỉ Anh văn (bậc 2) mà nhiều báo khác và Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh rất nhiều.

+ Bên cạnh đó Bộ cũng chưa tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ các hạng để cấp chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên các hạng I, II, III nên không thể chuyển ngạch.

+ Ngoài ra các nhiệm vụ trong thông tư cũng thường gắn với nhiệm vụ của tổ trưởng chuyên môn hoặc ban giám hiệu nên một số nhiệm vụ giáo viên đứng lớp giảng dạy ít tham gia như chủ trì bồi dưỡng sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề, chấm sáng kiến kinh nghiệm, chấm thi giáo viên giỏi,…..

Một điều bất hợp lý là mặc dù thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên nhưng hầu như cách chuyển xếp giáo viên tại các đơn vị một cách tùy tiện không tuân theo thông tư trên.

Nhiều giáo viên được chuyển sang hạng II (Hệ số lương từ 2,34 đến 4,98) chỉ vì một lý do duy nhất là trước khi chuyển hưởng lương bậc Đại học nay chuyển sang hạng II mà không cần đạt tiêu chuẩn nào của thông tư trên.

Nhiều giáo viên không có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, cũng như không tham gia các nhiệm vụ khác của thông tư đã quy định: giáo viên giỏi, chấm giáo viên giỏi, sáng kiến kinh nghiệm,…

Những trường hợp này ung dung hưởng lương ngạch cao, trong khi đó các giáo viên khác đã tốt nghiệp đại học, thạc sĩ hay giáo viên mới ra trường muốn chuyển ngạch phải “vắt chân lên cổ” học anh văn, tin học,… mà vẫn không đạt và không được chuyển ngạch.

Giáo viên "khổ càng thêm khổ" với Thông tư 20/2017/BGDĐT ảnh 4

Thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong trường đại học được quy định như thế nào?


Bên cạnh đó theo Thông tư 22 trên thì giáo viên trung học cơ sở không có một giáo viên nào đạt "chuẩn".

Vì ở hạng thấp nhất giáo viên trung học cơ sở hạng III phải có các tiêu chuẩn như có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo khung tham chiếu quy chuẩn Châu Âu.

Giáo viên mòn mỏi chờ đợi với hy vọng sẽ được chuyển ngạch.

Nhưng chúng tôi thật sự thất vọng khi năm 2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 20/2017/BGDĐT quy định điều kiện thi thăng hạng giáo viên thì việc chuyển ngạch còn khó hơn rất nhiều.

Vì để được chuyển ngạch thì giáo viên phải có 3 năm liên tục (tại thời điểm chuyển ngạch) phải hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Bên cạnh đó ngoài việc thi 4 môn: Ngoại ngữ (tương ứng bậc 2), Tin học, Kiến thức chuyên ngành, Pháp luật, giáo viên còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Thông tư 22/2015 Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ.

Cho nên, để được chuyển ngạch sẽ không có giáo viên nào đạt vì vừa phải thi đạt, vừa phải đạt tất cả các tiêu chuẩn của Thông tư 22/2015 trên là điều nằm ngoài tầm với của giáo viên.

Tương tự các cấp học khác như mầm non, tiểu học, trung học phổ thông cũng khó có giáo viên nào đạt.

Nhiều giáo viên mới ra trường công tác dù có bằng thạc sĩ, đại học và có đầy đủ chứng chỉ, nhưng vẫn xếp ở hạng thấp nhất (hạng IV – mầm non, tiểu học), hạng III (trung học cơ sở, trung học phổ thông).

Sau đó phải đủ 5 năm mới được thi chuyển lên ngạch cao hơn (mà như trình bày ở phần trên để chuyển ngạch ngoài việc thi đạt phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quy định trong thông tư trên là rất khó).

Điều này khiến giáo viên mới ra trường hưởng lương khá thấp. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến học sinh “né” ngành sư phạm.

Ví dụ một giáo viên có bằng thạc sĩ giáo dục tiểu học thì thời gian học đại học và cao học ít nhất là 7 năm khi về công tác tại trường tiểu học được xếp lương bậc IV hệ số lương 1,86 (85% tập sự trong 6 tháng) cụ thể tiền lương 1,86x1,300,000x85% = 2,055,300 đồng (giáo viên hợp đồng).

Nếu được tuyển viên chức thì lương nhận thêm 35%x2,055,300 = 719,355 đồng (phụ cấp ưu đãi ngành). Tổng lương khoảng 2,700,000 đồng (hai triệu bảy).

Đó là chưa tính các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, tai nạn, công đoàn phí, các khoản đóng góp,… nên giáo viên biên chế thực lãnh chưa tới 2,300,000 đồng (giáo viên hợp đồng khoảng 1,700,000 đồng).

Với đồng lương trên thật khó mà thu hút người giỏi vào ngành sư phạm.

Thiết nghĩ và cầu mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đánh giá toàn diện dựa vào những đóng góp, những phấn đấu của giáo viên trong dạy và học cũng như tín nhiệm của đồng nghiệp tạo điều kiện cho giáo viên được chuyển ngạch tương ứng với vị trí việc làm để chúng tôi yên tâm công tác.

Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên một cách cụ thể, giáo viên đạt tiêu chuẩn nào thì xếp hạng ở ngạch đó, không áp dụng tùy tiện như hiện nay (nhiều giáo viên đang xếp ở hạng II nhưng không đạt rất nhiều tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học,…).

Hàng năm tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho giáo viên tập huấn các khóa ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ,…

Trong khi các ban ngành khác và công chức thì việc chuyển ngạch tương đối nhẹ nhàng thì ngành giáo dục lại cực kỳ khó khăn.

Xin đừng để giáo viên chúng tôi tuyệt vọng, mãi mãi một câu hỏi “bao giờ mới được chuyển ngạch?!”

Bùi Nam