Giáo viên không sợ dự giờ, góp ý mà chỉ sợ phải ...diễn

16/03/2017 06:39
Đỗ Quyên
(GDVN) - Vì sao dự giờ mà phải “diễn”? Bởi thực tế, một tiết dạy dự giờ với một tiết dạy bình thường trên lớp nó khác xa nhau một trời một vực.

LTS: Trao đổi thêm về vấn đề dự giờ giáo viên, cô giáo Đỗ Quyên cho rằng các giáo viên không sợ dự giờ, góp ý mà chỉ sợ vì phải “diễn”.

Mỗi buổi dự giờ được lên kịch bản từ trước, cả trò và thầy đều trở thành diễn viên trong vở kịch mang tên “dự giờ”.

Vậy tại sao giáo viên lại phải “diễn”? Với bài viết sau đây, tác giả Đỗ Quyên muốn trao đổi thêm để mọi người hiểu hơn về nỗi khổ khó nói của giáo viên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Đọc bài “Làm giáo viên mà sợ dự giờ, góp ý đồng nghiệp” của tác giả Sông Trà đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, với vị thế của một người giáo viên đầy tâm huyết với nghề, tôi cũng xin được trao đổi với tác giả một số ý kiến sau.

Đọc xong bài viết của tác giả, tôi khẳng định rằng tác giả không phải là nhà giáo. Bởi nếu là nhà giáo chẳng ai lại nói thế này:

Muốn cho nhà trường mạnh lên, chất lượng chuyên môn của thầy, cô cải thiện thì Ban giám hiệu, các tổ trưởng, nhóm trưởng, khối trưởng cần gương mẫu, đi đầu, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở và đi dự giờ giáo viên đúng quy định”. 

Giáo viên không sợ dự giờ, góp ý, họ chỉ sợ dự giờ vì phải “diễn”. Bởi mỗi khi có người dự giờ, cả thầy và trò đều tất tả chuẩn bị rất nhiều thứ từ hình thức đến nội dung.

Giáo viên sợ dự giờ bởi vì phải "diễn". (Ảnh minh họa: zing.vn)
Giáo viên sợ dự giờ bởi vì phải "diễn". (Ảnh minh họa: zing.vn)

Nếu là người ngoài ngành sẽ hỏi: Vì sao dự giờ mà phải “diễn”? Tại sao thầy không dạy tự nhiên? Trò không học bình thường?

Bởi thực tế, một tiết dạy dự giờ với một tiết dạy bình thường trên lớp nó khác xa nhau một trời một vực.

Đơn cử, khi dạy trên lớp, tất cả giáo viên đều chỉ hướng tới việc học sinh hiểu và làm được bài.

Những kiến thức trong sách giáo khoa có những nội dung giáo viên chỉ cần lướt qua nhưng có những nội dung lại phải giảng đi giảng lại đến nhiều lần các em mới hiểu. (điều này tối kị trong tiết dự giờ).

Những học sinh khá giỏi, giáo viên chỉ hướng dẫn qua các em có thể tự làm lấy bài.

Giáo viên không sợ dự giờ, góp ý mà chỉ sợ phải ...diễn ảnh 2

Vì sao Phó hiệu trưởng chuyên môn lại không dám dạy thao giảng?

Riêng học sinh yếu kém (số này cũng khá đông) thầy cô phải tập trung kèm cặp, nào là đến tận nơi hướng dẫn từng li từng tí.

Nào là gọi lên bảng gợi ý cho làm xong mới thôi.

Còn khi dạy dự giờ, giáo viên chỉ thiên về biểu diễn là nhiều.

Nếu giáo viên dạy dự giờ như mình dạy trên lớp, thời gian một tiết học ít nhất cũng mất hàng tiếng đồng hồ mới xong.

Để cho tiết dạy diễn ra trơn tru, ít bị bắt bẻ, nhiều thầy cô giáo phải “gà” bài trước cho học sinh.

Những nội dung khó, giáo viên thường tập cho các em trả lời trước, trả lời theo hướng gợi ý của giáo viên để đề phòng hôm ấy các em trả lời lung tung thầy cô sẽ mất nhiều thời gian giải thích.

Mà thời gian trong một tiết dạy dự giờ là vô cùng quan trọng. Tiết học chỉ được phép ít hơn hoặc kéo dài hơn quy định khoảng 5 phút (tiểu học 35 phút/tiết, trung học cơ sở và trung học phổ thông 45 phút/ tiết).

Nếu vượt quá thời gian ấy dù giáo viên có tổ chức lớp học tốt thế nào, học sinh có tiếp thu bài và làm tốt đến đâu tiết học ấy cũng chỉ xếp loại Khá là cao.

Khi dự giờ, nhiều giáo viên còn không quan tâm đến học sinh tiếp thu bài thế nào mà để ý từng câu nói, cách đi đứng của giáo viên để góp ý.

Nhiều góp ý chỉ mang tính cá nhân, chưa nói đến không ít giáo viên trình độ chuyên môn thuộc loại làng nhàng nên cách góp ý cũng chẳng lấy gì để học hỏi. Có thầy cô còn nhân dịp “bới lông tìm vết” nữa chứ.

Vì những chuyện như thế nếu cứ đi dự giờ đúng quy định theo tác giả Sông Trà, không chỉ chuyên môn của thầy cô trong nhà trường không được cải thiện như mong muốn mà ngay cả chất lượng học tập của học sinh cũng đi xuống.

Giáo viên không sợ dự giờ, góp ý mà chỉ sợ phải ...diễn ảnh 3

Ban giám hiệu đi dự giờ chủ yếu là để cho...đủ mặt!

Đúng là “Khi có người đến dự giờ, lớp học cũng diễn ra sôi nổi hơn, ý thức học tập của học sinh tốt hơn”.

Nhưng “điều tốt” ấy không theo hướng tích cực mà thiên về sự “tiêu cực” bởi các em học sinh đã bị nhiễm luôn tính giả tạo, thói quen đối phó mỗi khi lớp học có khách đến dự giờ.

Đã là giáo viên không ai lại không hiểu việc dự giờ thăm lớp mặt lợi có được thì ít nhưng đều bất lợi mang đến lại quá nhiều.

Nhiều thầy cô phải thốt lên “Nếu ở lớp thầy cô cứ dạy như tiết dự giờ, học sinh sẽ dốt hết” là hoàn toàn có cơ sở.

Đỗ Quyên