LTS: Tác giả Trương Khắc Trà cho rằng quan điểm “Tôn sư trọng đạo” mang tính Nho giáo, tức là thầy bảo gì nhất nhất phải nghe, đã trở nên lỗi thời.
Ngày nay, việc học trò đưa ra các phản biện với thầy cô không hề làm suy giảm truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả!
Hàng năm, cứ vào dịp 20/11 (Ngày Nhà Giáo Việt Nam), toàn xã hội đều hướng về các thầy cô giáo.
Với người Việt ta, đó là dịp để truyền thống “tôn sư trọng đạo” được lớp lớp học trò bày tỏ với những “người đưa đò”.
Triết lý giáo dục Việt Nam qua phân tích của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Nhân đây, người viết cũng bày tỏ một góc nhìn về truyền thống tốt đẹp này.
“Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống tốt đẹp, một triết lý sống thượng tôn tri thức của người Việt mà không phải dân tộc nào trên thế giới cũng sánh được.
Là người Việt Nam, ai cũng có thể cảm nhận được vẻ đẹp của đạo lý này. Tuy nhiên, để hiểu cho hết ý nghĩa sâu xa của nó cả ngày xưa và hôm nay thì không đơn giản chút nào.
Tư tưởng ảnh hưởng của Nho giáo đã lỗi thời
Truyền thống Nho học sắp xếp thứ tự Quân, Sư, Phụ, trong đó Quân là vua, Sư là thầy, Phụ là cha.
Sự sắp xếp này đã “mặc định” cho người thầy một vị trí cao trong xã hội chỉ sau vua và xếp trên cả cha mẹ.
“Tôn sư” trong Nho giáo là khẳng định vị trí số một của người thầy trong giáo dục.
Đây là triết lý giáo dục lấy người thầy làm trung tâm, lời thầy là khuôn vàng thước ngọc.
Có thể coi đó là chân lý trong cách nhìn của Nho học.
"Tôn sư trọng đạo" là truyền thống quý báu của dân tộc ta. (Ảnh: Báo Bắc Giang) |
Vậy, người thầy trong Nho giáo lấy gì để khẳng định mình là trung tâm?
Đó chính là buộc người học phải “trọng đạo”, đạo mà nhà Nho muốn nói đến không gì khác hơn ngoài “Lễ” và “Nhạc” của nhà Chu. Chính là lời dạy của cổ nhân đã được mặc định là đúng và đúng tuyệt đối.
Bởi vậy, sự học ngày xưa chỉ là học thuộc lòng những gì cổ nhân đã nói, làm theo những gì cổ nhân đã làm bất kể đúng sai, trọng lý thuyết nhẹ thực hành.
Ngót ngàn năm song hành với chế độ phong kiến Phương Đông, Nho giáo đã tạo ra được sự ảnh hưởng ghê gớm, hằn sâu vào tư duy của hàng chục thế hệ.
Chính Nho giáo đã tạo ra một truyền thống học tập mang thói quen “thọ giáo” và “đàm đạo” chứ ít khi phản biện.
Đồng thời, làm dấy lên một sự thèm khát cao độ về cái sự học để được người đời công nhận là…“quân tử”!
Tiếc thay, chế độ phong kiến - Nho giáo đã hết vai trò lịch sử, đã lùi vào hậu trường nhưng tư tưởng giáo dục của nó vẫn hằn in trong cách nghĩ, cách học, cách làm giáo dục của người Việt trong thế kỷ XXI.
Ngày nay, “tôn sư trọng đạo” vẫn mang ý nghĩa tôn vinh người thầy và nghề dạy học, nhưng giáo dục ngày nay cơ bản đã khác xưa, mối quan hệ thầy trò cũng cũng phải vận động sao cho phù hợp với thời cuộc.
Vậy nên, “tôn sư trọng đạo” cũng cần có cái nhìn hiện đại hơn.
Cái nhìn hiện đại hơn
Triết gia Arixtot từng nói rằng: “Thầy là quý nhưng chân lý còn quý hơn thầy”.
Tay dù trắng, đẹp đời trong trắng...(GDVN) - Đã gần nửa cuộc đời gắn với nghề dạy học, nhưng không hiểu sao, mỗi năm đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, lòng tôi cứ man mác buồn. |
Vì câu nói này mà ông đã đoạn tuyệt với người thầy vĩ đại - Platon. Quan điểm của Arixtot như một phát đại bác nã vào thành trì Nho giáo.
Nói như vậy, không phải ở Phương Tây không có truyền thống "tôn sư trọng đạo", không coi trọng người thầy, mà ở đây Phương Tây đề cao sự phản biện.
Lịch sử giáo dục thế giới đã chứng minh luận điểm của Arixtot vô cùng tiến bộ, nó mở ra một triết lý giáo dục mới mẻ và hiện đại.
Sau này, chính Fukuzawa Yukichi đã vận dụng để đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới.
Mặc dù vậy, trong bất cứ thời đại nào, bản thân mệnh đề “tôn sư trọng đạo” luôn hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc.
Trước hết, đó là sự tiếp nối truyền thống luôn coi nghề giáo là một nghề cao quý, người thầy luôn được coi trọng dù bất cứ trong hoàn cảnh nào.
Nếu “tôn sư” ngày xưa lấy người thầy làm trung tâm trong giáo dục thì ngày nay phải lấy người học làm trung tâm.
Người thầy phải gắn bó mật thiết với sự nghiệp trồng người, để nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh.
Giáo dục phải tạo ra sự sáng tạo, tiến bộ chứ không chỉ là những kiến thức mang tính hàn lâm, sao chép.
“Trọng đạo” ngày nay phải đào tạo ra con người có đạo đức, chân chính, ngay thẳng, dám đấu tranh với cái ác để bảo vệ lẽ phải.
Họ còn phải là những ngươi có trình độ chuyên môn cao gắn liền với thực tiễn và thậm chí giỏi hơn cả người thầy thì xã hội mới thực sự tiến bộ.
Sản phẩm của giáo dục và đào tạo trong thời đại ngày nay phải là con người của trí tuệ, con người của hội nhập, con người nhập thế để hành động, chứ không phải con người yếm thế chỉ coi trọng kinh sách, nhẹ thực hành.
Bởi chẳng ngẫu nhiên mà cử nhân Việt Nam thường thiếu kỹ năng mềm và hụt năng lực thực tiễn.
Cách đây hơn 1,5 thế kỷ, Nguyễn Trường Tộ - một nhà Nho lừng danh đã nhận ra điểm yếu của phương pháp giáo dục Nho giáo: “Ngày nay, cái mà nước mình quý trọng là Nho.
Mà Nho thì quý trọng ở nhiều văn chương, chữ nghĩa, lý thuyết. Nếu như bỏ cái công phu bền bỉ dùi mài chữ nghĩa văn chương mà học lấy cái phong phú vô vàn của tạo vật thì sẽ được biết bao điều quý báu”[1].
Với một dân tộc hiếu học như người Việt mình, cũng không phải ngẫu nhiên mà giáo dục đào tạo là “quốc sách hàng đầu”.
Và vì thế, ngày 20/11 hàng năm đã trở thành ngày hội lớn của lớp lớp các thế hệ người Việt nhằm tôn vinh người thầy và nghề dạy học cao quý.
Từ một đạo lý truyền thống của dân tộc, tôn sư trọng đạo đã mang một ý nghĩa cách mạng mới trong thời đại ngày nay gắn liền với tư tưởng trồng người của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nó không chỉ là đạo lý, tình cảm mà còn là sức mạnh, hành động cách mạng để đưa đất nước đi lên giàu mạnh. Đó chính là nét tươi mới của truyền thống “tôn sư trọng đạo” trong thời đại ngày nay.
Tài liệu tham khảo:
[1] Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo, Trương Bá Cần, Nxb Tp.HCM 1988.