Hiệu trưởng được tuyển giáo viên - bước đột phá nhưng nhiều lo lắng

29/08/2018 14:09
Nguyễn Cao
(GDVN) - Sự “lo lắng” hoàn toàn có cơ sở bởi những gì đang xảy ra ở nhiều đơn vị trường học, đó là một số đơn vị chưa phát huy được tính dân chủ, chưa có sự công bằng.

LTS: Trước thông tin mang tính đột phá khi giao quyền tự chủ tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng, tác giả Nguyễn Cao đã có bài viết đưa ra quan điểm về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thông tin từ năm học 2018-2019 này, thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thí điểm để Hiệu trưởng 2 trường chuyên là Trường Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa được tự chủ tuyển dụng giáo viên, nhân viên. 

Theo lộ trình thì đến sau năm 2020, 100% các trường trung học phổ thông của thành phố sẽ tự chủ về nhân sự cho đơn vị của mình được xem là bước đột phá nhưng cũng đặt ra nhiều băn khoăn, lo lắng cho dư luận.

Sự “lo lắng” hoàn toàn có cơ sở bởi những gì đang xảy ra ở nhiều đơn vị trường học hiện nay, đó là một số đơn vị chưa phát huy được tính dân chủ, chưa có sự công bằng về nhiệm vụ, quyền lợi và còn để xảy ra nhiều tiêu cực.

Bây giờ, thêm quyền tuyển dụng giáo viên nữa thì Hiệu trưởng khác nào “rồng được chắp thêm cánh”, những tiêu cực trong nhà trường có thể sẽ nhiều hơn.

Hiệu trưởng được tự chủ tuyển dụng giáo viên - bước đột phá nhưng nhiều lo lắng (Ảnh minh họa: vov.vn).
Hiệu trưởng được tự chủ tuyển dụng giáo viên - bước đột phá nhưng nhiều lo lắng (Ảnh minh họa: vov.vn).

Chuyện tuyển dụng giáo viên, nhân viên trong các nhà trường kể cả trước đây và bây giờ chưa bao giờ hết nóng, hết tiêu cực.

Mỗi khi tuyển dụng giáo viên, các địa phương thành lập Hội đồng tuyển dụng với nhiều cơ quan đảm nhận, đứng đầu là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (huyện) mà còn xảy ra vô vàn điều tiếng như Quảng Ngãi, Cà Mau, Đắc Lắc, Thanh Hóa...

Có nơi phải chấm đi, chấm lại mấy lần vẫn chưa hết tiêu cực, dẫn đến những nghi ngờ của chính người tham gia thi tuyển.

Bây giờ, Hiệu trưởng là người tuyển dụng thì sẽ ra sao khi mà các cơ quan có chức năng giám sát đều ở xa, khó bề giám sát.

Hiện nay, với quy định hiện hành thì các Hiệu trường trường phổ thông đã và đang có rất nhiều quyền hành.

Hiệu trưởng là người trực tiếp kí hợp đồng lao động với giáo viên, nhân viên nhà trường (khi đã được cấp trên tuyển dụng), được ký quyết định tăng lương, được bổ nhiệm đội ngũ tổ trưởng chuyên môn trong trường, được phân công nhiệm vụ cho giáo viên, nhân viên của đơn vị…chỉ chừng ấy thôi thì cũng đủ cho muôn vàn bất cập xảy ra.

Hiệu trưởng muốn thêm vây cánh cho mình nên bổ nhiệm đội ngũ tổ trưởng chuyên môn đều là những người thân tín.

Xét tăng lương trước thời hạn thì phải là người thân thuộc, phe cánh của Hiệu trưởng trước, phân công nhiệm vụ, xếp lịch dạy, xét thi đua thì cũng ưu ái những người của mình.

Hiệu trưởng được tuyển giáo viên - bước đột phá nhưng nhiều lo lắng ảnh 2Sau năm 2020, các trường trung học phổ thông ở Sài Gòn được tự chủ nhân sự

Những người không phải “chỗ anh em thân thiết” thì bị phân công những nhiệm vụ khó khăn nhất, quyền lợi cũng mờ nhạt.

Ai cự lại, ai có ý kiến không tán đồng thì xếp vào thành phần chống đối, bị phê bình, bị ghẻ lạnh ngay trong tập thể nhà trường.

Chúng tôi vẫn biết rằng, có nhiều Hiệu trưởng đang làm tốt vai trò của mình, đang đặt quyền lợi tập thể lên trên và hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.

Nhất là đối với thành phố Hồ Chí Minh - một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất cả nước với số dân hơn 10 triệu người. Nơi đây, những năm qua đã có nhiều đề xuất táo bạo mang tính đột phá trong giáo dục.

Tuy nhiên, điều chúng tôi vẫn cảm thấy chưa am tâm là khi Hiệu trưởng được tự chủ tuyển dụng giáo viên, nhân viên nhà trường.

Cho dù ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục thành phố nói rằng:

Sở đã lấy ý kiến và nhận được sự đồng tình của Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông. Đây là chủ trương hợp lý vì các trường là đơn vị trực tiếp sử dụng người lao động, họ sẽ biết cần giáo viên có năng lực như thế nào là phù hợp”.

Tất nhiên là khi Sở lấy ý kiến về vấn đề này thì Hiệu trưởng sẽ đồng ý là điều tất nhiên, ai lại chối từ việc này bao giờ.

Nhưng, việc “giáo viên có năng lực như thế nào” thì đó lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Bởi, thước đo đánh giá năng lực của người thầy hiện nay rất khó chính xác.

Nó không căn cứ vào những văn bản hiện hành mà thường căn cứ vào các mối quan hệ giữa người đánh giá với người được đánh giá.

Vì thế, có người được đánh giá khách quan, nhưng lại cũng có người đánh giá chủ quan thì “năng lực giáo viên” không phải lúc nào cũng được đánh giá đúng năng lực của mình.

Hiệu trưởng được tuyển giáo viên - bước đột phá nhưng nhiều lo lắng ảnh 3Không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên trước thềm năm học mới

Chia sẻ về thông tin này, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cũng phải băn khoăn:

Nếu Hiệu trưởng thiếu tâm, thiếu tầm dễ xảy ra những tiêu cực.

Khi quyền hạn trong tay, họ dễ tuyển theo suy nghĩ cá nhân chứ không đặt mục tiêu chung, không đảm bảo nghiêm túc những tiêu chí đã đưa ra.

Từ đó xảy ra sự phân biệt đối xử với cá nhân có ý kiến trái chiều và ngược lại kéo theo sự thiếu dân chủ”.

Và, tất nhiên, điều của ông Nguyễn Văn Ngai nói cũng là điều mà dư luận trăn trở nhất. Bởi, những tiêu cực ở ngành giáo dục hiện nay đang xảy ra khắp nơi mà trong đó, việc tuyển dụng giáo viên thường là mảnh đất màu mỡ nhất cho tiêu cực.

Để tránh tiêu cực, thừa thiếu cục bộ giáo viên phổ thông trong mỗi năm học, theo chúng tôi thì các Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, huyện nên giao việc tuyển dụng cho ngành giáo dục.

Hiện nay, giáo viên các trường cơ bản đã đủ, nhiều môn đã dư thừa nên mỗi năm tuyển dụng mới không nhiều. Vì thế, việc tuyển dụng cũng không phải là vấn đề quá tải cho ngành giáo dục.

Cuối mỗi năm học, các Sở, Phòng Giáo dục rà soát, cân đối, luân chuyển giáo viên từ đơn vị thừa đến những đơn vị thiếu. Khi đã thực hiện luân chuyển hàng năm xong mà vẫn thiếu thì các đơn vị này làm kế hoạch tuyển dụng.

Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng sẽ là Giám đốc Sở, Trưởng Phòng giáo dục (tùy cấp học), các Phó Hội đồng là cấp phó và chuyên viên phòng tổ chức cán bộ.

Hiệu trưởng được tuyển giáo viên - bước đột phá nhưng nhiều lo lắng ảnh 4Cái tâm của người hiệu trưởng

Khi thực hiện tuyển dụng, phần phỏng vấn thì những thành viên cốt cán trong Hội đồng tuyển dụng phỏng vấn.

Phần thi lý thuyết, thi giảng dạy thì điều động Hội đồng bộ môn các môn học chấm thi.

Bởi vì họ là những người đang trực tiếp giảng dạy sẽ hiểu rõ khả năng chuyên môn của người được tuyển dụng nên họ có cái nhìn công bằng và khách quan nhất để đánh giá, chấm chọn.

Hơn nữa, đội ngũ này thường chỉ làm việc chuyên môn đơn thuần nên sẽ hạn chế được tiêu cực.

Tránh tình trạng điều các Hiệu trưởng, Phó Hiệu phó các trường - những người hàng chục năm không đứng lớp đi chấm thi thực hành. Vừa không nắm được chuyên môn mà lại dễ xảy ra sự gửi gắm, chạy chọt.

Khi Hiệu trưởng nhà trường vẫn còn được bổ nhiệm mà đã giao quyền tự chủ tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho Hiệu trưởng là điều chưa thể công bằng và khách quan.

Bởi, chỉ khi nào thi tuyển Hiệu trưởng, họ không phải là con cháu, anh em của người này, người kia thì mới có thể công tâm trong tuyển dụng giáo viên. Chứ còn cơ chế bổ nhiệm Hiệu trưởng còn thì tất nhiên họ luôn có “chân rết” với rất nhiều người.

Rồi khi tuyển dụng, lãnh đạo này gửi, lãnh đạo kia nhờ giúp đỡ con cháu của họ thì làm sao Hiệu trưởng có thể khước từ.

Những người thân cô, thế cô làm sao có đủ “năng lực” để được tuyển dụng vào nhà trường khi chỉ có kiến thức làm hành trang đi thi?

Tài liệu tham khảo:

https://thanhnien.vn/giao-duc/giao-quyen-tuyen-dung-giao-vien-cho-hieu-truong-997583.html

Nguyễn Cao