LTS: Tác giả Nam Phương cho rằng, chúng ta cứ hô hào đổi mới giáo dục nhưng tư duy của người lãnh đạo vẫn không chịu thay đổi thì mọi cố gắng, nỗ lực trong giáo dục mãi chỉ là con số không tròn trĩnh mà thôi.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nếu tính thời gian dạy trên lớp của một giáo viên với thời gian bỏ ra để hoàn thành những đống hồ sơ sổ sách vô bổ kia có lẽ thời gian dạy chẳng thấm tháp gì.
Giáo viên với hàng chục loại sổ sách như giáo án, sổ điều chỉnh kế hoạch dạy học, sổ chủ nhiệm, làm sổ kế hoạch, sổ báo giảng, sổ hội họp, sổ theo dõi học sinh yếu, hồ sơ học sinh khuyết tật, sổ theo dõi đồ dùng dạy học, kế hoạch cá nhân…
Để hoàn thành những loại sổ sách này thì giáo viên có làm cả đêm cũng chẳng thể xong. Bởi thế, hình ảnh thầy cô lên lớp cho học sinh làm bài tập còn mình chúi đầu vào đống sổ sách dở dang ấy cũng đã trở nên quen thuộc ở nhiều trường học trong thời gian trước đây.
Giáo viên vất vả với đủ loại hồ sơ, sổ sách (Ảnh: Sa tế). |
Khoảng vài năm trở lại đây khi nhà nhà có máy tính thì giáo viên như được “cởi trói” phần nào vì nhiều hồ sơ không còn phải miệt mài, cặm cụi ngồi viết tay như trước.
Các thầy cô đã truyền cho nhau những “bí kíp” đối phó như cho nhau giáo án cũ chỉ việc chỉnh sửa, điều chỉnh một chút là xong vì những cuốn giáo án này đơn giản chỉ có giá trị để kiểm tra, hoàn toàn không có giá trị để sử dụng trong giảng dạy của mỗi người.
Với thâm niên đi dạy khoảng 10 năm thì chỉ nhìn vào một bài học, thầy cô đã có ngay cho mình hình thức, phương pháp áp dụng dạy ra sao cho hiệu quả.
Hay cung cấp những kiến thức gì để đạt chuẩn kiến thức kĩ năng, nâng cao những nội dung gì để bổ sung những kiến thức thiếu hụt cho các em…
Rồi những mẫu của sổ theo dõi, những biện pháp kèm học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh dõi…của đồng nghiệp cũng được thầy cô tham khảo và chọn cho mình những điều phù hợp.
Với việc ứng dụng công nghệ thông tin như thế đã giảm khá nhiều thời gian cho các thầy cô giáo phải ngồi chép tay.
Công nghệ thông tin đã tỏ ra tiện ích là thế nhưng một số địa phương lại lợi dụng chuyện này “đẻ” thêm việc cho giáo viên như việc theo dõi học sinh trên mạng giáo dục Việt Nam Vnedu nhưng vẫn buộc phải có hồ sơ viết tay để lưu.
Có quá nhiều các loại hồ sơ sổ sách vô bổ |
Điển hình như việc làm học bạ, phiếu liên lạc. Nhiều trường học yêu cầu giáo viên làm học bạ trên mạng Vnedu, làm xong giáo viên in ra nộp về trường.
Ngoài ra, giáo viên vẫn phải làm thêm vào những cuốn học bạ như trước đây.
Có không ít ý kiến thắc mắc lên ban giám hiệu “chỉ làm học bạ thôi nhưng phải mất đến 3 công đoạn vừa lãng phí công sức, vừa lãng phí tiền bạc. Ban giám hiệu cũng chỉ biết trả lời “Phòng yêu cầu phải làm thế nên mình buộc phải làm thôi”.
Ngoài học bạ, có không ít trường học ở một số địa phương khác, đồng nghiệp cho biết giáo viên vừa phải làm sổ liên lạc trên mạng để lưu cho trường vừa phải ghi tay để phát về cho học sinh. Nói sao không lấy phiếu liên lạc trên mạng in ra làm hồ sơ lưu thì được trả lời “phiếu liên lạc trên mạng khác mẫu với quy định của nhà trường”.
Sổ hội họp là cuốn sổ cá nhân của mỗi thầy cô. Họ dùng để ghi chép những công việc sẽ làm, những điều cần lưu ý cho cá nhân mình.
Thế nhưng không ít trường lại quy định đây là một trong những cuốn sổ sẽ bị ban giám hiệu kiểm tra đột xuất.
Thế mới có chuyện nực cười xảy ra, vào một ngày, khi các thầy cô vừa bước chân vào trường đã nhìn thấy thông báo trên bảng tin: “Ngày…giáo viên nộp sổ hội họp”.
Tức thì cả trường như “bầy ong vỡ tổ”. Người này hỏi mượn người kia để chép. Có người phải thay hẳn một cuốn sổ mới bởi “sổ của mình ghi thập cẩm đồng đăng nộp thế thì ngượng chết”.
Người cố gắng cũng chỉ chép được hơn chục dòng vì những buổi họp hội đồng khi hiệu trưởng triển khai công việc họ chỉ gạch đầu dòng mấy điều cần nhớ.
Sổ sách, hội thi và phong trào ngập đầu, giáo viên nâng chuyên môn lúc nào? |
Buổi họp hội đồng tiếp theo, toàn trường được buổi “lên lớp” te tua vì họp hành mà không ghi chép. Thế là quy định được ban hành luôn “thiếu sổ ghi chép hoặc chép sơ sài đồng nghĩa không đủ hồ sơ sổ sách theo quy định là thầy cô đang vi phạm quy chế chuyên môn”.
Dù nhiều giáo viên ấm ức “ghi chép sao miễn mình hiểu và làm đúng nhiệm vụ là được chứ gì, sao phải cứ hình thức như thế?”, nhưng rồi cũng chẳng ai dám lên tiếng vì sợ bị trấn áp bằng quyền uy.
Chỉ tội cho giáo viên mỗi khi đến buổi họp hội đồng phải miệt mài ngồi chép đến sái tay tất cả những “thượng vàng hạ cám” mà hiệu trưởng triển khai trong cuộc họp.
Có giáo viên bức xúc “chép ít thì 10 trang còn nhiều phải lên đến 15 trang” một lần họp. Cũng có thầy cô mạnh dạn đề xuất “nhà trường nên photo cho giáo viên mỗi người mỗi bản kế hoạch của hiệu trưởng. Giáo viên không phải chép mỏi tay, hiệu trưởng không phải đọc mỏi miệng há chẳng đỡ mất công hay sao?”.
Đáp lại là câu hỏi của giáo viên là câu trả lời thẳng thừng “in ra chắc gì thầy cô đọc. Chép tay có hai điều lợi, một là thầy cô luyện chữ, hai là hiểu rõ những công việc để làm”.
Nói đến thế thì dù không phục cũng chẳng ai còn muốn nói gì nữa. Và rồi họ lại lặng lẽ cặm cụi, cần mẫn ngồi ghi ghi, chép chép mà chẳng biết để làm gì.
Chúng ta cứ hô hào đổi mới giáo dục nhưng tư duy của người lãnh đạo vẫn không chịu thay đổi thì mọi cố gắng, nỗ lực trong giáo dục mãi chỉ là con số không tròn trĩnh mà thôi.