LTS: Năm 2010-2015, Bộ GD&ĐT cho phép thí điểm dạy Toán bằng tiếng Anh trong 30% các trường THPT ở thành phố lớn. Mỗi năm, tăng lên 15-20% số trường.
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, đến nay cả nước mới có hơn 30 trường THPT chuyên và không chuyên dạy các môn khoa học tự nhiên bằng ngoại ngữ. Cách dạy cũng chỉ xen kẽ với thời lượng ít, không hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Nhìn nhận vấn đề này từ thực tế của thầy và trò học môn Toán bằng song ngữ Việt-Anh hiện nay, cô giáo Đỗ Quyên muốn gửi lời nhắn nhủ rằng: Dạy song ngữ không phải cứ trường bạn làm được thì trường mình sẽ làm được.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến của cô.
Ngày xuân gặp nhau, cô em họ tôi là giáo viên dạy Toán một trường trung học phổ thông ở thị xã lên tiếng: “Tuần rồi, tổ Toán của em phân công em chuẩn bị dạy một tiết môn Toán song ngữ Việt– Anh cho học sinh lớp 12. Em đã tìm mọi cách từ chối nhưng không được, làm ăn Tết mất ngon”.
Tò mò, tôi hỏi: “Phân công thì dạy có gì phải bức xúc?” Cô em nhăn nhó: “Nhưng biết gì đâu mà dạy hả chị? Trình độ tiếng Anh không có thì dạy thế nào?
Chưa nói đến việc dạy tiếng Việt giảng hết hơi mà nhiều em vẫn chưa hiểu nổi cách giải một bài toán nói gì đến tiếng Anh. Họ cứ nghĩ giáo viên và học sinh của mình siêu phàm lắm!”.
Thương cho ngành Giáo dục vẫn còn nhiều cán bộ có tư tưởng học đòi, chạy đua theo hình thức (Ảnh: GD&TĐ) |
Tôi tiếp lời: “Sao em không trình bày ý kiến ra Hội đồng để Ban giám hiệu hiểu, cứ ngồi than vãn có ích gì?”
Cô em ấm ức: “Chị tưởng không nói sao? Giáo viên chúng em đã nói, vốn tiếng Anh quá yếu không thể dạy được. Họ nói cứ về soạn bài và tra google rồi tự học sẽ khắc biết.
Họ còn giải thích: "Nhiều trường học ở các tỉnh bạn dạy được thì tại sao mình lại không?" Trong khi, ban giám hiệu đang so với trường chuyên”.
Rồi cô em kể tiếp, khi trình bày ý kiến lên Ban giám hiệu không được chấp thuận, các giáo viên trong tổ Toán động viên nhau: “Cứ dạy đại đi cho xong nhiệm vụ, cho họ có cái báo cáo với cấp trên. Ai cũng không biết như nhau thì chẳng ai cười đâu mà sợ”.
Chuyện cô em tâm sự vừa xong, ít ngày sau, cô con gái học lớp 11 về nói:
“Hôm nay, cô dạy Toán của con nói, tháng sau lớp mình có dự giờ một tiết Toán dạy song ngữ Việt- Anh, cô đã photo những điều các em sẽ phải trả lời để học thuộc trước.
Cả lớp con ồ lên:“Tiếng Anh học chẳng biết gì sao có thể học song ngữ mà hiểu được hả cô? Cô giáo con nói: “Cô cũng như các em nên phải chuẩn bị trước thật kĩ”.
Liếc nhìn tờ giấy của con được phát về, tôi cũng hoa cả mắt. Những kiến thức đơn giản như đếm số bằng tiếng Anh thì không vấn đề gì nhưng từ dấu cộng, trừ, nhân, chia hay bình phương, lớn bé, dấu bằng…con cũng phải lẩm nhẩm như kiểu “tụng kinh” nhìn mà thấy tội và thương.
Lần đầu tiên thí điểm dạy Toán bằng tiếng Anh ở trường phổ thông(GDVN) - Lãnh đạo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết, sở này sẽ thí điểm dạy học môn Toán song ngữ Việt-Anh tại 34 trường: 26 trường THCS, 8 trường THPT. |
Tội cho thế hệ của con phải làm những chú “chuột bạch” trên bàn thí nghiệm, tội cho các con là nạn nhân của bệnh thành tích mà người lớn đang là chủ mưu.
Thương cho ngành Giáo dục vẫn còn nhiều cán bộ có tư tưởng học đòi, chạy đua theo hình thức mà chẳng cần quan tâm đến chất lượng thật, quan tâm đến học sinh sẽ học được gì từ việc được cho là đổi mới ấy.
Việc dạy môn Toán song ngữ Việt - Anh chỉ thật sự hiệu quả khi cả người dạy và người học đều có vốn tiếng Anh nhất định.
Nhưng thực tế, phần lớn giáo viên dạy Toán của chúng ta hiện nay ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có vốn tiếng Anh còn yếu.
Chưa nói đến trình độ tiếng Anh của học sinh còn tệ hơn nhiều. Không ít học sinh sắp tốt nghiệp lớp 12 nhưng không nói nổi một câu tiếng Anh thông thường.
Vì thế liệu áp dụng dạy Toán bằng song ngữ Việt-Anh như hiện nay ở một số trường trung học đã phù hợp chưa? Đâu phải trường bạn làm được thì trường mình cũng làm được theo?