Cụ thể, năm học mới này, cấp tiểu học sẽ tiếp tục dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh; điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp đặc điểm tâm sinh lí học sinh tiểu học; tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống;
Chỉ đạo triển khai hiệu quả mô hình trường tiểu học mới, mở rộng áp dụng tại các trường có điều kiện; đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học và thực hiện tốt Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học; tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, mở rộng áp dụng dạy học theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục ở các tỉnh, thành phố có nhu cầu; bảo đảm các điều kiện và triển khai dạy học ngoại ngữ theo chương trình mới...
Ảnh minh họa của Báo Gia Lai. |
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu phải thực hiện bàn giao chất lượng giáo dục, không để học sinh "ngồi sai lớp", không để học sinh bỏ học; không tổ chức thi học sinh giỏi ở tất cả các cấp quản lí; không giao chỉ tiêu học sinh tham gia các cuộc thi khác. Thực hiện đúng các quy định về quản lý tài chính trong các trường tiểu học; tiếp tục chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học.
Giáo dục đạo đức, kĩ năng sống cho học sinh thông qua các môn học, hoạt động giáo dục và xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá. Nhà trường chủ động phối hợp với gia đình và cộng đồng cùng tham gia chăm sóc giáo dục đạo đức và kĩ năng sống cho học sinh.
Tổ chức cho học sinh hát Quốc ca tại lễ chào Cờ Tổ quốc; tăng cường giáo dục thể chất, rèn luyện sức khỏe cho học sinh thông qua tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ.
Bộ cũng yêu cầu, tổ chức lễ khai giảng năm học mới (với cả phần lễ và phần hội) gọn nhẹ, vui tươi, tạo không khí phấn khởi cho học sinh bước vào năm học mới.
Trong đó, dành thời gian tổ chức lễ đón học sinh lớp 1, tạo ấn tượng và cảm xúc cho học sinh. Tổ chức 1 - 2 "Tuần làm quen" đầu năm học mới đối với lớp 1 nhằm giúp học sinh thích nghi với môi trường học tập mới ở tiểu học và vui thích khi được đi học.
Về thực hiện chương trình giáo dục, Bộ GD&ĐT chỉ đạo cần tăng cường các hoạt động thực hành vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, chú trọng giáo dục đạo đức/giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội cho học sinh. Giáo dục theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, phát triển năng lực học sinh.
Nội dung hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (4 tiết/tháng) cần thực hiện tích hợp các nội dung giáo dục âm nhạc, mỹ thuật, thủ công-kỹ thuật phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và nhà trường. Tiếp tục rút kinh nghiệm và chỉ đạo triển khai có hiệu quả thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học.
Bộ cũng yêu cầu, thực hiện có hiệu quả dạy học Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục tại 47 tỉnh thành, nếu cần có thể dạy học tăng thời lượng...
Về triển khai dạy học ngoại ngữ, Bộ nêu rõ, các giáo viên đạt chuẩn về năng lực tiếng Anh đã được bồi dưỡng về dạy học tiếng Anh phải được bố trí dạy chương trình thí điểm với thời lượng: ở các trường dạy học 2 buổi/ngày bố trí dạy 4 tiết/tuần; ở các trường khác thì nhà trường bố trí linh hoạt thời gian, không bắt buộc dạy hết chương trình, trong đó cần cập trung phát triển kỹ năng nghe và nói.
Các giáo viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn thì phải được bố trí đi học để đạt chuẩn trước khi phân công dạy.