Nhóm Việt Cường nêu ý kiến với Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực

01/04/2017 07:20
Nhóm tác giả Việt Cường
(GDVN) - Thế là sau rất nhiều năm tháng, lần đầu tiên nước ta có một Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Đào tạo do chính người đứng đầu Chính phủ làm Chủ tịch.

LTS: Trước thông tin Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, nhóm tác giả Việt Cường bày tỏ sự vui mừng và tin tưởng vào sự quan tâm, chú trọng phát triển giáo dục của lãnh đạo đất nước.

Nhân sự kiện này, nhóm tác giả cũng gửi một số góp ý đến Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhằm khắc phục những tồn tại của nền giáo dục hiện hành.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Một tin vui đối với sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo nước nhà: Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021 gồm 26 thành viên. 

Nhóm Việt Cường nêu ý kiến với Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực ảnh 1

Danh sách 26 thành viên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Hội đồng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Hội đồng. 

Thế là sau rất nhiều năm tháng, lần đầu tiên nước ta có một Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Đào tạo do chính người đứng đầu Chính phủ làm Chủ tịch. 

Hy vọng rằng những vấn đề mang tính chiến lược trọng phát triển Giáo dục và Đào tạo, những vấn đề căn bản về Luật Giáo dục (trong đó có cả Luật Giáo dục đại học và Giáo dục nghề nghiệp), rồi những vấn đề lớn như: Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ giáo dục quốc gia, Chiến lược và quy hoạch phát triển nhân lực đất nước… sẽ được Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhanh chóng giải quyết một cách khoa học, hợp lý, hiệu quả trên cơ sở thực tiễn đời sống chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội của đất nước hôm nay và trong tầm nhìn đến 2025 hoặc 2030. 

Phải khẳng định rằng nhiệm vụ của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực rất nặng nề, ngổn ngang trăm công nghìn việc. 

Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực được kỳ vọng mang lại những điều tích cực cho nền giáo dục nước nhà. (Ảnh: tuoitre.vn).
Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực được kỳ vọng mang lại những điều tích cực cho nền giáo dục nước nhà. ​(Ảnh: tuoitre.vn).

Hội đồng phải nghiên cứu, tư vấn giúp Chính phủ chỉ đạo, điều hành, quyết định các chính sách, biện pháp quan trọng phát triển giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và phát triển nguồn nhân lực; góp ý kiến về việc xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, đề án quan trọng thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. 

Lần đầu tiên, chúng ta đã có một Bộ Tham mưu tầm cỡ quốc gia để chỉ đạo hoạt động giáo dục và đào tạo của đất nước. 

Chúng tôi tin tưởng và hi vọng rằng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực sẽ hoàn thành tốt chức trách của mình, góp phần quan trọng “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà” theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng. 

Chúng tôi cho rằng việc cấp thiết đầu tiên cần phản làm ngay là đổi mới hệ thống giáo dục hiện hành. 

Bắt đầu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, rồi xuống các Sở, Phòng, Trường… Cần phải nhanh chóng cơ cấu lại hệ thống các Cục, Vụ, Viện ở cơ quan Bộ; các Phòng, Ban… ở cơ quan Sở… sao cho tạo ra một bộ máy quản lý giáo dục tinh gọn, hiệu quả, mang tính chuyên nghiệp. 

Cũng cần rà soát, đánh giá, phân loại, sắp xếp lại đội ngũ chuyên viện giáo dục các cấp; cần loại bỏ những người thiếu năng lực, chấn chỉnh lại những đơn vị thường phát hành những Chỉ thị, những Thông tư “Lên giời” gây nhiều bức xúc cho xã hội. 

Việc cấp thiết là đổi mới ngay hệ thống quản lý và tuyển dụng giáo viên công lập; xoá bỏ tình trạng phân cấp quản lý chồng chéo hiện nay: giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở thì do địa phương quản lý; giáo viên Trung học Phổ thông thì do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý; giáo viên Đại học và Cao đẳng thì do từng trường quản lý. 

Điều này dẫn đến sự phụ thuộc của biên chế viên chức giáo dục vào tổng biên chế viên chức của các tỉnh, thành…, dẫn đến sự lộn xộn, thiếu đồng bộ, gây ra nhiều thiệt hại và tiêu cực trong tuyển dụng viên chức giáo dục

Nhóm Việt Cường nêu ý kiến với Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực ảnh 3

Lập Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực

Theo thiển ý chúng tôi, hệ thống giáo viên công lập cả nước nên tập trung vào một mối, do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. 

Các địa phương chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ ngành giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ của mình chứ không có quyền quyết định, hoặc làm thay sứ mệnh giáo dục và đào tạo của ngành. 

Tình trạng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thế này, địa phương vẫn làm thế khác như việc điều chuyển giáo viên Trung học Cơ sở xuống dạy Mầm non như ở tỉnh Thanh Hoá vừa rồi cần phải chấm dứt ngay. 

Thực tế cho thấy, các địa phương thường có quan niệm: viên chức là của họ, quỹ lương do họ trả, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý về mặt chuyên môn, cho nên chẳng có vai trò gì trong việc tuyển dụng, sắp xếp và bổ nhiệm đội ngũ cán bộ viên chức của mình. 

Dẫn đến nhiều trường hợp lãnh đạo một số địa phương đã tuyển dụng và cất nhắc hàng loạt con em và những người thân của mình vào ngành giáo dục, bất chấp năng lực, trình độ, nhân cách của người được tuyển dụng và đề bạt. 

Ở nhiều tỉnh thành, ý kiến của người lãnh đạo cao nhất đã tạo thành một khu vực quyền lực tuyệt đối, không ai dám làm trái hoặc phản đối lại. 

Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cần phải nhanh chóng thay đổi hệ thống quản lý và tuyển dụng này thì mới tạo ra bước đột phá trong đổi mới giáo dục ở nước ta. 

Mọi tư tưởng, triết lý giáo dục từ xưa tới nay đều khẳng định và trò quyết định của người thầy trong chất lượng đào tạo. Không có đội ngũ thầy cô giáo giỏi và tốt, mọi đổi mới đều thất bại. 

Thiết nghĩ, trong biết bao công việc ngổn ngang, phức tạp và to lớn mà Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phải thực hiện, việc đổi mới ngày hệ thống quản lý giáo dục nhiều bất cập hiện nay là việc cấp thiết đầu tiên. 

Đó là những suy nghĩ chủ quan của một nhóm “Các lão giáo già” chúng tôi, rất mong nhận được sự chia sẻ, góp ý của độc giả.

Nhóm tác giả Việt Cường