LTS: Sự việc đầu tháng 9 Ủy ban Nhân dân huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa chấm dứt hợp đồng lao động với 647 giáo viên, kể cả hợp đồng lao động có thời hạn lẫn hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trong đó có những giáo viên đã công tác hàng chục năm đã gây xôn xao dư luận.
Đặc biệt, trước đó, ở Thanh Hóa vấn đề "lạm phát" cấp Phó đã được nhiều lần vạch mặt, chỉ tên và có sự chỉ đạo rà soát, sắp xếp lại nhân sự từ Thủ tướng nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Thầy giáo Nguyễn Cao đã đặt ra câu hỏi trong bài viết của mình: Tại sao việc "lạm phát" cấp Phó lại khó giải quyết trong khi cắt hợp đồng giáo viên ở tỉnh này lại được thực hiện rất "gọn gàng"?
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Thời gian qua, dư luận đã nói nhiều về một số sự việc lên quan đến việc “lạm phát” cấp Phó ở tất cả các huyện thị và một số Sở của Thanh Hóa; đồng thời, cũng phản ánh tình trạng hàng trăm giáo viên bị cắt hợp đồng...
Hai sự việc cùng ở một địa phương nhưng cách giải quyết sự việc lại khác nhau, vì sao những giáo viên lại dễ dàng tinh giản, cắt hợp đồng còn chuyện dư thừa cấp Phó thì địa phương lại viện hết lí do này đến lí do khác để giữ lại?
Chuyện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có tới 8 Phó giám đốc đã trở thành đề tài bàn luận của nhiều tờ báo trong hai tháng qua bởi nó vi phạm Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV, ngày 25/3/2015.
Tại Điều 3 của Thông tư này đã quy định rõ: “Số lượng Phó Giám đốc Sở không quá 3 người”; thế nhưng, kể cả việc Thủ tướng Chính phủ đã hai lần chỉ đạo về việc rà soát, sắp xếp lại nhân sự thì mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ cho dù đã hai tháng trôi qua.
Các lao động bị mất việc trao đổi (Ảnh: tienphong.vn). |
Ngoài việc dôi dư hàng loạt các cấp Phó ở các Sở Giáo dục thì các đơn vị trong tỉnh cũng dư thừa hàng loạt cấp Phó như: thành phố Thanh Hóa dư thừa 53 vị trí Phó phòng; huyện Triệu Sơn thừa 32 Phó phòng; huyện Thiệu Hóa thừa 20 Phó phòng; huyện Tĩnh Gia thừa 17 Phó phòng; huyện Yên Định thừa 12 Phó phòng; huyện Thạch Thành thừa 17 Phó phòng…
Không chỉ dư thừa ở cấp huyện, thị mà ở cấp xã cũng có rất nhiều những chức danh dư thừa. Tình trạng trên đã và đang xảy ra nhiều tiền lệ và hệ lụy xấu trong việc tuyển dụng và bổ nhiệm công, viên chức ở Thanh Hóa.
Cũng thời gian qua, chỉ riêng huyện Yên Định - Thanh Hóa “bỗng dưng” cắt hợp đồng với hàng trăm giáo viên hợp đồng.
Trong số họ có người kí hợp đồng với Uỷ ban Nhân dân huyện, có người kí với Ban Giám hiệu nhà trường nhưng họ đều có chung một số phận là thanh lí hợp đồng.
647 hợp đồng lao động của giáo viên ở Thanh Hóa đã bị đơn phương chấm dứt (Ảnh: phapluatplus.vn). |
Và, những giáo viên chỉ biết tháng ngày đứng trên bục giảng ấy giờ sẽ đi đâu, về đâu?
Hàng chục năm cống hiến cho ngành giáo dục để bây giờ nhận được là tờ giấy thanh lí hợp đồng vô cảm; những lí giải của những người có trách nhiệm và có thẩm quyền ở nơi đây cũng chỉ là cách đẩy đưa trách nhiệm.
Người này đẩy trách nhiệm cho người kia, khóa này đẩy trách nhiệm cho khóa trước và rốt cuộc là không có ai chịu trách nhiệm cho những việc làm của mình.
Không có ai băn khoăn khi “cuộc đời” của hàng trăm giáo viên phải thất nghiệp và lỡ dỡ sự nghiệp, hàng trăm gia đình rơi vào tình trạng khó khăn, loay hoay tìm lối thoát.
Tuy nhiên, xét cho cùng thì việc cắt hợp đồng số lượng giáo viên dư thừa cũng là điều cần thiết trong bối cảnh thực tại của địa phương và tình hình chung của cả nước.
Giấc mơ biên chế và chuyện "không thể lý giải" |
Điều mà dư luận băn khoăn là tại sao cũng là việc dư thừa hàng trăm cấp Phó nhưng những người có “chức quyền” lại được bảo vệ và khó tinh giản hoặc cắt hợp đồng làm việc, còn đối với giáo viên lại được các ban ngành địa phương nơi đây chỉ đạo mau lẹ đến thế?
Những người có trách nhiệm khi trả lời báo chí cứ loanh quanh viện mọi lí do để bảo vệ cho việc làm sai trái của mình về chuyện dư thừa cấp Phó; nào là do lịch sử để lại, do sở nọ, ban kia có thêm nhiều công việc.
Khi “đẩy” cả trăm con giáo viên ra đường thì lãnh đạo địa phương biện minh là “để tạo cơ hội cho giáo viên hợp đồng”. Vậy, tại sao lãnh đạo địa phương ại không “tạo cơ hội” cho các cấp Phó dư thừa đi tìm việc làm mới?
Cùng một địa phương, cùng là những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nhưng khác nhau ở mức độ chức quyền. Và có lẽ, với các giáo viên (những người ít chức quyền), việc dễ bị cắt hợp đồng để có “cơ hội đi tìm công việc khác” cũng là điều dễ hiểu!