Lạm thu là lừa đảo học trò và cha mẹ các em, không gì biện minh được

08/07/2018 06:46
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Chênh lệch thu, chi đã chảy vào túi của nhóm “lạm thu”. Nên “lạm thu” thực ra là lừa đảo học trò. Nhìn qua, “lạm thu” vẫn trong sạch.

LTS: Tình trạng lạm thu các khoản đầu năm trong nhà trường đã gây ra những gây bức xúc lớn trong xã hội.

Trong bài viết này, tác giả Sơn Quang Huyến tiếp tục có những chia sẻ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chưa hết hè, song rất nhiều phụ huynh đã phải đôn đáo mua sắm sách, vở cho con, chuẩn bị năm học mới.

Người có điều kiện thì đã đành, người “hoàn cảnh” cũng phải ráng mà đầu tư cho con cái.

Cùng thời gian này, các trường cũng bắt đầu có kế hoạch thu đầu năm của trường mình. Nào là học phí, xây dựng, vệ sinh, máy lạnh, tăng tiết, ngoại ngữ, kỹ năng sống…

Bài ca năm tháng tiền trường, mỗi năm lại có thêm nhiều khoản thu mới

Các khoản đóng góp đầu năm cũng làm đau đầu không ít phụ huynh học sinh. Không ít học sinh đành bỏ học vì bố mẹ không đủ điều kiện bước qua “con đường” này.

Dù đã có quy định khá rõ ràng các khoản thu đầu năm nhà trường được phép thu, thế nhưng khi nhìn vào các bản kê phải đóng góp, rất nhiều phụ huynh “tá hỏa”.

Trong thời gian qua, đã có nhiều hiệu trưởng “lạm thu” bị xử lý kỷ luật, song còn nhẹ, chưa tương xứng với mức độ ảnh hưởng tiêu cực của hành vi này lên xã hội. Vì thế “lạm thu” vẫn như vòi bạch tuộc, về mọi miền của đất nước.

Lạm thu được đánh tráo bằng mỹ từ “tự nguyện”, thế nhưng nó vẫn giữ nguyên bản chất: là thu quá mức quy định, thường để chiếm làm của riêng.

Lạm thu xảy ra trong trường học, nhưng thực chất chỉ có “bộ phận” hiệu trưởng và kế toán “lạm thu” mà thôi.

Đầu năm hiệu trưởng và kế toán lên kế hoạch, hạn mức thu, chi trong năm học. Thế nhưng, để “đường đường, chính chính” thu được thì phải có sự thống nhất, đồng ý của cái gọi là “ ban đại diện hội phụ huynh học sinh”. 

Ban đại diện hội phụ huynh thường được cơ cấu, hoạt động theo định hướng của hiệu trưởng, vì thế không khó khăn gì để nhận được cái gật đầu đồng ý, ký vào các kế hoạch thu, chi “tự nguyện” không do mình lập ra.

Bỏ Ban phụ huynh, Hiệu trưởng vẫn còn lòng tham, lạm thu có hết không?

Các phụ huynh, học sinh khi nhận giấy báo đóng góp phần lớn đều có suy nghĩ “người ta sao, mình vậy; thổi lửa cháy mồm”, nên “lạm thu” cứ lan tràn từ năm này sang năm khác.

Các khoản “lạm thu” thường có hoạt động thật, chi thật, chỉ có khác là thu nhiều nhưng chi ít, hay cùng một hoạt động nhưng có nhiều hơn một nguồn chi; hoặc các khoản chi thường có “hoa hồng” lại quả đậm đà.  

Từ đó chênh lệch thu, chi đã chảy vào túi của nhóm “lạm thu”. Nên “lạm thu” thực ra là lừa đảo học trò. Nhìn qua, “lạm thu” vẫn trong sạch.

Để chống “lạm thu” trong trường học, không gì hơn là phải minh bạch hóa các khoản thu đầu năm.

Tuyên truyền đến phụ huynh học sinh, chỉ phải đóng góp các khoản thu theo quy định.  

Các khoản thu “tự nguyện” phải được tính rõ ràng, sát với giá cả thị trường, có xét duyệt của các cấp có thẩm quyền, không cào bằng, chia đều cho mọi học sinh.

Phụ huynh có điều kiện thì đóng, không có điều kiện thì thôi, tuyệt đối không bắt buộc. Ban đại diện hội phụ huynh phải khách quan, trung thực, tránh bị lợi dụng làm bình phong cho “lạm thu”.

Nhà trường không được nêu tên học sinh, phụ huynh chưa đóng các khoản “tự nguyện” để gây áp lực.

Thực trạng lạm thu trong trường học gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)
Thực trạng lạm thu trong trường học gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)

Kết quả đóng góp “tự nguyện” không được làm tiêu chí thi đua của lớp để tránh giáo viên chủ nhiệm gây áp lực lên học trò.

Thu, chi các khoản “tự nguyện” phải báo cáo công khai, phải có đấu thầu thực hiện để cho mọi phụ huynh đều có thể giám sát được.

Hiệu trưởng “lạm thu” phải bị xử lý thích đáng, cách chức, đuổi việc, xử lý hình sự, tuyệt đối không dừng ở “rút kinh nghiệm”.  

Nếu xử lý “lạm thu” không đủ sức răn đe, “lạm thu” khó mà bị tiêu diệt.

Trường “lạm thu” là cá biệt, nhưng làm mất đi lòng tin của phụ huynh với giáo dục. Học sinh học trong môi trường “lạm thu” sẽ ít, nhiều mất niềm tin với giáo viên, vô hình trung những điều thầy cô dạy đã trở nên giả dối, kệch cỡm.

Không thể để “lạm thu” có đất sống trong trường học.

Tài liệu tham khảo:

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/lam-thu-dau-nam-hoc-chuyen-khong-moi-nhung-kho-giai-quyet-670646.vov

https://vnexpress.net/lam-thu-dau-nam/tag-530597-1.html

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Con-bao-nhieu-Hieu-truong-co-nguy-co-vuong-vong-lao-ly-post180447.gd

Sơn Quang Huyến