LTS: Trước những chia sẻ về việc sử dụng sổ liên lạc điện tử trong nhà trước, tác giả Phan Tuyết đã đặt ra câu hỏi “Có cần thiết dùng sổ liên lạc điện tử?”.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cả ba cấp học (từ tiểu học đến trung học phổ thông) nhiều trường học đang khuyến khích vận động phụ huynh đăng kí dùng sổ liên lạc điện tử.
Để thuyết phục cha mẹ các em, trong cuộc họp đầu năm, trường học đã cho nhân viên nhà mạng vào từng lớp quảng cáo về những ưu điểm của việc dùng sổ liên lạc điện tử.
Với cách nói khá lôi cuốn cùng với một số ưu đãi khi tham gia, không ít phụ huynh đã nhanh tay đăng kí dịch vụ.
Sổ điện tử liên lạc giúp phụ huynh theo dõi tình hình học tập, rèn luyện của con mỗi ngày hoặc mỗi tuần (Ảnh minh họa: sgdbinhduong.edu.vn). |
Nhưng hỡi ơi, chỉ khi sử dụng rồi nhiều người mới vỡ lẽ vì tác dụng mang đến cho họ không nhiều như những lời quảng cáo ban đầu. Không ít phụ huynh buột miệng kêu lên “cả tin nên mất tiền oan uổng”.
Loạn giá sổ liên lạc điện tử
Cùng là dịch vụ sử dụng sổ liên lạc điện tử nhưng mỗi địa phương lại có mức giá thông báo thu khác nhau.
Mức chênh lệch giữa các vùng khá lớn. Vùng thôn quê chỉ có giá giao động từ 50 - 60 ngàn đồng/học sinh/năm học. Nơi cao gấp đôi là 90 ngàn đồng/năm. Nơi lại có mức 110 ngàn đồng/năm.
Choáng nhất là hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có trường mức thu lên đến 220 ngàn đồng/năm.
Có không ít người thắc mắc, dùng sổ liên lạc điện tử chỉ để nhận tin báo của nhà mạng mà mỗi nơi có một mức giá chênh lệch nhau quá lớn như thế.
Sổ liên lạc điện tử tiện cho trường nhưng không lợi cho cha mẹ học sinh |
Nếu lấy mức giá thấp nhất so với mức giá cao nhất thì chênh lệch nhau đến 4 lần. Phải chăng đã có sự “làm giá” để nâng mức thu cao như vậy?
Có lẽ vì món lợi hoa hồng cũng không hề nhỏ, một số trường học chỉ động viên, khuyến khích phụ huynh tham gia theo tinh thần tự nguyện.
Nhưng có trường đưa luôn vào danh mục các khoản tiền phải nộp đầu năm buộc học sinh phải đóng như một hình thức bắt buộc.
Có cần thiết dùng sổ liên lạc điện tử?
Đăng kí dùng sổ liên lạc điện tử một thời gian, một số phụ huynh cho biết mình đã quá ảo tưởng về tác dụng của số điện tử.
Một số khác than thở: “Tưởng gì chứ vài tháng mới nhận được một tin nhắn thông báo về điểm số. Mà điều này, con tôi đã nói trước đó vài tuần rồi”.
Không riêng gì bậc trung học phổ thông, hai bậc học trung học cơ sở và tiểu học cũng chẳng khá hơn.
Tin nhắn chỉ đến khi các em có điểm. Riêng bậc tiểu học, hàng tháng cũng chẳng có điểm mà nhắn. Thế nhưng nhiều nơi, trường học cũng vận động phụ huynh đăng kí.
Thế là, giữa kì, phụ huynh mới nhận được vài dòng nhận xét kiểu rất chung chung: “Em đã hoàn thành tốt môn học”, “Em hát đúng nhịp, biết kết hợp các động tác, điệu bộ hợp lý”; “Hòa đồng, thân thiện với mọi người”… hay cuối mỗi học kì có được vài con điểm kiểm tra, hay thông báo số ngày vắng học có phép, không phép… nhưng lại trúng thời điểm cha mẹ các em đi dự cuộc họp cuối năm.
Có cha mẹ ngao ngán thốt lên “Tưởng gì, những điều này không nói cũng biết. Cái mình cần là sự trao đổi về tình hình học tập, rèn luyện của con mỗi ngày hoặc mỗi tuần mới có thể nhắc nhở, điều chỉnh kịp thời. Còn kiểu này, có cũng như không”…
Điều nhiều phụ huynh cần nhất là “không có điều kiện gặp thầy cô của con thường xuyên, có sổ liên lạc điện tử sẽ biết con học hành và sinh hoạt thế nào ở trường để chấn chỉnh kịp thời”…
Nhưng nhìn chung sổ liên lạc điện tử hiện vẫn không đáp ứng được điều đó.
Nên giữ mối liên lạc thường xuyên với giáo viên
Đa phần giáo viên chọn cách gọi điện thoại đến phụ huynh để thông báo tình hình học tập và rèn luyện của học sinh trên lớp. Cách này vì vừa nhanh, kịp thời vừa đỡ mất thời gian soạn thảo những lời nhắn.
Ví như học sinh A trong giờ không tập trung, làm bài cẩu thả, chửi tục, đánh bạn… giáo viên chỉ cần nhấc máy, phụ huynh đã nắm được những sự việc xảy ra với con ở trường hôm đó để về nhắc nhở, răn đe.
Hay một học sinh cấp 2, 3 hôm ấy cúp tiết, nghỉ học không phép… giáo viên thông báo ngay với phụ huynh sẽ hiệu quả hơn.
Nhiều giáo viên đã chủ động kết nối các hệ thống như Viber, Zalo, Facebook để nhắn tin, gọi điện miễn phí với phụ huynh học sinh.
Bên cạnh đó, thi thoảng các bậc phụ huynh cũng cần chủ động liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để hỏi thăm trực tiếp tình hình của con cháu mình.
Sự phối kết hợp hai chiều như thế sẽ có tác dụng hơn nhiều cái sổ liên lạc điện tử kia mà nhiều trường đang áp dụng.
Làm được thế, phụ huynh đỡ mất một khoản tiền vô ích mà còn kịp thời nắm bắt được việc học và sinh hoạt của các con hàng ngày.