Sổ liên lạc điện tử: Có cũng được, không cũng chẳng sao

15/01/2015 06:10
Hồng Nhung
(GDVN) - Tin nhắn không dấu khó đọc, nội dung chung chung, đến trễ, có cũng được không cũng chẳng sao... vậy thì sổ liên lạc điện tử có cần thiết hay không?

Với nhiều mức giá khác nhau tùy thuộc vào các gói dịch vụ nhưng nội dung thông tin lại chưa đáp ứng được kỳ vọng của phụ huynh học sinh, vậy câu hỏi đặt ra là “Sổ liên lạc điện tử có cần thiết hay không?”

Phụ huynh bỏ tiền ra mua được gì?

Một phụ huynh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội có chia sẻ rằng, chị kỳ vọng vào những thông tin nhận xét chi tiết về con mình trong ngày học trên lớp, chứ không phải là tin nhắn con học bài bao nhiêu, viết cái gì, làm phép tính nào… Cái này chỉ cần theo dõi vở của con là biết được, hoặc không cần tin nhắn thì con cũng thông báo cho cha mẹ biết.

Bên cạnh đó, vào đầu năm học, con và các bạn trong lớp đều được bố mẹ mua cho một quyển vở riêng gọi là “vở dặn dò”. Sau mỗi buổi học, giáo viên sẽ nhắc con ghi chép vào trong vở những gì cần ghi nhớ, các bài tập về nhà rồi cho cha mẹ xem. Cha mẹ chỉ cần giở vở dặn dò ra là có thể biết được.

Một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Hà Nội) cho biết: “không cần cũng được, vì bây giờ con lên lớp 2 cũng biết viết rồi, có quyển dặn dò thấy viết còn chi tiết hơn là tin nhắn”.

Nếu nói là con mải chơi không ghi chép bài tập về nhà trong vở dặn dò, vị phụ huynh này cho rằng trường hợp đó hiếm nhưng không phải không xảy ra. Tuy nhiên, các tin nhắn báo về cũng không bao giờ nhắc cụ thể làm bài nào trong sách giáo khoa, mà chỉ nhắc chung chung “cha mẹ nhắc con làm bài tập làm văn”, “cha mẹ cho con tập đánh vần”, “

Một phụ huynh có con học tại Trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Nội) lại chia sẻ, có những hôm đón con tại cổng trường, con đã khoe hôm nay được điểm mấy, môn nào, rồi bài làm thế nào rồi, không cần chờ tin nhắn gửi đến, trong khi tin nhắn có đến cũng phải cuối giờ chiều.

Một tin nhắn được phụ huynh cho là được soạn chung rồi gửi đi cho tất cả phụ huynh trong lớp. Ảnh: Hồng Nhung
Một tin nhắn được phụ huynh cho là được soạn chung rồi gửi đi cho tất cả phụ huynh trong lớp. Ảnh: Hồng Nhung

Một phụ huynh khác thì thẳng thắn cho rằng: “Nói là sổ liên lạc nhưng không cần thiết. Có việc gì quan trọng giáo viên vẫn phải gọi điện thoại hoặc nhắn tin trực tiếp cho phụ huynh, như việc gấp mà chờ đến cuối ngày tin nhắn báo về thì cũng xong rồi. Hoặc với những trường đăng ký sử dụng dịch vụ nhắn tin mỗi tuần, tức là với tần suất 1-2 tin nhắn/ tuần thì những thông tin cung cấp cho phụ huynh có phải là thông tin kịp thời hay đã giải quyết xong rồi.”

Sổ liên lạc điện tử có trường sử dụng có trường không. Ở những trường không dùng sổ liên lạc điện tử thì giáo viên sẽ thông tin với phụ huynh bằng cách nào?

Cô Hải Yến – giáo viên một trường tiểu học dân lập cho biết, năm học trước trường cũng có dự định sẽ triển khai sổ liên lạc điện tử bắt đầu từ năm học này, bởi khi giáo viên vào điểm bằng máy tính sẽ gửi luôn cho phụ huynh được. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm học mới này có quy định không chấm điểm thường xuyên học sinh tiểu học nữa nên trường thấy không cần thiết. Mặt khác, dịch vụ này là do phụ huynh có nguyện vọng đăng ký mới làm, không thì thôi.

Không sử dụng dịch vụ sổ liên lạc điện tử, thông tin liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh vẫn là từ giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm liên lạc bằng điện thoại và nhắn tin thường xuyên cho phụ huynh, không quy định một ngày bao nhiêu tin nhắn cho mỗi em. Theo cô Yến “có gì bất thường thì nhắn, 8h chưa thấy con đến lớp thì nhắn tin cho phụ huynh, con ốm đau ở đâu…, còn không có thì thôi”.

 Vở dặn dò: "ghi đầy đủ việc giáo viên nhắc phải làm, phê gì trong đó, tối về nhà các con phải đưa cho bố mẹ xem và kí vào". - theo cô Hải Yến (giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội). Vậy có vở dặn dò sao còn cần sổ liên lạc điện tử?

 Cô Yến cho biết: "mỗi con đều có vở dặn dò, trong đó ghi đầy đủ việc giáo viên nhắc phải làm, phê gì trong đó thì tối về nhà các con phải đưa cho bố mẹ xem và kí vào". Với lớp 1, có thể yêu cầu bố mẹ kiểm tra hàng ngày và kí tên, lớp lớn hơn thì tùy trường hợp đặc biệt bố mẹ cần kí như hôm nay con chưa làm bài này, con mắc lỗi này… để bố mẹ biết được tình hình học tập trên lớp của con.

Cô Yến cũng chia sẻ rằng, trước đây tiền nhắn tin điện thoại là do giáo viên bỏ ra, nhưng bây giờ được nhà trường hỗ trợ 100 nghìn một tháng. Thông tin giữa giáo viên và phụ huynh thường xuyên hơn, theo sát các con hơn.

Và phụ huynh mong muốn gì?

Trong đời sống, người ta chỉ chấp nhận bỏ tiền ra để mua thứ mà mình biết, mình muốn và đáp ứng được nhu cầu của mình. Người tiêu dùng có thể bỏ tiền ra mua thứ mà họ không có thông tin, và cũng chẳng biết có đáp ứng nhu cầu của mình hay không khi họ...bị lừa.

Thật nực cười là tin nhắn liên lạc điện tử hiện ở dạng thứ hai nêu trên.

Phụ huynh “than thở” vì sổ liên lạc điện tử, bởi nó không được như kỳ vọng mà họ mong muốn. Vậy họ kỳ vọng điều gì ở dịch vụ nhắn tin sổ liên lạc điện tử?

Đó là thông tin “chính xác” về con cái mình, chứ không phải thông tin chung chung, học sinh nào cũng giống nhau; “kịp thời” – không phải 7 rưỡi vào học mà 8h kém mới thông báo nghỉ học do trời lạnh; 9h, 10h tối chuẩn bị cho con đi ngủ mới nhận được tin nhắn báo về...

Một giáo viên dạy THPT đồng thời là phụ huynh tại quận Ba Đình (Hà Nội) cho rằng, thông tin gửi đến phụ huynh là cần thiết để có thể nắm bắt được tình hình trên lớp của con, theo dõi xem con đang học đến bài nào, cần phải ôn tập những gì. Chưa nói đến học sinh lớp dưới bố mẹ luôn theo dõi sát sao, ngay đến học sinh cấp ba nhiều em mải chơi, có khi còn nói dối bố mẹ. Xét về khía cạnh cung cấp thông tin là cần thiết, còn nội dung có đảm bảo hay không lại là chuyện khác.

Để có thể cung cấp thông tin của học sinh trên lớp đến phụ huynh qua tin nhắn SMS cần có sự hỗ trợ của giáo viên đứng lớp. Theo đó, giáo viên sẽ ghi chép trên lớp => gửi Văn phòng trường => Trung tâm mạng để xử lý => Phụ huynh. Đơn vị cung cấp dịch vụ sổ liên lạc điện tử có thể cử người đến trực, nhập liệu, còn phần mềm gửi đi là do máy móc tự xử lý. Nhà trường đóng vai trò cung cấp thông tin đến đơn vị, đồng thời giám sát nội dung thông tin. Tuy nhiên, thông tin thế nào lại hoàn toàn phụ thuộc vào người cấp – giáo viên.

Nhưng giáo viên đâu chỉ có mỗi việc đứng lớp, ghi chép và báo cáo?

Vậy cần phải đưa ra cách quản lý như thế nào để nội dung thông tin được truyền tải đến phụ huynh chính xác, kịp thời và đầy đủ nhất?.

Kỳ sau: Nhà trường hay doanh nghiệp - trách nhiệm thông tin thuộc về ai?

Hồng Nhung