LTS: Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tác giả Nguyễn Toàn hiện đang công tác tại tỉnh Đồng Tháp đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết với mong muốn được chia sẻ về tình cảm thầy trò.
Qua đó, tác giả cũng xin được gửi đến những người thầy người cô đã từng dạy dỗ mình năm xưa lời cảm ơn, lời tri ân sâu sắc nhất.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Một mùa Hiến chương Nhà giáo nữa lại sắp về, khắp đâu đó trên mọi nẻo đường của đất nước, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các cô cậu học trò mang những đóa hoa tươi dâng kính lên những người thầy người cô yêu dấu.
Ngày 20/11, là dịp để các thế hệ học sinh “đền đáp” công ơn dưỡng dục của các thầy cô, là dịp để lớp lớp học trò ghi nhớ sâu sắc, gửi lòng thành biết ơn đến những người “tháng tháng, năm năm vẫn không ngừng chèo lái con thuyền tri thức” cập bến an toàn.
Tình cảm thầy cô và học trò (Ảnh minh họa: vtv.vn). |
Tựu trung cảm xúc của hầu hết những người học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường hay những người đã rời xa mái trường xưa đều mong muốn được đến thăm các thầy cô giáo, để gửi những lời tri ân đến thầy cô – người đã dìu dắt, đã phải chịu đựng biết bao trò tai quái mà những đứa học trò ngày xưa gây ra, hay thường là những vị cứu tinh của những đứa học sinh bị bắt nạt, những người đã truyền thụ kiến thức, vốn sống để ta vững tin trong đường đời...
Có thể nói thầy cô như là những thần tượng của học trò, là người cha, người mẹ thứ hai vậy.
Còn đối với các em đang ngồi trên ghế nhà trường hay giảng đường đại học, những ngày này các em không chỉ dâng kính những bó hoa tươi thắm mà còn không ngừng cố gắng học tập để đền đáp công ơn thầy cô những bông hoa điểm mười đỏ tươi, đó là cách tri ân để các thầy cô vui nhất trong ngày trọng đại ấy.
Suy cho cùng cảm xúc chủ đạo trong ngày Nhà giáo Việt Nam này hầu hết là sự kính trọng, tôn sư trọng đạo, quý mến thầy cô, luôn tìm thấy ở thầy cô cảm giác gần gũi, yêu thương, quan tâm nhắc nhở chia sẻ như mẹ cha ở nhà vậy.
Với em Hồ Trọng Đại, học sinh Trường trung học phổ thông chuyên Nguyễn Quang Diêu, thành phố Cao Lãnh chia sẻ:
“Thầy cô là người đã dạy cho em nét chữ đầu tiên để rồi sau này, khi em lớn lên, em mới hiểu sự ân cần của cô, khi cầm tay em uốn từng nét chữ không chỉ đơn thuần là dạy con biết viết, mà nết người của con cũng bắt đầu từ những nét chữ A,B,C và tiếng tập đọc các con chữ i tờ bằng tất cả tình cảm, vốn sống của mình.
Tất cả những gì thầy cô làm chỉ mong cho học sinh của mình sẽ tốt hơn, trưởng thành hơn”.
Em Bùi Thị Tâm, sinh viên Trường đại học Đồng Tháp thì chia sẻ: “Những lời thầy cô nói sẽ ấm mãi trái tim em, thầy cô đã mang đến cho em ánh sáng tri thức, truyền cho em ngọn lửa của nghị lực sống, niềm tin trong giông bão, là ngọn lửa của yêu thương chia sẻ sưởi ấm buốt giá. Em luôn nghĩ về thầy cô với tất cả niềm cảm kích, lòng biết ơn vô hạn”.
Thầy cô hỏi đứa nào, đứa ấy đều khai hết...tội của lớp |
Sau gần 30 năm công tác tại Trường trung học phổ thông huyện Cao Lãnh 1, cũng là chừng ấy thời gian cô Huỳnh Mai Hương lặng thầm chứng kiến bao lớp học trò trưởng thành.
Với cô tình cảm học trò luôn giản dị, tươi vui mà ấm áp vô cùng, cô luôn nhớ và tự hào rằng mỗi lần sinh nhật của cô thì học trò đang công tác gần nhà luôn đến tận nhà để tổ chức, nhiều lúc cô xúc động không kìm được nước mắt, kỷ niệm về học trò cứ đong đầy và dài theo năm tháng.
Trong ngày đặc biệt nhất trong năm, cô bùi ngùi: “Điều ấn tượng nhất với những tháng năm dạy học là học sinh dù ra trường hay còn đang học, cứ đến ngày 20/11 các em luôn điện thoại, nhắn tin và gửi những lời yêu thương, chúc mừng tốt đẹp nhất.
Đó là nghĩa cử rất đáng tôn trọng, là truyền thống kính trọng tôn sư trọng đạo ngàn đời của dân tộc vẫn còn nồng ấm mãi trong tim bao thế hệ học trò.
Nhưng trong sâu thẳm trong tim, cô luôn vui nhất không phải vì được nhận hoa và quà của học trò, cô vui vì thấy rằng những đứa học trò của mình đã lớn khôn, biết được rằng những thành quả của mình với bao công sức tâm huyết đã giúp các em trưởng thành và đạt được thành quả trong cuộc sống, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhật ký của em Trà My, một cựu học sinh Trường trung học phổ thông Thiên Hộ Dương chưa xa trường nhưng đã rưng rưng hoài niệm:
“Có những mảnh ký ức được chúng ta xếp dài theo thời gian. Có những sai lầm ta học được từ cuộc đời bon chen vất vả và bài học sau đó rất hiếm lần ta trả giá mà không phải xây xát, không phải đớn đau.
Có những người thầy vẫn đứng mãi bên sân trường năm ấy, chỉ với một mong mỏi duy nhất là những người sang sông sẽ thành công, yên ấm”.
Thầy Huỳnh Quốc Chí, giáo viên Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Lấp Vò chia sẻ:
“Điều giàu có nhất đối với thầy là tình cảm học trò là niềm tin của các em; học sinh có thể tâm sự bất kỳ điều gì với thầy và có thể đứng trước mặt thầy khóc khi chúng gặp khó khăn.
Ngày 20/11 đến, thầy lại thấy tâm trạng mình ở vai học trò nhiều hơn vì thầy nhớ những người thầy của mình năm xưa, đó cũng là cách dặn lòng mình đi theo nghề giáo thì phải sống xứng đáng với con đường mình đã chọn”.
Thật vậy, ngoài những học trò ngoan hiền, chăm lo đèn sách, ở đâu đó, còn tồn tại những cô cậu học trò nghịch ngợm, quậy phá làm phiền lòng thầy cô. Nhưng bằng tất cả yêu thương, ân cần thầy cô đã uốn nắn, yêu thương và dành cho học trò của mình những điều tốt đẹp nhất.
Tôi đã từng là nhà giáo, vì điều kiện cuộc sống xa quê hương nên không tiếp tục công tác trong ngành giáo dục nữa, nhưng cứ đến ngày 20/11, lòng tôi luôn bùi ngùi xúc động lạ thường, bởi từ những con chữ i tờ bập bõm đầu tiên đến những kiến thức sâu xa sau này, tất cả đều mang đậm dấu ấn truyền dạy của thầy cô.
Xin gửi đến thầy cô giáo đã từng dạy dỗ tôi năm xưa lời cảm ơn, lời tri ân sâu sắc vì đã dìu dắt em những ngày đầu tiên học lễ, hậu học văn.
Chúc các thầy giáo cô giáo và các đồng nghiệp của tôi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc để mãi mãi vun đắp cho sự nghiệp trồng người.