LTS: Đưa ra quan điểm của mình về việc làm ma trận đề ở bậc học Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, thầy giáo Nguyễn Văn Tú cho rằng có những điểm chưa hợp lý.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Những năm gần đây, ở bậc học Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trong khi ra đề kiểm tra 15 phút, 1 tiết ở bất cứ dạng nào, từ tự luận đến trắc nghiệm, ngành giáo dục cũng bắt giáo viên lập ma trận đề.
Theo khái niệm thì ma trận đề là bản đồ mô tả chi tiết các nội dung, các chuẩn cần đánh giá, nó là bản thiết kế kĩ thuật dùng để biên soạn đề kiểm tra, đề thi.
Cụ thể là nội dung đề kiểm tra đó là ra ở bài học nào, ở chương nào, ở phần nào, ra ở cấp độ (các cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng) mỗi cấp độ có bao nhiêu câu hỏi, mỗi câu bao nhiêu điểm, tổng số điểm của mỗi cấp độ là bao nhiêu, tỉ lệ điểm của mỗi cấp độ so với điểm của toàn bài kiểm tra như thế nào, rồi tổng số câu của cả đề là bao.
Nghĩa là phải lập bảng kê khai cụ thể, chi tiết. Việc làm này làm khổ cho giáo viên lại chẳng đem lại lợi ích gì cho học sinh.
Ảnh minh hoạ về một ma trận đề. Ảnh: http://hocsinhmientay.net |
Xưa nay, bất cứ bài kiểm tra dưới dạng nào cũng nhằm đánh giá quá kết quả học tập của học sinh.
Cho nên, giáo viên khi ra đề đã định hướng trong đầu của mình là nội dung trọng tâm là ở bài học nào, ở chương nào, phần nào rồi.
Và họ ra đề luôn nằm trong ba mức độ ở là trung bình, khá, giỏi và đó chính là nhận biết, thông hiểu, vận dụng mà nay ma trận đề nói đến.
Và ở đề nào họ cũng có đáp án cụ thể. Em nào học như thế nào thì điểm như thế nấy. Và điểm chính là thước đo của kiến thức và kĩ năng học tập của các em.
Và đó là điều đương nhiên không gì bàn cãi. Cho nên, làm ma trận đề chẳng có bổ ích gì cho học sinh.
Nó cũng chẳng góp phân nâng cao chất lượng dạy học mà ngược lại là một cách “hành” giáo viên kiểu mới, là cái cớ để bắt bẻ, làm khó giáo viên khi kiểm tra hồ sơ giáo án của giáo viên thôi.
Nên dừng việc kiểm tra trắc nghiệm ở học sinh tiểu học, trung học cơ sở |
Cần khẳng định lại rằng vấn đề cải cách, đổi mới giáo dục không phải là vấn đề lập ma trận đề mà là làm thế nào, làm bằng cách nào để khỏi lãng phí thời gian, công sức của giáo viên mà ngược lại giúp giáo viên dạy tốt hơn, nhằm nâng cao chất lượng dạy học, để cái đích nghĩa cuối cùng là làm là nhằm giúp học sinh học tốt hơn, học sinh được rèn luyện được kĩ năng hữu hiệu hơn, chứ cứ bắt giáo viên đầu tư thời gian, công sức vào việc lập ma trận đề rối rắm như thời gian qua thì vô ích quá, viễn vông quá, chẳng thiết thực gì cho cả thầy lẫn trò.
Và thực tế đã nhiều năm thực hiện việc soạn ma trận đề theo chỉ đạo của Ngành thì thử hỏi mỗi lần kiểm tra đề của Sở, của Phòng, ngoài đáp án ra, có bao giờ các đơn vị này lập ma trận để để giáo viên các trường biết, để học hỏi không?
Câu trả lời là không! Mà cũng chẳng cần học hỏi để làm gì khi từ học II của năm học 2010-2011 đến nay đã hơn 7 năm thực hiện ma trận đề rồi, có cấp nào sơ kết, tổng kết đánh giá lại sự lợi hại của việc lập ma trận đề này để báo cáo cho giáo viên toàn ngành biết chưa?
Xin thưa là chưa! Vì sao lại không lập, không làm. Vì nó không thiết thực, chẳng bổ ích gì cả.
Tóm lại, học sinh đâu cần thiết phải biết ma trận đề nên giáo viên cũng không cần thiết phải lọ mọ ngồi lập ma trận đề làm gì mà để thời gian, công sức đó mà tận tâm, tậm lực chấm bài thật kĩ, sửa bài thật chính các, chỉnh chu cho học sinh.
Đó mới chính là một cách làm thiết thực, cụ thể nhất, nhân văn nhất cần có trong việc cải cách giáo dục hiện nay nhằm góp năng cao chất lượng dạy học.