LTS: Cho rằng công đoạn ra đề kiểm tra và chấm thi là một việc làm vô cùng quan trọng, cần phải thực hiện một cách chính xác, cẩn thận tránh sai sót, là một nhà giáo với nhiều năm kinh nghiệm trong bài viết lần này tác giả Đỗ Tấn Ngọc đã có những chia sẻ về vấn đề trên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Các trường phổ thông trong cả nước đang bước vào giai đoạn nước rút để kết thúc học kỳ 1 của năm học 2017-2018.
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, dạy và học là nhiệm vụ trọng tâm luôn được các nhà trường, thầy cô giáo và các em học sinh đặc biệt chú trọng, quan tâm.
Một số nhà trường đã giới thiệu một số đề kiểm tra, đề thi thử học kỳ 1, đề thi thử trung học phổ thông quốc gia đến học trò trên các trang mạng nội bộ.
Khâu ra đề thi, kiểm tra cần thận trọng tránh sai sót (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn). |
Sau một thời gian được tập huấn, hướng dẫn kỹ lưỡng về cách làm ma trận, ra đề kiểm tra, đề thi, đáp án chấm theo hình thức trắc nghiệm cũng như tự luận, các tổ, nhóm chuyên môn, thầy cô giáo, nhất là bậc trung học phổ thông đã khá tự tin, nhuần nhuyễn với công việc này.
Kiểm tra, đánh giá - công đoạn cuối của quá trình dạy và học, nếu được chuẩn bị, thực hiện một cách bài bản, chu đáo sẽ có tác dụng to lớn trong việc kiểm định chuẩn xác và thúc đẩy chất lượng dạy của thầy, học của trò.
Để ra được một ma trận đề, đáp án chấm đảm bảo chuẩn kiến thức - kỹ năng, có độ phân hóa tốt, phù hợp với đặc điểm, năng lực học tập của học sinh từng khối, lớp trường mình dạy là một thử thách không nhỏ đối với năng lực, trách nhiệm của từng người thầy, cô giáo.
Do đặc thù cấp học nên ở bậc tiểu học, ít đặt nặng về việc ra đề kiểm tra, thi học kỳ. Nhà trường, giáo viên của cấp học này có phần nhẹ nhàng, đỡ bớt áp lực.
Bậc học trung học cơ sở, trung học phổ thông từ lớp 6 đến lớp 12 gắn liền với điểm số, điểm thường xuyên, điểm định kỳ và học sinh lớp 9, lớp 12 năm cuối cấp ở nhiều địa phương phải trải qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (2 trong 1) thì vai trò, trách nhiệm của đơn vị, tổ chuyên môn và giáo viên trong công đoạn ra đề, làm ma trận và đáp án chấm khá vất vả, cực nhọc.
Có giáo viên phải mất cả tuần mới xong một cái đề thi và đáp án. Đề kiểm tra, thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan (như thi trung học phổ thông quốc gia 4 năm qua) với hàng trăm câu hỏi và được xáo trộn thành nhiều phiên bản đề khác nhau.
Từ đó, nhằm hạn chế tình trạng học sinh trao đổi, quay cóp trong phòng thi) luôn đòi hỏi rất cao ở tính cẩn thận, chỉn chu và năng lực, kiến thức chuyên môn vững vàng của giáo viên được phân công.
Nhiều năm nay, các Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo thường hay hướng dẫn, tổ chức kiểm tra học kỳ, thi thử cho tất cả học sinh các khối, lớp trên địa bàn huyện (quận), thành phố (tỉnh) với đề kiểm tra, thi chung của Phòng, Sở để nhìn nhận, đánh giá mặt bằng, chất lượng dạy và học của mọi nhà trường.
Thực tế cho thấy, hễ Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra, thi đồng loạt thì các nhà trường, giáo viên, học sinh có phần lo lắng, tập trung ôn tập, học hành kỹ lưỡng hơn.
Vì không có chuyện rút gọn nội dung, giới hạn đề cương đồng thời khó đoán định được họ sẽ ra ở phần nào.
Vì lẽ khác, các nhà trường, thầy cô giáo chẳng muốn chất lượng dạy và học của trường mình lại thấp kém nhiều so với các trường bạn khi mà Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp kết quả cụ thể từng mức điểm đạt được của tất cả các đơn vị.
Tuy nhiên, một vài sai sót, nhầm lẫn về kỹ thuật, kiến thức trong một số đề kiểm tra, thi thử của trường, Phòng, Sở Giáo dục xảy ra trong thời gian qua được báo chí phản ánh vẫn khiến phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội chưa thật hài lòng, yên tâm về quy trình làm đề và chất lượng, độ phân hóa của đề thi.
Nghiêm trọng hơn, có hiện tượng để lộ đề thi kiểm tra học kỳ, đề thi tuyển sinh vào lớp 10.
Đến hôm nay, dư luận xã hội chắc chưa quên vụ lộ đề thi kiểm tra học kỳ 2 năm học vừa rồi, đối với hai môn Toán và Lịch sử của khối 11 ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp.
Kết luận của cơ quan công an tỉnh Đồng Tháp chỉ rõ, nguyên nhân đề thi hai môn Toán và Lịch sử khối 11 bị lộ là từ Ban in sao của trường trung học phổ thông Cao Lãnh.
Theo đó, một thành viên của Ban in sao của trường đã đánh cắp đề mang về nhà với mục đích cá nhân và từ đây đề bị phát tán trên mạng xã hội.
Theo cơ quan chức năng, việc thầy A. tự ý mang đề thi ra khỏi nơi quy định dẫn đến việc lộ đề thi là hành vi vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Trong quá trình làm việc với cơ quan công an, ông A. đã thừa nhận hành vi, thành khẩn khai báo.
Đây là một bài học đắt giá cho thầy A ở tỉnh Đồng Tháp trong công tác làm và bảo mật đề thi, đồng thời có tính cảnh báo, nhắc nhở chung đối với tất cả thầy cô giáo khi được giao nhiệm vụ làm đề, in sao, bảo mật đề kiểm tra, đề thi.
Mùa thi học kỳ 1 năm học 2017-2018 ở các bậc học phổ thông trên cả nước cũng sắp đến rất gần, tôi hy vọng, công đoạn ra đề kiểm tra, thi của các nhà trường, Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo luôn trọn vẹn, không để xảy ra bất kỳ sai sót, sự cố đáng tiếc nào.