Máu tình nguyện luôn chảy trong huyết quản

20/02/2012 07:01
Đỗ Quyên Quyên
(GDVN) - Lâm Tùng tâm sự: “Áo tình nguyện có thể không mặc nhưng máu tình nguyện không thể không chảy”.
Máu tình nguyện luôn chảy trong huyết quản ảnh 1
Máu tình nguyện luôn chảy trong huyết quản

Chàng trai tình nguyện

Lâm Tùng sinh năm 1990, hiện là Ủy viên Ban thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, là người kết nối hoạt động của 16.000 sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân. 

Lâm Tùng nhận bằng khen của Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, Hội sinh viên thành phố Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong nhiều năm liền. Vừa qua, bạn được vinh dự nhật danh hiệu Sao tháng giêng, một phần thưởng cao quý cho sinh viên ưu tú.

Trong hoạt động tình nguyện của mình, Lâm Tùng quan niệm: “Người đứng đầu không nhất thiết phải là người giỏi nhất, nhưng phải là người thích hợp nhất”. Bằng những hoạt động thiết thực của mình, Lâm Tùng đã chứng tỏ vai trò “thích hợp nhất”.

Bốn năm Đại học, Lâm Tùng đã có mặt trên nhiều chặng đường tình nguyện từ các tỉnh thành, vùng sâu vùng xa trong cả nước. Tham gia tình nguyện, Lâm Tùng biết nhận trách nhiệm khi người khác ngồi nhìn, biết mỉm cười với người đi đường trong khi tham gia giao thông, biết gấp áo xanh cho ngay ngắn, biết dỗ trẻ em khóc. Và nhất là lúc ngừng lại Lâm Tùng biết, mình đã lớn lên rất nhiều. 

Đối với Lâm Tùng, sinh viên không tham gia tình nguyện thì thật đáng tiếc. Bởi tình nguyện đem lại những giây phút, cảm giác đặc biệt. Kỷ niệm về cái ôm chặt của em bé thiểu năng cùng câu nói thỏ thẻ bên tai: “Con tên là Mạnh Cường, chú làm bố con nhé!” vừa là động lực, vừa là trách nhiệm để bạn hoạt động tình nguyện ý nghĩa hơn.
Trải nghiệm Trường Sa
Hành trình thăm Trường Sa là chuyến đi đáng nhớ nhất của Lâm Tùng
Hành trình thăm Trường Sa là chuyến đi đáng nhớ nhất của Lâm Tùng

Trong thời gian là sinh viên, Hành trình về biển đảo quê hương là chuyến đi đáng nhớ nhất của Lâm Tùng. Chuyến đi kéo dài 12 ngày bao gồm nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên và tặng quà cho quân, dân huyện đảo Trường Sa. Lâm Tùng chia sẻ: “Về với biển đảo, mình rất vui vì được làm công tác tình nguyện suốt hành trình”.

Đây có thể nói là chuyến đi lớn, có nhiều cảm xúc và trải nghiệm lớn của Lâm Tùng. Tới đảo Len Đao, con tàu dừng lại làm lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh bảo vệ nhà giàn, bảo vệ vùng biển thiêng. Lâm Tùng không khỏi xúc động khi được nghe câu chuyện về trận bão quật đổ nhà giàn. Những người lính biển nhường nhau chiếc phao, miếng lương khô cuối cùng. Khi ngã xuống, các anh chỉ kịp giương súng lên bắn phát súng cuối thay lời vĩnh biệt đất liền, thay nén hương chào đồng đội. Lâm Tùng tâm sự: “Cuộc sống bình yên và hạnh phúc của mình được đánh đổi bằng sự hi sinh của các anh”.

Tới thăm đảo nổi, đảo chìm và các nhà giàn trên biển, Lâm Tùng cho biết, chiến sỹ Trường Sa thường xuyên sống với khẩu hiệu: “Tiết kiệm nước”, mỗi người chỉ có ba ca nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Vườn rau quý hiếm cũng bị vơi đi nửa khi các anh “thiết đãi” đoàn tới thăm. Nhưng cái thiếu thốn nhất vẫn là tình cảm bởi các anh dành trọn những năm tháng tuổi trẻ cho vùng biển dữ dội. 

Lâm Tùng cho hay, trên đảo hiện tại đã có những nếp nhà trên biển, người dân làm nghề chài lưới, trẻ con có lớp học, ngoài vườn có đu đủ, có rau xanh và cả ngôi chùa được xây trên đảo Song Tử Tây. Sức sống ngời lên trong mỗi con người, cảnh vật.

Đáng nhớ nhất với Lâm tùng là bàn tay rắn rỏi cùng cái ôm ghì chặt của anh chiến sỹ hải quân trên đảo Sơn Ca. Anh và bạn đã cùng nhau trao chiếc áo đại diện cho vị trí của mình, chiếc áo xanh tình nguyện và chiếc áo hải quân. Lâm Tùng luôn nhớ lời hẹn của anh trước khi lên Cano: “Cùng cố gắng nhé!”

Được tiếp lửa từ nguồn năng lượng tuổi trẻ tại Trường Sa, Lâm Tùng thấy cuộc sống có ý nghĩa, thấy cần sống tốt hơn. Mùa hè năm nay, bạn sẽ dành trọn cho tình nguyện với nhiều hoạt động và cống hiến. Là một người trẻ trong xã hội hiện đại, cách nghĩ, cách làm của Lâm Tùng thật đáng trân trọng.


Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục


Đỗ Quyên Quyên