Gánh yêu thương về nơi gian khó

01/07/2012 06:00
Nguyễn Lâm Tùng
(GDVN) - Nước Mỹ có Giấc mơ Mỹ, Trung Quốc có Giấc mơ Trung Quốc và bây giờ là Giấc mơ Phần Lan. Vậy tại sao người Việt không có một giấc mơ Việt Nam cho riêng mình?

Từ câu hỏi ấp ủ của một người trẻ, Nguyễn Hoàng Việt cùng nhóm bạn đã thành lập nên câu lạc bộ Giấc mơ Việt Nam, hiện đang hoạt động rất hiệu quả trong lĩnh vực tình nguyện.


Giấc mơ Việt Nam
Giấc mơ Việt Nam


Vạn sự khởi đầu nan

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả ngay giữa thủ đô Hà Nội, chàng sinh viên năm cuối trường ĐH Kinh tế Quốc dân - Nguyễn Hoàng Việt rất thích tham gia các hoạt động tình nguyện, từ thiện, đặc biệt là những chuyến đi tới những miền biên ải xa xôi của Tổ quốc. Chính bởi vậy mà anh thấu hiểu những khó khăn của đồng bào miền núi, đặc biệt là con đường mang cái chữ đến với trẻ em nghèo nơi địa đầu Tổ quốc.

Chương trình khởi đầu mà Việt cùng nhóm bạn thực hiện là “Áo ấm mùa đông cho em” diễn ra vào mùa đông năm 2011. Tại đó, Giấc mơ Việt Nam đã cùng nhau kêu gọi sự đóng góp của những tấm lòng hảo tâm và từ phía các sinh viên đến trừ các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội. Dù nhân sự chỉ với 10 người, nhưng Giấc mơ Việt Nam đã kêu gọi được 80 bao tải quần áo cũ, mới với tổng khối lượng lên tới gần một tấn. Toàn bộ số quần áo, khăn váy, giầy dép này đã được trao cho học sinh thuộc ba trường tiểu học Nàn Sín, Sín Chén và Sẻ Mản Thần (huyện Si ma cai, Lào Cai).

Cho tới tận bây giờ, khi đã tổ chức thành công một số dự án khác, khi nghĩ lại ngày đầu gian khó đó, Nguyễn Hoàng Việt vẫn không khỏi “bất ngờ”: “Ban đầu chúng em không nghĩ có thể thực hiện được một chương trình như vậy bởi những khó khăn về nhân sự, kinh nghiệm tổ chức và đặc biệt là không có bất cứ nguồn hỗ trợ tài chính nào. Tất cả chỉ biết lao vào thực hiện với một tinh thần nhiệt huyết…”.

Sau thành công của dự án đầu tay, Nguyễn Hoàng Việt cùng nhóm bạn đã tự tin hơn trong các hoạt động kêu gọi quyên góp cho các chuyến đi sau đó. Cùng với đó là sự ủng hộ ngày một đông đảo của bạn bè, thầy cô và những tổ chức, cá nhân hảo tâm. Căn phòng nhỏ trên phố Đội Nhân (Ba Đình) trở thành điểm đến của tình yêu thương, khi những món quà nhỏ to, cũ mới dành tặng trẻ em nghèo vẫn tìm đến mỗi ngày.

Giấc mơ Việt Nam cùng các em nhỏ trường TH Nan Sin

Giấc mơ Việt Nam cùng các em nhỏ trường TH Nan Sin



Mang con chữ đến với trẻ em nghèo miền núi


Muốn học được thì phải có sách, ấy thế nhưng khi miếng ăn còn chưa đủ no thì trẻ em nghèo miền núi lấy tiền đâu ra mua sách? Đó là lý do chàng trai Nguyễn Hoàng Việt cùng nhóm bạn quyết định thực hiện “sứ mệnh” mang sách đến với trẻ em nghèo miền núi.

Trong giai đoạn thực hiện dự án, ghé qua bảng tin của một số trường ĐH, CĐ như trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Bách khoa HN, ĐH Ngoại thương, ĐHQG Hà Nội, Học viện Tài chính…, người ta sẽ dễ dàng bắt gặp những tấm pano in hình cánh chim cách điệu, cũng lời kêu gọi quyên góp Sách cho trẻ em nghèo miền núi. Đây chính là hoạt động chủ đạo của Giấc mơ Việt Nam trong hơn một năm qua với hy vọng có thể mang những cuốn sách hay, còn đủ tốt đến được với trẻ nơi miền biên cương của Tổ quốc.

Không chỉ kêu gọi quyên góp sách ở các trường ĐH, CĐ, Giấc mơ Việt Nam còn huy động sự tham gia của rất nhiều trường THCS, tiểu học trên địa bàn thành phố như trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, trường Trung học Quang Trung, trường tiểu học Dịch Vọng B…

Đặc biệt, nhóm còn nhận được sự hỗ trợ từ Nhà sách Đông Tây. Đơn vị này đã đồng ý giảm giá 50% tất cả các đầu sách cũ như một cách để ủng hộ và khuyến khích việc đưa văn hóa đọc đến với trẻ em nghèo miền núi.

Dù ra đời chưa lâu nhưng Giấc mơ Việt Nam đã thực hiện thành công hai dự án “Sách cho trẻ em miền núi” lần thứ nhất (vào cuối năm 2011) và lần thứ hai (vào tháng 5/2012 vừa qua). Hơn 2.000 đầu sách cùng hàng trăm tờ báo, tạp chí đã được gửi tặng các em nhỏ thuộc 8 trường tiểu học trên địa bàn các tỉnh Lào Cai và Hà Giang.

“Thông qua các hoạt động như “Sách cho trẻ em miền núi”, chúng em hy vọng sẽ giúp cộng đồng nhìn nhận được khó khăn của trẻ em dân tộc trên con đường tới lớp tìm cái chữ. Từ đó sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân, đoàn thể có những hỗ trợ về mặt tài chính, để có thể mua nhiều sách mới hơn, hợp chủng loại hơn cho các thư viện miền núi”
, Nguyễn Hoàng Việt chia sẻ thêm.

Trong thời gian tới, Giấc mơ Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dự án “Sách cho trẻ em miền núi”, chung tay với một số tổ chức tình nguyện bè bạn khác để mở rộng phạm vi cũng như chất lượng của chương trình, làm sao để sách có thể tới được tất cả các trường học khó khăn khu vực miền núi.


Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip



Nguyễn Lâm Tùng