Chị không chỉ tự chăm lo tốt cho cuộc sống gia đình, mà còn đang ngày ngày hỗ trợ, giúp đỡ hàng trăm phụ nữ, trẻ em khuyết tật khác vui sống và hòa nhập tốt với cộng đồng. Hiện tại, chị Lan Anh là Giám đốc Trung tâm Hành động vì Sự phát triển cộng đồng (ACDC), Ủy viên Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội người khuyết tật Việt Nam, đồng thời là cán bộ điều phối thuộc Ban Đoàn kết - Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Chị Nguyễn Thị Lan Anh |
Nghĩ cho người thiệt thòi Trước khi thành lập Trung tâm ACDC vào cuối năm 2011, chị Lan Anh từng tham gia nhiều công việc liên quan tới đối tượng người thiệt thòi, trong đó phần lớn là bị khuyết tật bẩm sinh. Gần 10 năm công tác trong lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật tại Diễn đàn Người khuyết tật Việt Nam (thuộc Trung tâm Sáng tạo khoa học công nghệ), hơn ai hết, chị thấu hiểu những khó khăn cũng như thiệt thòi mà đối tượng này phải gánh chịu. Đó cũng chính là lý do thúc giục chị cùng một vài người bạn thành lập nên Trung tâm ACDC. Hiện tại, Trung tâm ACDC hoạt động trong năm lĩnh vực chính bao gồm Tư vấn pháp luật miễn phí cho người yếu thế thông qua tổng đài điện thoại 043.5643053, email hoặc trực tiếp tại văn phòng; Vận động chính sách cho người yếu thế; Đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên khuyết tật; Bảo vệ quyền lợi cho trẻ em khuyết tật và Phát triển sinh kế bền vững. Ngày mới thành lập, trung tâm chỉ vẻn vẹn 3-4 người nên dù mang tiếng là giám đốc nhưng ngày ngày chị vẫn tham gia tư vấn các vấn đề do chị em phụ nữ và sinh viên khuyết tật thắc mắc từ khắp nơi gọi tới. Câu chuyện có khi chỉ đơn giản là làm thế nào để lấy được một vật dụng trên cao, xuống bậc thang như thế nào cho an toàn, hay phức tạp hơn như nên ứng xử thế nào khi bị trêu chọc, làm gì để không cảm thấy mình lạc lõng… Trung bình mỗi ngày, trung tâm nhận được hàng trăm cuộc gọi đến như thế. Ngoài việc tư vấn qua điện thoại, chị Lan Anh và đồng nghiệp thường phối hợp với các tổ chức đoàn thể đi tới các nơi xa gần như Mù Cang Chải, Si ma cai, Bắc Hà, Ba Vì… để tư vấn và giảng dạy kỹ năng trực tiếp cho các đối tượng người khuyết tật. Trung tâm cũng đã tổ chức thành công hai buổi tọa đàm về kỹ năng mềm, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn… cho hàng trăm sinh viên khuyết tật thuộc các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng thời, chị cũng đảm trách vị trí giáo viên chính trong các lớp tập huấn về an toàn giao thông do trung tâm phối hợp với các tổ chức đoàn thể dành cho chi hội người câm điếc, hội người mù, hội người khuyết tật và trẻ em thiệt thòi... tại các địa phương. Chị Lan Anh cho biết, dù thành lập chưa lâu nhưng tập thể cán bộ nhân viên tại ACDC đều là những con người đã có nhiều năm gắn bó với các hoạt động xã hội. Chính bởi vậy, hy vọng biến trung tâm ACDC trở thành một tổ chức phi chính phủ hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật tái hòa nhập cộng đồng sẽ không phải là ước mơ quá xa vời.Để xương rồng nở hoa Ngẫm từ bản thân, chị Lan Anh hiểu và cảm thông nhiều hơn cho đối tượng phụ nữ khuyết tật đơn thân. Khó khăn trong cuộc sống là chuyện đã đành, nhưng những mặc cảm, tự ti với cộng đồng xung quanh có khi còn lớn hơn gấp nhiều lần. Chính từ suy nghĩ đó, chị Lan Anh đã quyết định thực hiện Dự án “Xương rồng vẫn nở hoa”. Chương trình nằm trong mục tiêu góp phần phát triển sinh kế bền vững cho người khuyết tật. Dự án sẽ bao gồm chuỗi hoạt động làm phim về cuộc sống hằng ngày của những phụ nữ khuyết tật đơn thân trên địa bàn TP Hà Nội. Bên cạnh đó, vào cuối tháng 7 tới, một triển lãm ảnh do ACDC phối hợp thực hiện với Hội người khuyết tật TP Hà Nội cũng sẽ được tổ chức. Những ngày này hẹn gặp chị Lan Anh thực sự khó, bởi chị chẳng mấy khi ở Hà Nội. Đoàn cán bộ dự án đang phải tỏa đi khắp ngoại thành, đến từng hộ gia đình có người khuyết tật, bao gồm cả phụ nữ đơn thân để thăm hỏi và vận động chị em ủng hộ, tham gia chương trình. “Tôi hy vọng chuỗi hoạt động này sẽ giúp cộng đồng hiểu hơn về nghị lực sống của nhóm phụ nữ khuyết tật nói chung và đơn thân nói riêng. Từ đó mở ra những cơ hội việc làm cho chị em trong tương lai, để chị em có được cơ hội vui sống và hòa nhập tốt với xã hội”, chị Lan Anh chia sẻ.Tìm vui trong gian khó Ít người biết chị Lan Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả thuộc thị xã Sông Công (Thái Nguyên) và không may mắc bệnh xương thủy tinh từ nhỏ. Bố mẹ đều là người dân li tán từ tỉnh khác tới làm công nhân tại Nhà máy Diesel Sông Công. Tuổi thơ của chị là những ngày bé lăn lê bò toài trong căn nhà nhỏ, chỉ biết nhìn ra “khung trời mơ ước” với một khát khao cháy bỏng.
Gia đình chị Lan Anh là một trong mười ba gia đình khuyết tật tiêu biểu được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khen tặng. |
Bà ngoại chị Lan Anh kể: “Lên 6 tuổi còn bé vẫn không thể đi học vì nhà nghèo. Hơn nữa trường cấp 1 Sông Sông ngày đó không nhận trẻ khuyết tật. Hằng ngày, nhìn bạn bè cùng trang lứa được cắp sách tới trường mà nước mắt con bé cứ chảy dài trên má”. Năm lên 8 tuổi, sau rất nhiều mong mỏi, nài nỉ bố mẹ, thầy cô, chị Lan Anh mới bước vào lớp 1. Vì nhà nghèo không có tiền mua xe lăn nên hằng ngày, bà ngoại phải cõng cô cháu gái hơn 1 km để tới trường, bất kể ngày mưa nắng. Thương cháu nên dẫu cơ cực cũng đành! Dần dà, bạn bè thương cảm đã thay phiên nhau đến giúp đưa cô gái xương thủy tinh tới lớp. Ở lớp, thầy cô cũng ưu ái miễn cho chị một vài môn học. Mãi tới khi lên lớp 9, gia đình mới trang bị cho Lan Anh được một chiếc xe lăn. Dẫu vậy, bạn bè vẫn cõng, bế cô vào lớp vì ở trường cấp 3 và cả trường ĐH Hà Nội ngày đó chưa có thang máy hỗ trợ người khuyết tật.Vượt lên số phận
Chị Lan Anh tham dự một hội thảo ở Mỹ |
Thương bố mẹ và bà ngoại vất vả nên dù gặp nhiều khó khăn, chị Lan Anh luôn tự nhủ phải cố gắng học tập thật tốt. Suốt nhiều năm liền học phổ thông, chị luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Là một trong những thí sinh khuyết tật hiếm hoi trúng tuyển trường ĐH Hà Nội đã là một kỳ tích của câu chuyện cách đây hơn 10 năm, nhưng chị Lan Anh còn khiến bạn bè thầy cô ngỡ ngàng hơn với tấm bằng cử nhân ngoại ngữ loại giỏi. Hai năm sau, chị cũng hoàn tất chương trình ThS Quản trị kinh doanh tại trường ĐH Kinh tế-ĐHQG Hà Nội. Nhiều người cảm phục, xen lẫn thắc mắc, không hiểu vì sao khó khăn bộn bề mà sự học của chị lại ngon nghẻ đến thế. Chị chỉ cười hiền và nói rằng, đó là bởi không có điều kiện đi chơi nhiều, ngoài việc học ra chẳng biết làm gì nên đành lấy việc học làm vui mà thôi! Nhờ khả năng ngoại ngữ tốt nên chị thường được cắc cử tham gia các chương trình, dự án hợp tác giữa Việt Nam với các nước bạn. Số quốc gia chị từng đặt chân tới nay đã xấp xỉ con số 15. Hiện tại, chị đang hỗ trợ chính phủ hai nước Lào và Campuchia thực hiện đề án Xây dựng khung chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật. Cuối tháng 7 tới, chị cũng được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lựa chọn cho chuyến công tác Vương quốc Anh để thực hiện chương trình trao đổi quốc gia về người khuyết tật giữa hai nước. Sau những ngày làm việc bận rộn, niềm vui của chị là được trở về căn nhà nhỏ, nơi có người chồng luôn thấu hiểu và cảm thông cho vợ, cùng cậu con trai 4 tuổi ngoan ngoãn, học giỏi. Trước khi chia tay chị không quên nhắn nhủ với chúng tôi rằng: Điều chị mong mỏi nhất là cộng đồng sẽ hiểu và sẻ chia nhiều hơn với những người khuyết tật, để họ không bao giờ cảm thấy cô đơn trong thế giới của mình.
Hiện cả nước có khoảng 12,1 triệu người khuyết tật, trong đó 58% là nữ giới, 75% sống tập trung ở khu vực nông thôn và 32,5% trong số này thuộc diện nghèo. Chỉ 20% phụ nữ khuyết tật cả nước có gia đình, trong đó khảo sát riêng tại 10 huyện ngoại thành Hà Nội hiện có khoảng 500 phụ nữ khuyết tật đơn thân có hoàn cảnh khó khăn.
(Theo Số liệu điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009-Tổng cục Thống kê và Điều tra xã hội học do Ủy ban T.Ư MTTQVN, Ban Tuyên giáo T.Ư và Viện nghiên cứu phát triển xã hội ISDS phối hợp thực hiện).
Có thể bạn quan tâm |
|
Hồ Sỹ Anh