“Muốn giáo dục phát triển thì giải pháp tốt nhất là tìm đến giáo dục mở"

16/05/2018 14:27
Thùy Linh
(GDVN) - Đó là ý kiến của giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam tại hội thảo "Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ".

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế". 

Mở đầu hội thảo, Giáo sư Trần Hồng Quân- Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, Nghị quyết 29 nêu ra vấn đề “giáo dục mở”, nhiều người nghĩ rằng chúng ta đã có đại học mở, đã xây dựng tài nguyên học tập mở, nhưng thực ra mà nói nếu quan niệm giáo dục mở chỉ vậy thôi là còn hẹp. 

 “Nói một cách công bằng thì gần 5 năm nay vấn đề đó chưa được đề cập một cách đầy đủ, chúng ta chưa tổ chức, chưa xây dựng kế hoạch hành động và kế hoạch triển khai cụ thể nào. 

Đây là một thiếu sót, thiệt thòi cho hệ thống giáo dục của chúng ta”, Giáo sư Trần Hồng Quân nhấn mạnh. 

Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ đang tạo điều kiện công nghệ và áp lực đối với đội ngũ lao động làm cho giáo dục mở trở thành một luồng gió mới  ở nhiều nước trên thế giới, đối mới Việt Nam cũng có tác động. 

Ở nước ta không phải lần đầu tiếp xúc tư duy giáo dục mở, với nền giáo dục của nhân dân thì yếu tố mở tự nhiên trở thành một yếu tố không thể thiếu. 

Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, với nền giáo dục của nhân dân thì yếu tố mở tự nhiên trở thành một yếu tố không thể thiếu. (Ảnh: Thùy Linh)
Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, với nền giáo dục của nhân dân thì yếu tố mở tự nhiên trở thành một yếu tố không thể thiếu. (Ảnh: Thùy Linh)

Soi lại tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu mục tiêu phấn đấu của Đảng là: Độc lập dân tộc, nhân dân được tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. 

“Ai cũng được học hành” được nêu cao như một yêu cầu tối thiểu đó là sự bức thiết đối với từng con người, toàn dân. 

Có nghĩa tư tưởng mở, tư tưởng đại chúng đã có từ khi đó. 

Khi chúng ta bước vào công cuộc đổi mới, chúng ta có sự chuyển động mở của nền giáo dục khắc phục nhược điểm, yếu kém về độ không mở của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. 

Cụ thể, về phía đào tạo chủ yếu bằng ngân sách nhà nước là trường công thì đã xuất hiện các loại hình mới đó là trường ngoài công lập đào tạo không bằng ngân sách nhà nước, đào tạo không chỉ cho nhà nước mà cho cho các thành phần kinh tế khác. 

“Đó là cái mở buộc phải mở khi nền kinh tế mở, nhưng cho đến nay nếu so lại những tư tưởng tốt đẹp của nền giáo dục mở cần phải có thì tính đóng khép kín của chúng ta vẫn còn thể hiện trong việc thi cử còn khó khăn.

Thực sự mà nói, điều kiện tiếp cận với giáo dục cho tất cả mọi người một cách bình đẳng là còn chưa vươn tới.

Đó là điều mà chúng ta cần khắc phục”, Giáo sư Trần Hồng Quân chỉ rõ.

“Muốn giáo dục phát triển thì giải pháp tốt nhất là tìm đến giáo dục mở" ảnh 2Đang diễn ra hội thảo về giáo dục mở

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển thì giáo dục mở xuất hiện nhiều yếu tố mới;

Do trình độ công nghệ thông tin mở ra, xuất hiện nhiều dạng trường lớp mở, trung tâm tài nguyên học tập mở và những yếu tố mở đó xuyên quốc gia;

Chính những yếu tố này tạo ra khả năng rất nhiều người được tiếp cận với giáo dục và sự lựa chọn rất cao của người học. 

Những yếu tố này khắc phục được điều chúng ta kỳ vọng đó là không thể không tiến thêm một bước nữa xây dựng giáo dục mở ở Việt Nam. 

Bởi hệ thống giáo dục mở không phải hệ thống giáo dục khác, xuất hiện để bố sung, bên cạnh giáo dục truyền thống mà nó thâm nhập, thẩm thấu vào giáo dục truyền thống. 

Yếu tố mở nằm trong toàn bộ hệ thống giáo dục của chúng ta kể cả các cơ sở đào tạo truyền thống. Đó mới thực sự là giáo dục mở. 

Cá nhân hóa giáo dục là bước tiến mới của giáo dục loài người

Giáo sư Trần Hồng Quân cho hay, tất cả các giải pháp của nền giáo dục mở tạo ra cơ hội tiếp cận với giáo dục cho tất cả mọi người;

Nó tạo ra cơ hội cho người học có thể lựa chọn phương thức học thích hợp với cá nhân mình từ mục tiêu đào tạo, chương trình, lựa chọn trường, thời gian, liên tục hay gián đoạn, tốc độ hoàn thành chương trình thậm chí xác định thầy giáo, tùy chỉnh nội dung thích hợp theo yêu cầu riêng. 

Do đó tự chủ của người học là rất cao, tạo điều kiện cá nhân hóa giáo dục, và đó cũng là ước mơ của các nhà sư phạm.

Vì xét cho cùng, cá nhân người đi học có tư chất khác nhau, môi trường trưởng thành khác nhau, xu thế phát triển khác nhau do đó một chương trình, một phương pháp và hầu như cùng theo 1 hướng phát triển là cực kỳ vô lý.

“Muốn giáo dục phát triển thì giải pháp tốt nhất là tìm đến giáo dục mở" ảnh 3Những bất cập khi đào tạo theo giáo dục mở và từ xa

Do đó việc cá nhân hóa giáo dục là bước tiến mới cùa giáo dục loài người. 

Với cách giao quyền tự chủ cao cho người học chính là rèn luyện cho các em trở thành con người tự chủ có tư duy, suy nghĩ độc lập;

Có thói quen hoài nghi khoa học và phản biện tránh đào tạo con người thụ động, không dám nghĩ khác. 

Giáo dục mở thì người thầy không thể là người áp đặt kiến thức buộc học sinh phải theo mà là hướng dẫn, gợi ý cho học sinh trinh phục các kiến thức, người thầy là người phát hiện ra đặc điểm riêng của từng em, có hướng dẫn cụ thể.

Người thầy như một lãnh đội cùng với học sinh khám phá.
 
Có như vậy học sinh dễ trưởng thành và tự tin trong cuộc sống. 

Ngoài ra, theo Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, giáo dục mở cũng đòi hỏi về mặt quản lý cần có nhiều thay đổi.

Chúng ta không thể thiết hệ quản lý cứng, rất nhiều quy định cụ thể, nhiều tới mức làm gì cũng phải dựa vào đó, làm khác là phải hỏi, tức là có tình trạng xin cho phổ hiến dễ gây ra tiêu cực.

Do đó, phía quản lý tạo ra hành lang pháp lý chặt nhưng đủ rộng trong không gian để các cơ sở giáo dục và thầy giáo tùy biến trong phạm vi nhiệm vụ của họ, có như vậy mới hiệu quả. 

Trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, Giáo sư Trần Hồng Quân nêu một số vấn đề cụ thể mà nền giáo dục cần làm trong thời gian tới. 

“Muốn giáo dục phát triển thì giải pháp tốt nhất là tìm đến giáo dục mở" ảnh 4Muốn có nền giáo dục “mở”, phải để nhà trường tự chủ

Thứ nhất, chúng ta cần tổ chức quán triệt Nghị quyết 29 đặc biệt là nội dung “giáo dục mở”;

Tổ chức nghiên cứu nội dung mà Nghị quyết đã nêu ra, xây dựng chương trình hành động, triển khai thí điểm cần đưa các yếu tố mở vào cơ sở giáo dục truyền thống. 

Thứ hai, nên rà soát những quy định về quản lý kể cả các vấn đề về luật pháp, pháp quy để tạo điều kiện giáo dục mở phát triển. 

Thứ ba, nên bắt tay vào xây dựng và phát triển các trung tâm tài nguyên học tập, đồng thời tiếp thu nét văn hóa mới và chia sẻ, liên kết một cách hào hiệp với các nước trên trên thế giới;

Làm được điều này, chúng ta sẽ sớm xây dựng được nền giáo dục mà người nghèo vẫn học được và học có chất lượng, người có hoàn cảnh khó khăn riêng cũng có thể học được. 

Thứ tư, nhìn lại quá khứ không phải chúng ta chưa có thành tích về giáo dục mở vì chúng ta đã có hệ đào tạo chuyên tu, tại chức… rồi mở về phương hướng đầu tư khối trường ngoài công lập.

Nhưng ở chừng mực nào đó, thành công chưa cao, chưa hấp dẫn, chưa phổ biến rộng. 

Đó là do chúng ta chưa kiểm soát chất lượng dẫn tới tâm lý xã hội không hưởng ứng. Vì vậy, thời gian tới cần có kiểm soát chất lượng để nâng cao chất lượng. 

Dù chúng ta lạc hậu trong cuộc cách mạng 3.0 thì tận dụng được cơ hội trong 4.0 muốn giáo dục mạnh mẽ trong bối cảnh nghèo nàn, ngân sách hạn chế thì giải pháp tốt nhất là tìm đến giáo dục mở. 

Thùy Linh