LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi phần 2 trong bài tham luận của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng gửi Hội thảo về Hệ thống giáo dục mở do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 16/5.
Bài viết nối tiếp phần 1, "Hệ thống giáo dục đóng kín cửa sớm muộn gì cũng sẽ thoái hóa, lạc hậu", tiêu đề bài viết và các tiêu đề phụ trong bài do Tòa soạn đặt. Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng!
Quyền tự chủ là điều kiện tiên quyết của giáo dục mở
Hệ thống giáo dục mở chắc chắn phải bảo đảm thực chất về quyền tự chủ đầy đủ và toàn diện cho các cơ sở đại học và cao đẳng.
Khi nào có đủ quyền tự chủ ấy thì lúc đó mới có một nền giáo dục đại học trưởng thành.
Tôi hiểu “tự chủ” là tự mình làm chủ. Chủ thể ở đây là một đơn vị đào tạo đại học.
Làm chủ như thế nào và về cái gì? Tức là tự quyết định mọi công việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, công việc đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, ảnh do tác giả cung cấp. |
Chủ thể tự chủ ở đây là trường đại học! Nhưng hiểu thế nghĩa nào cho đúng? Có phải là cả trường không hay chỉ là ông hiệu trưởng?
Không phải cả trường và cũng không phải một người là ông hiệu trưởng. Mà là một tập thể, đứng đầu là Hội đồng trường, cơ quan đại diện và quyền lực cao nhất của nhà trường.
Hội đồng trường quyết định ông hiệu trưởng chứ không phải ngược lại như cách ta làm lâu nay, biến hội đồng trường thành hình thức, bảo vệ các ý kiến của hiệu trưởng.
Các nhà nghiên cứu và các nước khác nhau hiểu và quan niệm về tự chủ cũng không hoàn toàn giống nhau.
Ba năm trước đây, nhóm nghiên cứu đề án Trường Đại học Fulbright làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam để xin ý kiến về chủ trương tự chủ đại học;
Khi nói chung chung thì đôi bên dễ dàng thống nhất, nhưng khi đi vào chi tiết thì hóa ra là không ít vấn đề còn nghĩ khác nhau. Ấy là do cách hiểu, do quan niệm không giống nhau.
Các nội dung chủ yếu của tự chủ đại học thường bao gồm về công việc đào tạo, chương trình; về nhân sự; về tài chính.
Trong tự chủ về chương trình có một phần nội hàm gắn với quyền tự do học thuật.
Tự do học thuật cũng là yêu cầu tất yếu của một nền giáo dục đại học trưởng thành, cũng là đặc điểm quan trọng của nền giáo dục mở.
Tự chủ và tự do đương nhiên vẫn nằm trong những giới hạn và trách nhiệm nhất định.
Nhà trường (kể cả Hội đồng trường, các thầy cô giáo và cán bộ quản lý) phải biết chịu trách nhiệm với người học về chất lượng đào tạo, chịu trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình, minh bạch thông tin.
Nhà trường là một tổ chức thành viên của xã hội, sự tự chủ đương nhiên sẽ nằm trong khuôn khổ của pháp luật, và ta hiểu đó là pháp luật tiến bộ theo tinh thần tự chủ đại học và tự do học thuật.
Mục tiêu đào tạo quan trọng nhất là chất lượng.
"Đổi mới giáo dục và món nợ với cha ông" |
Chất lượng chủ yếu là do nhà trường tạo ra. Quản lý vĩ mô vẫn có những tác động rất quan trọng đến chất lượng đào tạo, nhưng ít hơn và không trực tiếp như nhà trường.
Tạo sự chủ động và năng động cho cơ sở đào tạo để tập thể nhà trường có điều kiện sáng tạo trong công việc sẽ có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng đào tạo.
Tạo ra sự tự chủ đại học cũng là một cách thúc đẩy xã hội hóa công việc giáo dục đào tạo. Và đó cũng là yêu cầu mở, đặc điểm mở của hệ thống giáo dục.
Thuở ban đầu, giáo dục là công việc của cộng đồng, cha mẹ và thế hệ trước truyền lại kinh nghiệm cho con cái và thế hệ sau.
Khi có nhà nước, nhận biết đây là lĩnh vực có vai trò rất quan trọng đối với đời sống xã hội, nhà nước bắt đầu tham gia vào công việc giáo dục đào tạo.
Đó là sự cần thiết, nhưng nhiều khi nhà nước lại vượt quá giới hạn cần thiết, bao cấp, ôm đồm và trực tiếp làm thay, trong khi nguồn lực tài chính và các chức năng, điều kiện khác không hội đủ.
Giáo dục đào tạo là trách nhiệm của toàn xã hội, một công việc mang tính chất xã hội rất cao, dù vai trò của nhà nước vẫn luôn cần ở vị trí hàng đầu.
Tự chủ chương trình, tự do học thuật
Như đoạn trên đã nói, tự chủ chương trình tất yếu phải gắn với tự do học thuật, và trong tự chủ chương trình đã bao hàm một phần của tự do học thuật.
Tự do học thuật có phạm vi và nội hàm rộng hơn tự chủ về chương trình.
Tự chủ chương trình là công việc của nhà trường, còn tự do học thuật không chỉ là công việc của nhà trường, mà còn là công việc của riêng từng người thầy giáo và của từng học sinh;
Đó còn là vấn đề dân chủ, tự do tư tưởng, tự do cá nhân, các yếu tố và điều kiện hàng đầu đối với sự phát triển tư duy của con người.
Tự chủ chương trình cho phép nhà trường tự mình quyết định và chịu trách nhiệm về việc dạy thứ gì, môn học nào, dạy bao nhiêu, nhiều hay ít, nông hay sâu, chứ không phải nhất nhất theo một quy định chung cứng nhắc từ cấp trên.
Nói chung là vậy, trường hợp cá biệt, rất hãn hữu, là theo quy định cụ thể của luật pháp.
Hiện tại, chương trình đại học của Việt Nam so với nhiều nước có dài hơn, cơ cấu không hợp lý, học lý thuyết hàm lâm và học chính trị, quân sự nhiều quá, nhưng lại do quy định từ cấp trên, chứ nhà trường không có quyền quyết định.
Khoa học chính trị, lịch sử nhất định phải đổi mới tư duy dạy và học |
Cần phải có đổi mới tư duy một cách căn bản về vấn đề này, để các trường đại học có thể tự chủ thực chất về công việc đào tạo, còn gọi là tự chủ về chương trình, bao gồm mục tiêu, nội dung, ngành nghề đào tạo, môn học bắt buộc và môn học tự chọn, số tiết học, số tín chỉ, phương pháp đào tạo, số lượng tuyển sinh, công tác tuyển sinh…
Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, khó khăn nhất là tự chủ về chương trình học đối với các môn lý luận chính trị, vì đây được coi là lĩnh vực có nhiều vấn đề nhạy cảm.
Vì vậy, các cơ quan hữu quan ở cấp Trung ương cần có kế hoạch giúp cho các trường thực hiện việc này trong giai đoạn đầu, phân biệt khoa học với chính trị.
Tại các trường sẽ thực hiện chương trình học các môn khoa học về lý luận chính trị, tức là học khoa học chứ không phải học chính trị.
Còn việc học chính trị như nghe một nghị quyết của Trung ương hoặc của Quốc hội là một việc khác, thỉnh thoảng vẫn cần, nhưng không nên đưa vào chính khóa.
Các môn lý luận Mác-Lênin là bộ phận hợp thành của lịch sử khoa học nói chung của nhân loại, chứ không tách biệt và cô lập các nội dung ấy.
Học Mác-Lênin đồng thời cùng với các lý thuyết của các nhà khoa học khác, nên tập trung làm rõ các giá trị nhân văn và giá trị khoa học vốn có của nó (phân biệt với các nội dung tư biện).
Để cho mọi lý thuyết khoa học được bình đẳng với nhau, tự sống bằng các giá trị khoa học chân chính của mình và phải không ngừng bổ sung, phát triển.
Việc sắp xếp môn học cứng, bắt buột hay để sinh viên tự chọn và việc dạy nông sâu đến mức nào là dựa trên những nguyên tắc chung đối với mối quan hệ hữu cơ của tất cả các môn khoa học với các ngành nghề cụ thể.
Không phải lo lắng rằng cách ấy sẽ làm giảm vị trí quan trọng của các môn này, bởi chính các môn ấy đã có những giá trị nhất định trong bản thân nó;
Chẳng phải vậy mà các trường đại học ở phương tây và phương đông đến nay vẫn nghiên cứu học thuyết Mác, khi ông đã qua đời cách nay 135 năm, không còn sống để bảo vệ quan điểm của mình.
Tự chủ về tài chính
Nhà trường tự cân đối tài chính để đảm bảo cho hoạt động thường xuyên và xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định, không dựa dẫm và trông chờ ngân sách nhà nước, kể cả trường công lập, kể cả kinh phí để trả lương cho giáo viên.
Ngày 16/5, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc Hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh Tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế”. Ảnh: http://cshe.edu.vn. |
Nhà trường quyết định mức thu học phí. Đối tượng được miễn giảm học phí nếu nhà nước yêu cầu thì nhà nước phải bù phần kinh phí hụt thu;
Nếu nhà trường tự mình quyết định theo trách nhiệm xã hội của mình thì nhà trường tự cân đối tài chính.
Thực hiện tự chủ đại học cần song song, đồng thời với thực hiện sự bình đẳng giữa các loại trường, giữa công lập và ngoài công lập.
Bình đẳng về cơ chế chính sách giữa trường công và trường tư, kể cả về tài chính, đất đai và chính sách xã hội.
Nhà nước hỗ trợ tài chính theo cơ chế chung và theo khả năng của ngân sách.
Nhà nước cấp hoặc cho vay không lãi đối với sinh viên, nhất là sinh viên nghèo và sinh viên học giỏi, để nộp học phí cho nhà trường thay cho cấp ngân sách để trả lương cho giáo viên và các khoản chi khác cho hoạt động thường xuyên của các trường công lập.
Nhà nước nên dùng chính sách hỗ trợ học phí thay cho bao cấp trả lương tại các trường công.
Giáo sư và sách giáo khoa trong nền giáo dục mở
Tự chọn và quyết định về giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ, tự phong giáo sư, phó giáo sư theo quy định khung của nhà nước.
Giáo sư là người làm công việc giảng dạy, không phải là một chức vụ nhà nước, không phong cho những người làm lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đoàn thể, nếu họ không đủ giờ đứng lớp.
Giáo sư, phó giáo sư là của trường đại học nào, chứ không phải chung chung của quốc gia.
Khi nghỉ dạy hoặc chuyển công tác sang lĩnh vực khác thì không còn giáo sư như trước nữa (chỉ là nguyên giáo sư của trường nào đó).
Nhà nước quy định tiêu chí và quản lý số lượng giáo sư của từng trường theo quy mô, còn việc phong giáo sư cho ai là do tập thể nhà trường, không cần thiết phải có Hội đồng giáo sư nhà nước với chức năng nhiệm vụ và hoạt động như hiện nay.
Từ trường này chuyển sang giảng dạy ở trường khác thì trường mới sẽ xem xét lại việc có phong hay không học hàm giáo sư, phó giáo sư.
Trong nền giáo dục mở rất cần thiết thực hiện một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa.
Bộ sách VNEN soạn lại sách giáo khoa 2000 theo tài liệu của mô hình "trường học mới Colombia" gây nhiều tranh cãi, được triển khai đại trà nhưng vẫn không được xem là "sách giáo khoa", ảnh minh họa: VTV.vn. |
Thậm chí còn phải tiếp tục thực hiện một chương trình quốc gia với phần nội dung “cứng”, bắt buộc trong giới hạn nhất định và kèm theo là các chương trình khác nhau ở cấp địa phương với phần nội dung “mềm” phù hợp điều kiện cụ thể ở địa phương đó.
Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là cách làm mở, tạo điều kiện cho những bộ sách tốt hơn, chất lượng hơn được ra đời, phục vụ cho giảng dạy và học tập.
Cần sớm bỏ đi cách làm sách giáo khoa theo kiểu độc quyền và áp đặt. Sách có hay dở thế nào học sinh cũng bị bắt buộc phải mua, phải học, vì không có sự lựa chọn nào khác.
Cách làm độc quyền đó vừa kìm hãm người dạy, người học, đồng thời cũng kìm hãm sự phát triển của chính những người viết sách;
Bởi vì họ giống như các đế thiên đế thích ở trên trời, không phải thi với ai cả, cứ cho là, cứ hiểu là mình giỏi nhất thiên hạ. (Tôi xin lỗi các thầy có mặt ở đây đã từng tham gia viết sách giáo khoa!).
Sau khi có chủ trương về một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa thì Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đề nghị trong đó có một bộ sách do Bộ trực tiếp chỉ đạo, thực hiện bằng tiền của nhà nước.
(Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ngân sách cấp 778,8 tỷ đồng, nhưng đi vay Ngân hàng thế giới 77 triệu USA nữa và vốn đối ứng 3 triệu USD, vị chi là 80 triệu USD, khoảng 1800 tỷ đồng).
Tôi chưa nói tiền nhiều tiền ít và khoản tiền này sẽ hạch toán và thu hồi về đâu;
Bởi vì sách giáo khoa là thứ bán được để thu hồi vốn, hoàn toàn có thể xã hội hóa chứ không phải nhà nước bao cấp và việc làm sách theo chương trình mới thì lần lượt suốt 12 năm, vốn quay vòng để làm sách đến 12 lần chứ không phải một lần.
Điều trước tiên tôi muốn nói ở đây là tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo của chúng ta chỉ trực tiếp chỉ đạo một bộ sách trong khi Bộ cần quan tâm đồng đều và công bằng đối với tất cả các bộ sách mà không có phân biệt?
Kiến nghị Quốc hội giám sát việc phát hành, phân phối sách giáo khoa |
Thay vì chỉ có một bộ sách độc quyền, việc cho ra nhiều bộ sách giáo khoa là một sân chơi bình đẳng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đứng ở vị trí trung tâm, trọng tài, chứ không lệch về một bên nào.
Không thể có một sân chơi bình đẳng khi mà trong đó có một đội bóng được sự quan tâm riêng và trực tiếp tham gia của trọng tài vào đội bóng ấy.
Mặt khác, Bộ làm công việc quản lý nhà nước là chủ yếu, còn công việc mang tính sự nghiệp như viết sách là của các nhà xuất bản, các trường đại, viện nghiên cứu và các chuyên gia.
Với cách làm này thực chất là “đổi mới” nửa vời, vẫn níu kéo cái cũ, vẫn là như cũ.
Kiểm định, đánh giá và giải quyết bài toán chất lượng giáo dục thời cách mạng công nghệ
Trong khi thực hiện cơ chế mở như đã trình bày thì đồng thời cũng cần phải mở đối với hệ thống kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục, trong đó có vai trò của tổ chức của nhà nước và vai trò của các tổ chức kiểm định độc lập, kể cả của các hiệp hội và của tư nhân.
Nhà nước chủ yếu là đánh giá các tổ chức kiểm định, còn các tổ chức kiểm định độc lập thì đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo của các cơ sở.
Đánh giá và công khai kết quả đánh giá để xã hội tham gia giám sát và các cơ sở giáo dục thì xem xét để điều chỉnh công việc.
Hệ thống giáo dục mở còn một yêu cầu nữa là cần giải quyết cho tốt mối quan hệ giữa giáo dục đào tạo và thị trường.
Những ý kiến cho rằng, giáo dục-đào tạo phải nằm ngoài thị trường, hoặc giáo dục-đào tạo phải được thị trường hóa, tuy có khía cạnh đáng suy ngẫm, tuy nhiên, cả hai đều là tư duy chưa chuẩn, có mặt cực đoan một chiều.
Đầu tư cho giáo dục khai phóng và nhân bản tạo ra nhân cách, để lại cho đời những giá trị bền lâu, tác động có thể nhanh hoặc chậm, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp vào cuộc sống, vì vậy, không thể hạch toán trực tiếp như kinh tế.
Đó là lĩnh vực văn hóa, nằm ngoài quy luật thị trường.
Như mọi người đã biết, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, các danh nhân văn hóa, các nhà khoa học đã sống và qua đời từ lâu, nhưng những giá trị mà các ông để lại cho đời thì hôm nay và cả mai sau vẫn còn tác dụng, vậy thì hạch toán thu ở đây thế nào?
Mặt khác, dịch vụ đào tạo, loại công việc đáp ứng cung cho nhu cầu hiện tại, trước mắt, của con người và xã hội, thì rất cần sử dụng những cơ chế thị trường phù hợp để thúc đẩy phát triển (như là sự cạnh tranh về chất lượng, hạch toán giá cả bù đắp chi phí, khuyến khích vật chất đối với năng suất lao động và chất lượng công việc…)
Công nghệ thông tin đang tiến rất nhanh. Rồi đây, công nghệ thông tin sẽ lần lượt làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động của con người trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nhiều khái niệm truyền thống và cách làm trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo cũng sẽ thay đổi.
Khái niệm trường học, giảng đường, thư viện, phòng thi, giảng viên, sách giáo khoa…cũng sẽ không y nguyên như cách hiểu lâu nay.
Các kiểu trường đại học mà lâu nay ta gọi là “ảo” cũng sẽ là trường thật và ngày càng phổ biến.
Một ông thầy giỏi cộng với công nghệ thông tin sẽ làm thay công việc cho một vạn giảng viên và cùng lúc tiếp cận với học sinh ở rất nhiều nơi trong và ngoài nước là chuyện thật.
Học sinh có thể học ở mọi lúc mọi nơi trong khi chưa có điều kiện để tập trung tại trường…
Ứng dụng rộng rãi thành tựu của công nghệ thông tin như vậy, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người học cũng sẽ là một đặc điểm mở của hệ thống giáo dục hiện đại./.
Quảng Nam ngày 05.5.2018